Nhập 37 toa tàu cũ, lãnh đạo VNR nói "giúp tiết kiệm hơn 1.100 tỷ đồng"

Nhập 37 toa tàu cũ, lãnh đạo VNR nói "giúp tiết kiệm hơn 1.100 tỷ đồng"

Lê Mạnh Quốc

Lê Mạnh Quốc

Thứ 2, 18/10/2021 18:27

Lãnh đạo VNR cho biết đề xuất nhập khẩu 37 toa tàu cũ của Nhật Bản dựa trên những tính toán về hiệu quả kinh tế cũng như trong đảm bảo an toàn chạy tàu, công nghệ.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa qua có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho nhập khẩu, khai thác 37 toa tàu tự hành đã qua sử dụng của Nhật Bản.

Trao đổi với Người Đưa Tin chiều ngày 18/10, ông Vũ Anh Minh Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết đây là loại xe tự hành chuyên phục vụ chở khách, được sản xuất từ những năm 1979-1982, có trang bị ghế mềm, điều hòa không khí, được thiết kế 68-82 chỗ ngồi, 28-34 chỗ đứng, có thể vận hành độc lập không cần đầu kéo với tốc độ tối đa 95 km/h trên đường sắt khổ 1.067 mm của Nhật Bản.

Phía Nhật Bản sẵn sàng chuyển giao miễn phí những toa xe này cho VNR. Phía Việt Nam chỉ cần bỏ chi phi nhập khẩu, hoán cải, đăng kiểm, hải quan để đưa vào vận hành.

Kinh tế vĩ mô - Nhập 37 toa tàu cũ, lãnh đạo VNR nói 'giúp tiết kiệm hơn 1.100 tỷ đồng'

Ông Vũ Anh Minh cho biết Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã nghiên cứu kỹ hơn 1 năm về phương án nhập khẩu trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: Hữu Thắng). 

Đề xuất dựa trên tính toán về hiệu quả

Ông Vũ Anh Minh cho biết Tổng Công ty đã nghiên cứu kỹ hơn 1 năm về phương án nhập khẩu trước khi trình Thủ tướng Chính phủ để xin chủ trương.

“Chúng tôi đề xuất nhập khẩu dựa trên những tính toán về hiệu quả trong đó không chỉ là hiệu quả doanh nghiệp mà hiệu quả của toàn xã hội và cũng không chỉ là hiệu quả về kinh tế mà còn là hiệu quả trong đảm bảo an toàn, môi trường và kể cả công nghệ”, ông Minh cho biết.

“Về chi phí, do được phía Nhật Bản chuyển giao miễn phí, nên chúng ta chỉ phải đầu tư khoảng 140 tỷ cho 37 toa xe (khoảng 3,8 tỷ/xe) bao gồm 40 tỷ chi phí vận chuyển, 80 tỷ chi phí hoán cải để phù hợp với hạ tầng đường sắt của Việt Nam.

Trong khi đó, chi phí để đóng mới toa tàu cùng loại là 30 tỷ/xe, như vậy để đầu tư 37 toa tàu mới cùng loại, chúng ta phải bỏ ra 1.110 tỷ đồng”, ông Minh thông tin về dự toán chi phí.

Về khả năng thu hồi vốn, lãnh đạo VNR cho biết, theo tính toán những toa xe này có thể khai thác tốt trong vòng 15 năm nữa và trong vòng 7 năm sẽ hoàn vốn chi phí đầu tư.

Theo ông Vũ Anh Minh, trong điều kiện hiện nay, việc đóng mới toa xe là vấn đề rất khó khăn của ngành do vốn đầu tư quá lớn, vì vậy mà biện pháp nhập xe với chi phí thấp đã là ưu tiên hàng đầu để đầu tư.

Bên cạnh đó, toa xe tự hành có thể vận dụng không phụ thuộc vào đầu máy, xe phát điện vì vậy tạo ra tính cơ động cao hơn nhiều so với các toa xe đang vận dụng từ đó giúp tiết kiệm chi phí, tăng tần suất chạy tàu trên những tuyến ngắn, giờ giấc chạy tàu ưu việt hơn.

Tàu cũ nhưng liệu có an toàn?

Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, các toa xe này đã được vận hành, khai thác bình thường tại Nhật Bản và không gặp vấn đề gì nghiêm trọng về an toàn và chất lượng do được bảo dưỡng thường xuyên nên còn rất tốt.

“Phía Nhật đánh giá các toa xe này có độ an toàn cao với tỷ lệ sự cố 1-2 vụ trên 1 triệu km vận hành”, lãnh đạo VNR cho biết.

Kinh tế vĩ mô - Nhập 37 toa tàu cũ, lãnh đạo VNR nói 'giúp tiết kiệm hơn 1.100 tỷ đồng' (Hình 2).

Các toa xe cũ của Nhật sử dụng công nghệ tự hành kéo đẩy, hoạt động trên khổ đường 1.067 mm, phù hợp khổ đường 1.000 mm của Việt Nam sau khi hoán cải. 

Theo lãnh đạo VNR, các toa xe cũ của Nhật sử dụng công nghệ tự hành kéo đẩy, hoạt động trên khổ đường 1.067 mm, phù hợp khổ đường 1.000 mm của Việt Nam. Sau khi nhập khẩu, các toa tàu có thể được ép trục hoặc thay trục giữa để phù hợp khổ đường Việt Nam. Việc hoán cải dự kiến trong 6 tháng. Quá trình vận hành sau đó, chi phí bảo dưỡng tương tự như các toa tàu đang khai thác trong nước.

“Sau khi cải tạo, sửa chữa, ngành đường sắt sẽ đăng kiểm toàn bộ các toa xe đã nhập khẩu theo quy định của quy chuẩn Việt Nam. Tàu đã lên đường chạy thì đương nhiên phải đảm bảo an toàn đăng kiểm”, ông Vũ Anh Minh khẳng định.

Cơ hội để thí điểm công nghệ mới

Ông Vũ Anh Minh cho biết, hiện nay, đường sắt vẫn đang chủ yếu các toa xe với đầu kéo tập trung, một đầu máy kéo 13-15 toa. Như vậy, phù hợp với những đoàn tàu dài, nhưng không phù hợp với đoạn ngắn, khách ít và cần thời gian linh hoạt.

“Đây là số toa tàu chưa từng được khai thác tại Việt Nam, khi về nước 37 toa tàu này cũng là công nghệ mới nhất đối với các đoàn tàu mà ngành Đường sắt Việt Nam đang khai thác”.

“Việc nhập khẩu 37 toa tàu này sẽ là giai đoạn thí điểm để nghiên cứu, phát triển công nghệ mới phục vụ việc đóng mới, vận dụng rộng rãi loại toa xe tự hành để chở khách trên đường sắt Việt Nam trong tương lai”, ông Minh cho biết thêm về lợi ích trong công nghệ.

Kinh tế vĩ mô - Nhập 37 toa tàu cũ, lãnh đạo VNR nói 'giúp tiết kiệm hơn 1.100 tỷ đồng' (Hình 3).

Nếu được đồng ý nhập khẩu thì 37 toa tàu này sẽ là công nghệ mới nhất đối với các đoàn tàu mà ngành Đường sắt Việt Nam đang khai thác. (Ảnh: Hữu Thắng)

Theo ông Minh, nếu những toa tàu này được đưa về nước chúng ta có thể đưa vào khai thác các tuyến Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, Nha Trang – TP.HCM. Đà Nẵng – Quảng Bình. Đây là những tuyến rất phù hợp để khai thác. Thậm chí, ngành đường sắt còn có thể nghiên cứu thay thế tuyến đường sắt Bắc – Nam.

Ông Vũ Anh Minh cho biết thêm, hiện nay, việc nhập khẩu loại toa xe trên còn gặp phải vướng mắc liên quan đến pháp lý tại Nghị định 65 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt 2017. Cụ thể, quy định chỉ được nhập khẩu phương tiện giao thông đường sắt đã qua sử dụng không quá 10 năm. Ngoài, đối với niên hạn toa xe cũng có quy định không quá 40 năm. Như vậy đối với 37 toa xe trên không đủ điều kiện để nhập khẩu.

“Hiện Tổng Công ty Đường sắt đang kiến nghị để xin cơ chế đặc thù với Chính phủ để đồng ý chấp thuận chủ trương nhập khẩu 37 toa xe DMU nêu trên”.

Cũng về vấn đề trên, ông Phan Lê Bình, chuyên gia về kỹ thuật hạ tầng, cho rằng việc nhập khẩu toa xe đã qua sử dụng của Nhật Bản về Việt Nam là một động thái hợp lý.

“Về câu chuyện chi phí, không hẳn là chúng ta không tốn đồng nào trước hết là chi phí vận chuyển và chi phí hoán cải để phù hợp với khổ đường sắt Việt Nam, tuy nhiên thực tế thì như vậy vẫn rẻ hơn so với đóng mới”, ông Bình cho biết.

Theo ông Phan Lê Bình, đối với hoạt động nhập các toa xe cũ của Nhật Bản thì thực chất một số nước như Malaysia, Indonesia, Myanmar, Phillipines cũng đã thực hiện.

Về vướng mắc pháp lý tại Nghị định 65, theo ông Bình, trong tùy trường hợp cũng cần có đánh giá về mức độ chất lượng của toa xe hơn là quan tâm về niên hạn sử dụng.

“Toa xe của Nhật Bản khi sử dụng trải qua quy trình duy tu bảo dưỡng rất thường xuyên, nghiêm ngặt và kỹ càng theo quy trình tiểu tu, trung tu, đại tu sau thời gian nhất định sử dụng để đảm bảo vận hành tàu an toàn. Do đó dù đã sử dụng 40 năm nhưng lại rất khác với “đồ Nhật hàng bãi”. Mức độ mới, đẹp và đảm bảo an toàn kỹ thuật thì hoàn toàn có thể đảm bảo”, ông Phan Lê Bình thông tin thêm.

“Nhiều lo lắng về việc chúng ta sẽ nhập khẩu “rác công nghiệp” nhưng thực tế là khi chúng ta nhập về thì vẫn có thể sử dụng thêm ít nhất được khoảng đến 20 năm nữa”, ông Bình cho biết.

 

Mạnh Quốc - Hữu Thắng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.