Nhiều nước triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em
Khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát, trẻ em được xếp vào nhóm ít tổn thương, hiếm có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc virus hơn so với người lớn. Tuy nhiên, điều này không còn đúng kể từ khi biến thể Delta xuất hiện. Bằng chứng là số trẻ em nhập viện và tử vong vì Covid-19 gia tăng ở nhiều nước. Thực tế này khiến hàng loạt nước trên thế giới đưa ra quyết định hạ độ tuổi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Theo đó, tập trung vào nhóm đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên nhằm bảo vệ thế hệ trẻ cũng như bảo vệ cả cộng đồng.
Tại châu Âu, Hungary đã bắt đầu tiêm cho người từ 16-18 tuổi từ giữa tháng 5. Ngày 31/5, Italy cho phép dùng vắc-xin của Pfizer cho trẻ từ 12-15 tuổi. Hồi tháng 6, Đan Mạch cho biết sẽ tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em trong độ tuổi 12-15 để tăng cường miễn dịch chung với SARS-CoV-2.
Pháp là một trong những quốc gia đầu tiên khởi động chương trình tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em trên 12 tuổi từ 12/6. Tháng 8, Đức đồng ý tiêm chủng cho mọi trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Tây Ban Nha đã bắt đầu tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi hai tuần trước năm học mới bắt đầu vào tháng 9 vừa rồi. Áo đã bắt đầu tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em 12-15 tuổi. Nhiều quốc gia khác như Estonia, Thụy Điển, Phần Lan… cũng có kế hoạch tiêm vắc-xin cho nhóm 12-15 tuổi có nguy cơ mắc Covid-19 thể nặng.
Tại Trung Đông, từ tháng 8, Israel đã tiêm mũi tăng cường cho trẻ em từ 12 tuổi. Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng triển khai tiêm Covid-19 của Sinopharm cho trẻ từ 13-17 tuổi.
Tại châu Á-Thái Bình Dương, ngày 28/5, Nhật Bản đồng ý dùng vắc-xin Pfizer cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Từ ngày 1/6, Singapore mở rộng tiêm chủng cho trẻ từ 12-18 tuổi. Ngày 28/6, Indonesia đã khuyến nghị tiêm vắc-xin Sinovac cho trẻ từ 12-17 tuổi. Ngày 21/6, Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết các nhà quản lý y tế New Zealand đã đồng ý dùng vắc-xin Pfizer cho trẻ từ 12-15 tuổi.
Trong khi đó 91% học sinh từ 12-17 tuổi ở Trung Quốc đã tiêm đủ vắc-xin tính đến ngày 15/9. Ấn Độ khuyến nghị sử dụng khẩn cấp vắc-xin của Bharat Biotech cho trẻ từ 2-18 tuổi và đang chờ được đồng ý.
Ngày 17/10, Khmer Times cho biết, 98,31% trẻ em từ 6 đến 12 tuổi ở Campuchia đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. 90,24% thanh thiếu niên trên 12 tuổi ở nước này đã được tiêm phòng. Theo Khmer Times, chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em đang được triển khai thuận lợi vì các bậc cha mẹ mong muốn con họ đến trường học trực tiếp thay vì học trực tuyến.
Ngày 15/10, Philippines đã chính thức khởi động chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi với mục tiêu bảo đảm an toàn cho học sinh khi các trường học chuẩn bị mở cửa trở lại. Trước đó, nước này đã phê duyệt 2 loại vắc-xin Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ vị thành niên.
Tại châu Mỹ, Mexico cho phép dùng vắc-xin của Pfizer cho trẻ em 12-17 tuổi có nguy cơ. Đầu tháng 5, Canada đã đồng ý dùng vắc-xin Pfizer cho trẻ từ 12-15 tuổi và nước này đã tiêm đầy đủ cho 80% trẻ em trong độ tuổi này. Ngày 11/6, Brazil đồng ý dùng vắc-xin Pfizer cho trẻ trên 12 tuổi. Chile cũng cấp phép loại vắc-xin này cho trẻ từ 12-16 tuổi. Chiến dịch tiêm chủng của Cuba bao gồm trẻ em từ 2 tuổi trở lên.
Còn tại Mỹ, Pfizer đã đề nghị giới chức quản lý cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin của mình cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Tại châu Phi, tuần tới, Nam Phi sẽ bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi bằng vắc-xin của Pfizer.
Tại sao cần phải tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra hướng dẫn rất chi tiết về việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Theo CDC, mặc dù ít mắc Covid-19 hơn so với người lớn nhưng trẻ em vẫn có thể mắc và lây bệnh cho người khác. Do đó, CDC khuyến cáo tất cả mọi người từ 12 tuổi trở lên nên tiêm vắc-xin để phòng Covid-19.
Theo Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc CDC, dù trẻ em có nguy cơ tử vong do Covid-19 thấp hơn nhiều so với người lớn, nhưng Covid-19 vẫn là căn bệnh gây tử vong cho trẻ em cao hơn các bệnh truyền nhiễm khác, như bệnh bại liệt, sởi, bạch hầu, những căn bệnh mà trẻ vốn đã được được tiêm vaccine từ bé. Do đó, CDC khuyến cáo tiêm vắc-xin cho nhóm từ 12 tuổi trở lên để giúp trẻ giảm nguy cơ mắc Covid-19, ngăn ngừa bệnh lây lan, không trở nặng.
Theo các chuyên gia, nếu không tiêm vaccine cho trẻ, các em sẽ dễ mắc Covid-19 và lây lan trong môi trường học đường, gây nguy cơ nhập viện cho những trẻ sức đề kháng yếu hoặc có bệnh nền. Ngoài ra, trẻ em cũng có thể gặp tình trạng mắc Covid-19 kéo dài.
Lây nhiễm nhiều ở trẻ em cũng khiến quá trình học tập bị gián đoạn. Như ở Anh, hai tuần sau khi bắt đầu học kỳ mùa thu, trên 100.000 trẻ em đã phải nghỉ học vì mắc hoặc nghi mắc Covid-19. Trẻ em có thể dễ dàng lây COVID-19 cho nhau và cho người lớn, khiến bố mẹ và những người trong cộng đồng dễ mắc bệnh, kể cả người đã tiêm vắc-xin.
Hơn nữa, chính trẻ em cũng là đối tượng có thể tử vong vì Covid-19, mặc dù nguy cơ thấp hơn người lớn. Tuy nhiên, thực hiện tiêm chủng cho trẻ em cũng sẽ gặp không ít thách thức. Ngoài tâm lý ngần ngại của phụ huynh, các nước, đặc biệt là nước nghèo, còn gặp khó khăn về nguồn cung vắc-xin. Nhiều quốc gia còn chưa có tỉ lệ tiêm chủng cao ở người lớn.
Nhưng dù sớm hay muộn, toàn thế giới cũng sẽ phải tiêm vắc-xin cho trẻ em bởi các em cũng cần đi học, cần giao tiếp xã hội và không thể tách trẻ em ra khỏi cuộc sống. “Chúng ta sẽ không thể thoát khỏi đại dịch này mà không tiêm chủng cho trẻ em, vì lợi ích của chính các em và vì lợi ích bảo vệ cộng đồng nói chung”, Tiến sĩ Saad Omer, Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu Yale (Anh), nhận định.
Nói chung trước diễn biến phức tạp của đại dịch, tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ em và thanh thiếu niên là rất cần thiết. Tại Việt Nam, Bộ Y tế gần đây cho biết mở rộng đối tượng tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người từ 12 đến 17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, tiêm trước cho lứa tuổi 16-17 và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vắc-xin và tình hình dịch tại địa phương. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10/2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện.
Minh Hoa (t/h theo Báo Tin tức/TTXVN, Quân đội Nhân dân)