Dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tại các địa phương trên cả nước có xu hướng tăng cao. Bên cạnh chủ động phòng bệnh thì việc phát hiện điều trị sớm và chăm sóc dinh dưỡng rất cần thiết cho người bệnh sốt xuất huyết.
Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng. Hầu hết bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 2 tuần. Những trường hợp nặng được điều trị chủ yếu giảm triệu chứng và kiểm soát các nguy cơ diễn biến nặng của bệnh bằng cách hạ sốt, truyền dịch và chống sốc tích cực.
Dinh dưỡng giúp nâng cao sức đề kháng cho người mắc sốt xuất huyết
BS. Kiều Thúy Ngân, Khoa Nội nhi (Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn) cho biết, khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường bị sốt cao, mất nước kèm theo đau đầu, đau nhức người, tê mỏi chân tay… nên rất mệt mỏi, chán ăn. Lúc này, một chế độ dinh dưỡng khoa học với những món ăn mềm và nấu dưới dạng lỏng như cháo, súp… giúp nâng cao sức đề kháng, người bệnh nhanh hồi phục hơn. Tuy nhiên, không nên ép người bệnh ăn quá nhiều trong một bữa ăn mà nên chia nhỏ thành nhiều bữa. Ăn từng ít một sẽ giúp cơ thể hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng hơn.
Tăng cường bổ sung các loại nước lọc, nước canh, nước dừa tươi, nước ép trái cây (như cam, bưởi, chanh), không phải đợi đến khi cảm thấy khát mới uống. Trong đó, nước dừa chứa nhiều khoáng chất tốt giúp bổ sung chất điện giải cho cơ thể. Các loại nước ép cam, chanh, bưởi cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp vững bền thành mạch.
Ăn các loại trái cây giàu vitamin C khác như lựu, kiwi... cũng có tác dụng giúp cơ thể sản sinh lượng tiểu cầu nhiều hơn rất tốt cho người bệnh sốt xuất huyết.
Để nhanh chóng phục hồi sức khỏe, trong chế độ ăn của người bệnh sốt xuất huyết cần tăng cường thực phẩm giàu protein như: trứng, thịt, cá, sữa… để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Đối với trẻ còn bú mẹ, cần tiếp tục cho trẻ bú như bình thường. Trẻ trong độ tuổi ăn dặm, cha mẹ nên nấu đa dạng nhiều món ăn, ưu tiên thực phẩm giàu vitamin D, A, kẽm, sắt… Cần cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, chia nhỏ thành nhiều bữa ăn. Ngoài bữa ăn chính nên cho trẻ uống thêm sữa, nước cam hoặc sinh tố để bổ sung vitamin và khoáng chất.
Người bệnh sốt xuất huyết cần đặc biệt lưu ý tránh các thức ăn, đồ uống có màu đỏ sẫm như tiết, củ dền, thanh long, dưa hấu, coca… vì khi đi đại tiện có thể dễ gây nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa.
Khi bệnh nhân được xuất viện là lúc đã qua thời kỳ nguy hiểm. Nhưng ở giai đoạn hồi phục này bệnh nhân vẫn còn triệu chứng mệt mỏi, do đó khi được về nhà cần tiếp tục theo dõi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nhất là thực phẩm cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất; tập thể dục, ngủ nghỉ điều độ để nâng cao sức khỏe, sớm hồi phục.
Người bị sốt xuất huyết uống sữa được không?
Sữa là thực phẩm giàu protein thường được dùng để bổ sung dưỡng chất hàng ngày hoặc khi bị ốm. Nhiều người khi bị sốt xuất huyết lại không dám uống sữa vì cho rằng sữa gây đầy bụng, khó tiêu và làm tăng nhiệt độ cơ thể.
Theo BS. Hồ Thu Mai, chuyên khoa Dinh dưỡng, với người bệnh sốt xuất huyết, sữa là nguồn cung cấp dưỡng chất, vitamin và khoáng chất phong phú như canxi, vitamin D, vitamin K, phốt pho, magiê… giúp người bệnh nhanh hồi phục. Sữa dạng lỏng nên phù hợp với người bệnh đang trong tình trạng mệt mỏi, chán ăn. Sữa cũng dễ tiêu hóa và hấp thu nên có thể giúp bổ sung năng lượng nhanh chóng.
Vì vậy, người bệnh mắc sốt xuất huyết nên tăng cường uống sữa. Còn uống sữa gì khi bị sốt xuất huyết là tùy theo sở thích và điều kiện của người bệnh, tuy nhiên nên mua sữa của những nhà sản xuất có uy tín để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Đối với những người có biểu hiện dị ứng, bất dung nạp lactose, có triệu chứng đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy khi uống sữa thì không nên uống khi đang điều trị bệnh sốt xuất huyết. Vì lúc này cơ thể đang mệt mỏi, sức đề kháng giảm, uống sữa sẽ làm tình trạng sức khỏe của người bệnh thêm nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chức năng hồi phục của cơ thể.
Với người bệnh đang dùng các loại thuốc hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết, thì cần phải xem các thành phần của thuốc có phản ứng với sữa không. Do thành phần của một số loại sữa có thể phá vỡ cấu trúc của thuốc, làm giảm tác dụng, đồng thời sinh ra độc tố khi sử dụng. Trong trường hợp này người bệnh vẫn có thể uống được sữa, nhưng phải lưu ý cách thời gian uống thuốc ít nhất 2 giờ.
Theo Sức khỏe và Đời sống