Leo thang giá cả vượt xa mức lương khiêm tốn đang gây khó khăn cho một công nhân kho hàng ở bang Tennessee (Mỹ). Chủ một cơ sở kinh doanh bánh ngọt ở bang Massachusetts phải cắt giảm sản lượng và chịu chi phí sản xuất gia tăng. Một giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng bán lẻ ở bang Connecticut buộc phải chia sẻ chi phí cao hơn cùng các nhà cung cấp để tránh việc tăng giá bán hàng trên diện rộng. Những ghi nhận từ hãng tin AP cho thấy mức lạm phát cao nhất trong vòng 39 năm tại Mỹ đang gây gia tăng áp lực tài chính, buộc các gia đình và doanh nghiệp trên khắp nước này phải thích ứng với một thực tế mới.
"Thủ phạm" gây lạm phát cao
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Sáu (10/12) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã tăng lên mức 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 0,8% so với tháng trước. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ mức 7,1% vào tháng 6/1982, thể hiện chi phí tăng đột biến ở một số mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng, nhà ở, ô tô, quần áo. Trong đó, giá năng lượng tăng 33.3% so với tháng 11/2020, giá xăng tăng 58.1% cùng giai đoạn, giá thực phẩm tăng 6.1% so với cùng kỳ, giá xe hơi và xe tải đã qua sử dụng tăng 31.4% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số CPI lõi tháng 11 chỉ tăng 0.5% so với tháng trước và 4.9% so với cùng kỳ.
Một loại các yếu tố, bắt nguồn từ sự phục hồi nhanh chóng từ suy thoái do đại dịch Covid-19, đã kết hợp và đẩy lạm phát tăng cao: các gói kích thích kinh tế được Chính phủ tung ra, lãi suất cực thấp do FED ấn định và tình trạng khan hiếm nguồn cung tại nhiều nhà máy. Sản xuất bị trì trệ, thậm chí ngừng hoạt động do đại dịch Covid-19, nhiều hải cảng và bãi vận chuyển quá tải trong khi nhu cầu khách hàng cao hơn dự kiến. Nhiều người chủ lao động phải tăng giá bán để bù đắp chi phí, trong đó có chi phí lương cao hơn để thu hút nhân viên do tình trạng thị trường lao động khan hiếm. Hậu quả càng làm tăng thêm lạm phát.
Người dân và doanh nghiệp đang thích ứng như thế nào?
Đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của lạm phát gia tăng là các hộ gia đình thu nhập thấp, dù mức lương họ nhận được có thể đã cao hơn. Theo CNBC trích dẫn từ Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Sáu (10/12), lương gộp của người lao động Mỹ đã tăng 4,8% trong năm qua tuy nhiên thu nhập trung bình theo giờ thực tế giảm 1,9% cùng giai đoạn.
Sự gia tăng của giá cả bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều người Mỹ buộc phải ở nhà, tác động của đại dịch đã lây lan sang lĩnh vực dịch vụ từ tiền thuê căn hộ, nhà hàng đến y tế và giải trí. Theo Jason Furman, nhà kinh tế học tại Đại học Harvard, chi phí một gia đình Mỹ điển hình phải trả đã tăng khoảng 4.000 USD trong năm qua. Theo cuộc thăm dò gần đây từ Associated Press-NORC, ngày càng nhiều người dân nhận thấy sự gia tăng lạm phát cao hơn sự gia tăng mức lương. 2 / 3 số người được khảo sát cho biết chi phí gia đình đã tăng kể từ đại dịch, so với chỉ 1 / 4 số người cho rằng thu nhập của họ đã tăng.
Theo cô Karyn Dixon, 55 tuổi, nhân viên xử lý vật liệu tại một nhà kho bang Tennessee, mức lương của cô đã được tăng thêm 1,75 USD/ giờ nhưng gần như không đủ trang trải các chi phí cao hơn như bảo hiểm y tế, thực phẩm, khí đốt. Cô cho biết: "Thực sự không có nhiều lợi ích từ nó (việc tăng lương)", “Bạn kiếm thêm tiền, nhưng phải trả nhiều hơn cho thức ăn và xăng để đi làm”, “ Khí đốt đang tác động tiêu cực đến nhiều thứ, đặc biệt ở vùng nông thôn”, “Nếu chúng tôi cần bất cứ điều gì quan trọng, chúng tôi phải đi đến thị trấn khác như Knoxville chẳng hạn. Sự lựa chọn của chúng tôi bị hạn chế ”.
James Lawson, chủ một cơ sở kinh doanh bánh ngọt ở thành phố Stockbridge, bang Massachusetts, đã phải giảm sản lượng bánh sừng bò và bánh cưới do giá thực phẩm tăng chóng mặt. Giá các nguyên liệu cơ bản tăng trung bình 25% trong sáu tháng qua, trong khi công việc kinh doanh giảm 30 - 40% so với một năm trước. Ông nói: “Thật căng thẳng”, “Tôi nghĩ giá cả sẽ trở hơn tồi tệ hơn nữa, trước khi được cải thiện”, 100 pound bơ Kerrygold làm bánh hiện tiêu tốn từ 450 - 475 USD, cao hơn đáng kể so với giá 300 USD trước đây. Ông cho biết tự mình phải gánh chịu một phần chi phí gia tăng bằng cách “không chi tiêu nhiều cho việc mua thực phẩm của bản thân".
Stew Leonard, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành một chuỗi siêu thị tại bang Connecticut và New York, đã phải chia sẻ chi phí cao hơn cùng các nhà cung cấp để tránh tăng giá mạnh đối với khách hàng. Ông nói: “Chúng tôi đang phải chịu rất nhiều chi phí”, “Chúng tôi đang cố gắng giữ giá ở mức thấp, chúng tôi sẽ vượt qua nó và theo dõi diễn biến tình hình. Hiện tại thị trường đang khó đoán định". Chuỗi cửa hàng của ông tránh tăng giá các mặt hàng chủ lực như sữa, bơ, trứng, nhưng tính phí nhiều hơn cho các mặt hàng khác như tôm hùm và thịt thăn. Ông cho biết một số khách hàng vẫn tiêu dùng những mặt hàng đắt tiền, song các khách hàng thu nhập thấp hơn đang thay đổi, mua thịt gà thay vì thay bò, hay mặt hàng chuối thay vì quả việt quất.
Trước đó, ông Jerome Powell, Chủ tịch FED, cho rằng lạm phát cao chỉ là “nhất thời”, là hậu quả trong ngắn hạn do tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, hai tuần trước, ông Powell cho biết Fed có thể sẽ loại bỏ chính sách lãi suất thấp sớm hơn kế hoạch và lạm phát đã kéo dài hơn dự kiến của ông. Lãi suất cơ bản của Mỹ đã duy trì ở mức gần bằng 0% kể từ giữa tháng 3/2020 trong bối cảnh nền kinh tế nước này chao đảo vì đại dịch Covid - 19.
Tổng thống Joe Biden cũng đã phát biểu tại Nhà Trắng về báo cáo lạm phát Bộ Lao động hôm thứ Sáu (10/12): "Tôi nghĩ đó là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, bạn sẽ thấy sự thay đổi sớm hơn và nhanh hơn so với hầu hết mọi người nghĩ".
Theo hãng tin CNBC nhận định, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất kể từ năm 1969 và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến sẽ tăng mạnh vào quý cuối năm 2021 sau sự tăng trưởng mờ nhạt vào quý III vừa qua, lạm phát cao vẫn là vấn đề lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế nước Mỹ.
Hà Thanh (theo AP, CNBC, ABC News)