Gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách sân bay quốc tế Long Thành được liên danh Vietur khởi công từ ngày 31/8. Sau 3 tháng thi công, đến nay nhà ga hành khách sân bay Long Thành với hình ảnh hoa sen dần lộ diện.
Theo thiết kế, nhà ga lấy hình ảnh hoa sen làm ý tưởng chính, được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế như: mái, góc nhìn mặt chính, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục… Điểm nhấn kiến trúc là ô lấy ánh sáng và ô thông tầng trung tâm nhà ga - nơi bố trí thác nước nhân tạo và cảnh quan sân vườn. Ảnh phối cảnh: ACV
Đây là gói thầu quan trọng nhất của dự án sân bay Long Thành với tổng vốn đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện 39 tháng. Công trình xây dựng trên khu đất rộng 150ha, thiết kế hai luồng đi và đến tách biệt, gồm một tầng trệt và 3 lầu, đỉnh mái cao gần 46m, bố trí 40 vị trí đỗ máy bay. Khi hoàn thành, nhà ga sẽ có công suất phục vụ 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Công trình nhà ga hành khách được xem là “trái tim” của sân bay Long Thành. Đây cũng là gói thầu có giá trị lớn với tính chất kỹ thuật phức tạp nhất hiện nay. Công trình được thiết kế và xây dựng bằng công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực hàng không với vật liệu có độ bền và tính thẩm mỹ cao.
Nhìn từ trên cao, một trong 3 nhánh đỗ máy bay đi đến thành hình hài khi các tuyến đường công vụ phục vụ thi công nhà ga đã được trải đá dăm.
Xung quanh công trình nhà ga đã được rào chắn bằng tôn. Đường công vụ trong nhà ga có tổng chiều dài gần 3.700m2.
Hiện tại, nhiều hạng mục của nhà ga hành khách đang được nhà thầu tăng tốc triển khai. Khắp công trường, hơn 20 cẩu tháp đã được lắp đặt để triển khai thi công.
Toàn bộ mặt bằng nhà ga nhà thầu đã và đang triển khai đào đất các hố cọc móng để thi công phần công trình ngầm nhà ga.
Nhiều hố móng đã được đào, thi công đóng cọc móng trước đó.
Các nhà thầu đang tập trung máy móc, phương tiện vận chuyển, đào đất để thi công phần công trình ngầm và sắp tới đến phần thô, phần bêtông cốt thép thân nhà ga…
Khoảng 400 máy móc, phương tiện cơ giới, thiết bị xây dựng… phục vụ thi công được các nhà thầu trong liên danh tập trung về công trường nhằm đẩy nhanh tiến độ ngay sau khi khởi công gói thầu.
Đến nay, liên danh nhà thầu đã hoàn thành lắp dựng hai trạm bêtông, đang lắp đặt các trạm khác trong và ngoài công trình. Phòng điều hành của các nhà thầu đã đưa vào hoạt động. Các trạm biến áp phục vụ xây dựng nhà ga cũng đã được kéo dây điện và lắp đặt.
Đại công trường sân bay Long Thành không khí làm việc hối hả, khẩn trương từ các bộ phận, đội ngũ công nhân, kỹ sư, giám sát.... Các nhà thầu đã huy động hơn 1.000 nhân lực để triển khai các công việc cho giai đoạn đầu của gói thầu.
Nhiều xe tưới nước cũng được huy động để đảm bảo công tác thi công, giảm bụi trong thời tiết nắng nóng.
Cùng với gói thầu xây dựng nhà ga hành khách, việc thi công đường cất hạ cánh cũng đang được triển khai. Hạng mục thuộc gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay thuộc dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Hạng mục đường băng cất hạ cánh có giá trị 7.300 tỷ đồng, thời gian thi công 700 ngày. Trong giai đoạn 1, sân bay Long Thành sẽ có đường băng dài 4.000m, rộng 45m, hệ thống 2 đường lăn song song, 6 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối,…
Cảng hàng không quốc tế Long Thành có vốn đầu tư toàn bộ dự án ước tính khoảng 336.630 tỷ đồng (khoảng 16 tỷ USD), với diện tích 5.000ha. Giai đoạn 1 của dự án sử dụng 1.810 ha diện tích mặt bằng, mức đầu tư 114.450 tỷ đồng (5,45 tỷ USD). Sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hoá mỗi năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.
Lê Quân