Người trà trà người

Người trà trà người

Văn Công Hùng

Văn Công Hùng

Thứ 4, 09/07/2025 07:00

Trà thì, lâu nay trà Thái gần như "vô địch" trên thị trường và trong gu người dùng Việt. Trước 1975, ở phía Nam cũng có 2 vùng trà nổi tiếng, nhưng giờ chủ yếu để xuất khẩu làm trà đen, trà đỏ.

Trong thế giới nông trường một thời, có 2 bài thơ nổi tiếng về 2 ngành được cho là chủ đạo của kinh tế nông trường, một là bài về cao su: "Trời mưa ướt lá cao su/ Ướt em em chịu, ướt mùa thu em buồn", và bài về chè: "Hôm qua em đi hái chè...". Bài về cao su thì trữ tình, tha thiết, đắm say, bài về chè thì tếu táo, vui, tưởng ngang phè nhưng té ra... thuận chiều. Mắng đấy mà yêu đấy, bi kịch đấy nhưng lại hình như là... chính kịch, phản kháng đấy mà lại như... đồng thuận. Nó như tiếng cười cố nén, như cái mím chi sau tiếng thở dài...

Người trà trà người- Ảnh 1.

Vườn trà Thái Nguyên. Ảnh: Văn Công Hùng.

Chúng tôi, một nhóm báo chí văn chương trên xe từ Hà Nội về Thái Nguyên và lan man chuyện chè trên xe, đủ chuyện, có nhắc đến chuyện trên.

Cũng trên xe, có ông thì nghiện chè/ trà từ... 5 tuổi, là ông ấy nhận thế, dân Thái Nguyên gốc, 5 tuổi đã biết phân biệt trà mạn trà móc câu, nhìn vườn chè biết nó bao nhiêu năm tuổi. Lại có ông tận Sài Gòn, quanh năm uống... trà đá. Mà đã trà đá thì gần như không quan tâm hương lẫn vị trà, miễn nó là... trà, và có đá, nhiều đá cho mát. Lại như tôi, cũng uống trà, nhưng... 50%. Sáng uống cà phê với trà loãng, không đá. Tối cơm xong mới làm một ấm trà Thái xịn. Nên ở chung phòng khách sạn với mấy ông mà sáng sớm đã thấy các ông ấy súc ấm pha trà rồi ra ban công ngồi uống trà sáng nhìn xuống đường ngắm... người, tôi vừa nể vừa sợ. Nghiện cà phê nhưng chỉ uống sau ăn sáng, khi ấy mới cảm nhận vị ngon của cà phê, chủ yếu là để... không say, không lộn tùng phèo tim gan dạ dày... Và tất nhiên, khi ấy uống trà xịn cũng được, nhưng vì đã cà phê nên chỉ trà loãng của quán để tận hưởng trọn vẹn cà phê.

Nhưng chơi với giới uống trà cũng thấy nhiều cái lạ, lạ nhất là ông nào cũng bảo uống như mình mới là... uống, mới sành điệu, mới xịn xò, mới là... trà.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập, một con nghiện chung thân của trà Thái, cũng là người uống trà từ... 5 tuổi. Lý do đơn giản, bố ông nghiện trà. Quê hồi ấy tới mùa lạnh là cắt da teo thịt. Năm giờ sáng ông bố dậy nấu nước pha trà uống, ông con lạnh quá phải dậy theo. Và ngồi không thì... uống trà theo bố, và nghiện tới giờ. Tất nhiên ngày xưa thì không thể có trà Thái xịn mà uống, nhưng giờ thì ông đầy. Hôm tôi vào nhà ông ở Củ Chi, ông trực tiếp pha trà đãi tôi. Trà cho đầy 2/3 ấm. Rót nước sôi vào. Đợi ngấm, rót ra mấy cái ly lớn, đặc cắm tăm được... Xong pha thêm một ít nước sôi vào đấy. Và uống thì... rất ngon thật.

Một ông nhà báo khác, nghe tôi kể, bảo uống thế lãng nhách. Trà mà dội nước sôi trăm độ vào, nó cháy trà. Người ta đợi nước nguội 80 độ mới pha.

Người trà trà người- Ảnh 2.

Hôm chúng tôi vào cơ sở HTX trà Tiên Yên Thái Nguyên, có trà nương phục vụ pha trà, vừa biểu diễn vừa mời khách, có sự xuất hiện của cái... phích vỏ nhựa. Tôi hỏi chủ nhiệm HTX là sao không làm cái lò, nước cứ sôi sùng sục thế, vừa có không khí trà, vừa có nước để pha, mà lại rót nước sôi vào cái phích, nó chả ăn nhập gì cảnh quan xung quanh, được trả lời là rót vào phích để nó... hạ bớt nhiệt. Chả biết đúng hay sai.

Lại nhớ đọc cụ Nguyễn Tuân xưa, người ta uống trà rất kỹ, chưa gọi đạo trà nhưng nó chả khác gì trà đạo. Có chi tiết, nước phải là nước mưa, đúng rồi, đun bằng siêu đồng, đúng rồi. Và nấu trên hỏa lò bằng than nhãn hoặc quả phi lao khô. Khi nước sôi đủ độ, phải rót thử xuống nền nhà, là nền đất sét, nện chặt, trải năm trải tháng trải đời người, đen bóng lên. Dòng nước nóng rót xuống nó xèo phát, rồi nhảy tưng lên như khi ta thả hành khô vào chảo mỡ sôi, là nước tốt, đủ để pha trà.

Ông nhà văn Trung Sỹ, dân Hà Nội phố cổ, cũng loại uống trà thâm môi từ bé, thủng thẳng: "khi ta hái cái chồi đã hé với thêm một lá, nó sẽ là trà tôm nõn. Khi hái xuống thêm một lá nữa, nó sẽ là trà một tôm hai lá...Tôm là búp của cây chè. Người hái danh trà thời công nghệ 4.0 cũng phải trang bị bảo hộ lao động, là áo blouson có quạt mát tự động. Những điều này thì ông Nguyễn Tuân khi viết "Vang bóng một thời" cũng chả biết. Các ông cứ thích trà đinh chứ đinh trà uống nó không chắc mồm". Tôi trợn mắt ngạc nhiên và thú vị với cái từ "chắc mồm". Tôi hay được nhà thơ Hữu Việt tặng trà đinh, và luôn nghĩ đấy là đỉnh của đỉnh, giờ nghe ông này nói, bèn rất hoang mang.

Lại câu này nữa thì tôi choáng thật sự: "Nhiều ông bà khi pha thường bảo đổ nước sôi tráng rửa độc hay thuốc sâu cho trà là hết sức thô lậu. Nếu đây là trà Thái Nguyên chính gốc các hiệu Thanh Hải, Tiến Yên, Trại Cài, Hảo Đạt... thì ở đây họ làm chè sạch từ lâu rồi, có mã QR truy xuất từng mẻ trên bao bì rồi. Nước sôi đổ ra lượt đầu thực ra để đánh thức hương trà". Té ra tôi và một số người lâu nay thưởng trà kiểu phàm phu tục tử. Lấy cái sự rửa trà làm... vệ sinh. Có người còn gọi đấy là "làm lông trà", nhưng khi ông nhà văn này nhìn ra sự đánh thức hương trà thì trà lên một đẳng cấp khác. Lại nhớ ngày xưa, các cụ nghiện trầu, chỉ hái trầu ban ngày, ban đêm lỡ hết mà phải hái, bao giờ các cụ cũng làm một động tác bắt buộc là... đánh thức trầu. Lúc ấy trầu đang ngủ, phải nhẹ nhàng đánh thức, chứ leo lên hái (trầu hay leo theo thân cau), trầu sẽ giật mình.

Người trà trà người- Ảnh 3.

Một nhà văn cũng rất sành trà, quê Thái Nguyên, là Nguyễn Trọng Luân, góp chuyện: "Nói thật trà đinh uống phèo. Trà nõn khá hơn. Một tôm hai lá đậm đà kinh tế. Trà đinh để ngửi, trà nõn để bán, trà một tôm một lá để uống". Chữ "phèo" nó cũng đầy chất chuyên nghiệp... trà của ông nhà văn này.

Trương Năm, phó giám đốc trung tâm thông tin tỉnh Thái Nguyên thủng thẳng: "Cũng là người thường xuyên uống trà thay nước lọc thì em chọn trà Đinh để ngắm và giới thiệu, biếu VIP; Tôm nõn để uống, tiếp khách hiểu trà, tặng người thân hữu; Móc câu để giành cho mọi người (trà Quốc dân)". Chiếu theo tiêu chuẩn này thì tôi thuộc loại... VIP vì hay được biếu trà đinh.

Với lại trà ấy, nó mới là một yếu tố trong bốn tiêu chí: nhất thủy, nhị trà, tam pha, tứ ấm.

Tôi đồ chừng, món trà ấy, như cà phê, khoản không khí uống nó rất quan trọng. Tôi thấy các quán trà chén vỉa hè Hà Nội yếu tố ấm được bỏ qua vì đa phần thấy ủ trong ấm như ủ chè xanh, lấy đâu ra Tử sa với những là Chu Đậu, thậm chí Bát Tràng... nhưng người ngồi uống rất đông, rất... không khí.

Rồi nước, giờ lấy đâu ra nước mưa, hay cầu kỳ hơn là nước hứng trên lá sen, nước giếng đá ong cổ... nên có gì dùng nấy.

Cuối cùng còn lại là, trà và cách pha.

Trà thì, lâu nay trà Thái gần như vô địch trên thị trường và trong gu người dùng Việt. Trước 1975, ở phía Nam cũng có 2 vùng trà nổi tiếng, nhưng giờ chủ yếu để xuất khẩu làm trà đen, trà đỏ. Còn trà truyền thống, thì Thái Nguyên vẫn là sự lựa chọn số 1, còn nó có đúng Thái Nguyên hay chỉ là Thái nhưng không nguyên lại là chuyện khác.

Và pha, thì nó là thói quen, lâu dần thành gu. Người thì pha trà như một sự hành lễ, người thì qua loa đại khái, miễn nó là... trà. Làm một nắm, cho vào cái ly lớn, dội nước sôi vào, lấy tờ giấy đậy lại, uống dần. Người thì pha vào bình inox, để uống cả ngày, nó thành trà ngâm trong ấy, luôn giữ được nhiệt, nhưng ngâm lâu thì nó có còn là trà không chỉ người uống biết.

Tôi thì, không đại khái, cũng không nghi lễ. Một mình một ấm tử sa, trên bàn viết, vừa uống vừa làm việc, kể cả... viết bài này...

* Bài viết thể hiện quan điểm tác giả!


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.