Có một cư dân mạng ở Trung Quốc chia sẻ lên mạng rằng, cuối cùng cũng có thể ra ngoài thuê nhà ở sau ngần ấy năm tiết kiệm tiền đi làm và sống chung với cha mẹ. Trong video này, cô vui vẻ giới thiệu căn nhà thuê của mình và nói: “Mặc dù nhà có vẻ nhỏ nhưng nó có ý nghĩa rất lớn đối với tôi, bởi cuối cùng thì tôi cũng đã có thể thoát khỏi cha mẹ mình”.
Không ngờ hành động “trốn thoát” của cô lại thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Một số người nói rằng, họ cũng muốn làm điều này, trong khi những người khác lại tò mò tại sao cô lại làm như vậy.
Về điều này, cô trả lời: “Tôi biết bố mẹ rất yêu thương con mình nhưng tình yêu của họ khiến tôi ngột ngạt chỉ muốn tránh xa”.
Trên thực tế, trường hợp của cô gái này không phải là hiếm gặp trong xã hội. Dù cha mẹ yêu thương con nhưng cách yêu của họ khiến con cái khó chịu, ngạt thở, mất tự do nên lúc nào cũng muốn rời xa cha mẹ mình.
Điều đáng sợ là có rất nhiều bậc cha mẹ bóp nghẹt con mình trong cuộc sống. Những kiểu cha mẹ dưới khiến con cái ngột ngạt nhất:
1. Cha mẹ hay than nghèo
Có một số gia đình tuy điều kiện không tệ, trên mức trung bình khá nhưng thường xuyên nói với con mình rằng “gia đình mình nghèo, không có tiền, đồng tiền bố mẹ làm ra không dễ dàng, con không được tiêu hoang bừa bãi”.
Sau khi nghe những lời này quá nhiều lần, con cái cảm thấy việc xin bố mẹ mua bất cứ thứ gì là một tội lỗi. Mỗi lần xin bố mẹ một thứ gì đó đều phải lấy rất nhiều dũng khí.
Kết quả là những ham muốn bị kìm nén khi còn nhỏ của con cái bộc phát, khiến họ điên cuồng theo đuổi sự thỏa mãn vật chất. Khi lớn lên họ muốn mua những thứ mà mình không thể có khi còn nhỏ. Dần dần việc chi tiêu của họ bị mất kiểm soát, dễ rơi vào tình trạng nợ nần.
Có lẽ ý định ban đầu của kiểu cha mẹ hay than nghèo này là để con cái siêng năng, tiết kiệm và phấn đấu vươn lên. Nhưng trên thực tế, việc cha mẹ cố tình than nghèo” không chỉ gây ra sự nghèo khó về vật chất ở con cái mà còn gián tiếp gây ra sự nghèo nàn về mặt tinh thần.
Như nhà văn Edgar Bledsoe đã nói: “Nếu một đứa trẻ nghĩ mình là người nghèo ngay từ khi còn nhỏ thì suốt đời nó sẽ vẫn là người nghèo”.
Nghèo nàn về vật chất sẽ khiến trẻ tự ti, trở nên nhạy cảm, không dám mua sắm hay kết bạn. Và sự nghèo nàn về tinh thần sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quan điểm của trẻ về tiền bạc.
Sau này con cái trở nên giàu có, chúng sẽ cực kỳ keo kiệt, không muốn tiêu tiền, hoặc sẽ không kiềm chế được mà tiêu tiền một cách bừa bãi.
2. Cha mẹ hay coi thường
Có một cậu bé muốn mua hộp màu mình thích đã lâu, nhưng người mẹ vừa nghe tới lập tức nói: “Với trình độ của con thì màu tô làm gì cho phí tiền, vẽ xấu như gì mà không biết xấu hổ”. Trong chốc lát, nụ cười trên mặt cậu bé tắt lịm.
Hay như một câu chuyện khác từng được lan truyền trên mạng rằng, có một cậu bé đã cố gắng dành dụm tiền mua cho mẹ mình món quà. Cậu đã lựa chọn rất cẩn thận nhưng đáp lại tấm lòng của con mình, người mẹ tỏ ra hờ hững, còn cho rằng đó là một sự lãng phí tiền bạc. Cậu bé không nhận được lời cám ơn nào từ mẹ mình mà thay vào đó là sự chỉ trích.
Có người nói, làm cho một đứa trẻ trở nên tự tin rất khó, nhưng làm cho một đứa trẻ tự ti lại rất đơn giản, chỉ cần cứ coi thường nó là được.
Cha mẹ là người thân thiết nhất của con cái, nếu người thân thiết nhất luôn chê bai, phủ nhận, sỉ nhục, làm sao đứa trẻ có thể trở nên tự tin được.
Có một câu trong cuốn sách “Cha mẹ độc hại” rằng: “Con cái không thể phân biệt được đâu là thật và đâu là đùa. Chúng sẽ tin những gì cha mẹ nói về mình và biến nó thành suy nghĩ của mình”.
Việc cha mẹ coi thường, sỉ nhục con cái giống như liều thuốc độc chậm rãi. Nó sẽ dần dần tích tụ trong lòng đứa trẻ, dần dần khiến trẻ mặc định mình không tốt và không xứng đáng. Kết quả là đứa trẻ trở nên chán ghét bản thân mình.
3. Cha mẹ kiểm soát
Có một câu hỏi trên trang Zhihu: “Bạn sợ điều gì nhất ở bố mẹ mình?”.
Một cư dân mạng trả lời rằng: “Tôi sợ nhất sự kiểm soát của bố mẹ”.
Một số cha mẹ có thói quen áp đặt ý kiến của mình lên con, luôn muốn xâm phạm vào thế giới của con mình và tước đi hoàn toàn quyền tự chủ của con. Theo thời gian, trẻ trở nên nổi loạn hoặc chỉ biết nghe lời răm rắp.
Nhưng kiểu nghe lời này thiên về việc để trẻ kìm nén suy nghĩ của bản thân, điều này dễ gây tổn thương tâm lý lâu dài cho trẻ, thậm chí trở thành cái bóng tâm lý suốt đời.
4. Cha mẹ luôn áp đặt mọi thứ
Khi nam diễn viên Zhu Yuchen (Trung Quốc) tham gia chương trình tạp kỹ "My Boy", anh đã vạch trần mối quan hệ giữa mình và mẹ.
Cư dân mạng đã nói đùa về điều này: "Mẹ của Zhu Yuchen là một đại diện điển hình của những bậc cha mẹ luôn áp đặt mọi thứ lên con mình”.
Mẹ của Zhu Yuchen luôn dậy sớm để nấu súp lê cho Zhu Yuchen trong hơn 10 năm và yêu cầu con trai phải uống hết.
Đôi khi Zhu Yuchen bận việc cần rời nhà sớm, không có thời gian uống súp, người mẹ bắt con phải mang theo uống trên đường đi.
Zhu Yuchen phải chịu áp lực rất lớn, từng phàn nàn trực tiếp trên chương trình rằng: "Tôi không giống con người, tôi giống như một cái thùng rác. Mẹ có thể đổ bất cứ thứ gì mẹ muốn vào đó".
Có lần cô nấu một bát mì cho Zhu Yuchen nhưng anh nói: “Con đã nói với mẹ hàng trăm lần rồi, con không thích ăn mì này, tại sao mẹ vẫn không nghe mà cứ nấu hoài vậy”.
Người mẹ lập tức đưa tay ra nói: "Nhìn xem, tay mẹ bị bỏng vì nấu mì cho con đấy”.
Zhu Yuchen không còn cách nào khác ngoài nhượng bộ và ăn tô mì mà anh không thích.
Những gì người mẹ làm đã khiến các khách mời khác trong chương trình phải đau đầu. Nhưng người mẹ rất tự hào về bản thân và nói: “Tôi có thể đảm đương mọi thứ như 2 người giúp việc”.
Tất cả những điều này đã khiến Zhu Yuchen cảm thấy ngột ngạt và chán nản. Anh cảm thấy tình yêu của mẹ dành cho mình quá nhiều áp lực và luôn tự thuyết phục bản thân hãy cố chấp nhận và quên đi, tất cả chỉ là do mẹ quá thương yêu mình.
Một số bậc cha mẹ giỏi nhất trong việc làm những việc dưới danh nghĩa làm điều tốt cho con cái. Tuy nhiên, đây không phải là điều mà bất cứ đứa con nào cũng thích.
PHAN HẰNG (Theo 163)