Nguy cơ thất thu hàng nghìn tỷ nếu bỏ thanh tra thuế, hải quan

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 3, 25/10/2022 14:31

Nguồn thu từ thanh tra lĩnh vực thuế và hải quan là nguồn thu lớn, ổn định, nếu bỏ chức năng thanh tra thì ngân sách Nhà nước sẽ bị thất thu.

Nguy cơ thất thu ngân sách

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sáng 25/10, ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định), cho biết các quy định của luật đã xử lý được những vướng mắc, khó khăn đối với Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

Đồng thời, còn khẳng định hệ thống tổ chức của Thanh tra Tổng cục, cục thuộc Bộ mà đơn vị đóng tại địa phương, ví dụ như Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Thống kê.

Riêng trong lĩnh vực thuế và hải quan nếu bỏ chức năng thanh tra thì ngân sách Nhà nước sẽ có nguy cơ thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn thu lớn và ổn định, bền vững của ngân sách Nhà nước. Hiệu quả của thanh tra Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh và khu vực là không phải bàn cãi.

Vì thế, đại biểu cho rằng, cần thiết tổ chức cơ quan thanh tra ở Tổng cục, Cục thuộc Bộ để tăng sự huy động vào ngân sách Nhà nước.

Tiêu điểm - Nguy cơ thất thu hàng nghìn tỷ nếu bỏ thanh tra thuế, hải quan

ĐBQH Nguyễn Hải Dũng.

Theo đại biểu, dự thảo Luật Thanh tra đã thể hiện cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam đủ điều kiện để thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành.

Tuy nhiên, hệ thống cơ quan bảo hiểm xã hội cũng được tổ chức theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện.

Riêng từ năm 2016 đến năm 2021, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm về đối tượng, mức đóng bằng 120% với số tiền truy thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế…

Bên cạnh đó, Thanh tra bảo hiểm xã hội còn có đóng góp to lớn để bảo đảm việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, xử lý các vi phạm trong đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế kịp thời và nghiêm minh.

Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, cần thiết quy định trong Luật Thanh tra (sửa đổi) về cơ quan thanh tra BHXH bao gồm ở Bảo hiểm xã hội Việt Nam và ở Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nếu được quy định như vậy cũng là cân đối với thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ mà có tổ chức hệ thống ngành dọc ở địa phương.

Góp phần phòng chống tham nhũng

Quan tâm đến nguyên tắc hoạt động thanh tra, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ ra, dự luật có quy định, hoạt động thanh tra tuân theo pháp luật; dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác. Đại biểu đề nghị cần đề cao, nêu rõ tính chất độc lập của hoạt động thanh tra.

Theo đó, cần sửa đổi Điều 4 về nguyên tắc hoạt động thanh tra thành hoạt động thanh tra tuân theo pháp luật; độc lập, dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác..

Tiêu điểm - Nguy cơ thất thu hàng nghìn tỷ nếu bỏ thanh tra thuế, hải quan (Hình 2).

ĐBQH Huỳnh Thị Phúc.

Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu thêm đối với trường hợp cơ quan thanh tra không đồng ý với văn bản trả lời của cơ quan chức năng có trách nhiệm liên quan trong việc xem xét, kiến nghị khởi tố vụ án.

Đồng thời, cần xem xét, bổ sung, sửa đổi khoản 2 Điều 7 thành: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan điều tra, VKSND có trách nhiệm xem xét kiến nghị khởi tố vụ án hình sự do cơ quan thanh tra chuyển đến và trả lời bằng văn bản về việc xử lý kiến nghị đó.

Trong trường hợp không đồng ý với văn bản trả lời của cơ quan thẩm tra, cơ quan thanh tra gửi văn bản đề nghị cơ quan cấp trên có thẩm quyền xem xét lại vụ việc.

Đại biểu hy vọng dự án luật lần này sẽ phát huy cao nhất hiệu quả cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Về kết luận thanh tra, để đảm bảo tính chặt chẽ của dự án Luật, cần xem xét, bổ sung quy định cụ thể về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ sung, sửa đổi kết luận thanh tra, nhằm tránh tiêu cực, hạn chế việc sửa đi sửa lại kết luận thanh tra.

Tiêu điểm - Nguy cơ thất thu hàng nghìn tỷ nếu bỏ thanh tra thuế, hải quan (Hình 3).

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nhất trí với các đại biểu về xử chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra.

Đại biểu cho rằng cụm từ không chồng chéo, trùng lặp được lặp lại nhiều lần nhưng thực tế cho thấy là tuy không trùng về nội dung, không trùng về thời điểm thanh tra nhưng có quá nhiều cuộc thanh tra, ảnh hưởng đến điều hành hoạt động của địa phương.

Do đó, đại biểu đề nghị là nên quy định số lượng không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong 1 năm đối với lại bộ, ngành, địa phương.

Tại Điều 76 về ban hành kết luận thanh tra, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng việc chậm ban hành kết luận thanh tra thì dự thảo luật còn bỏ trống, chưa được quy định rõ.

Thực tế cho thấy còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra Trung ương đối với lại bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận. Thời gian chậm ban hành từ 1 năm đến hơn 6 năm. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra trong dự thảo Luật.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.