Những ý kiến xung quanh quy định về trang phục đi làm của bộ Nội vụ

Những ý kiến xung quanh quy định về trang phục đi làm của bộ Nội vụ

Lương Quốc Tiệp

Lương Quốc Tiệp

Thứ 6, 25/06/2021 11:33

Việc quy định chi tiết về trang phục không được mặc của bộ Nội vụ, trong đó có việc không được mặc quần bò khi đi làm, hiện đang có khá nhiều những ý kiến khác nhau.

Bộ Nội vụ vừa ban hành Quyết định số 758/QĐ-BNV về các Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ. Mục đích nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện văn hóa công vụ... Phạm vi áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc bộ Nội vụ.

Văn hoá - Những ý kiến xung quanh quy định về trang phục đi làm của bộ Nội vụ

Bộ trưởng bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Bộ Quy tắc ứng xử có quy định về trang phục của công chức, viên chức, người lao động khi đi làm, bộ Nội vụ yêu cầu phải lịch sự, đầu tóc gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu. Với quần, áo phải kín đáo, váy dài quá đầu gối, không xẻ tà quá cao, không được mặc quần bò, áo phông không có ve cổ.

Việc cán bộ công chức, viên chức bộ Nội vụ không mặc quần bò đi làm đang gây ra một số tranh cãi. Có người ủng hộ quyết định này để môi trường làm việc nghiêm túc, chính quy hơn. Tuy nhiên, đối với những người có thói quen thích mặc quần bò lại chưa hoàn toàn đồng thuận. Họ cho rằng chỉ cần cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không ăn mặc phản cảm, hở hang… thì hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Về vấn đề này, theo Dân việt, PGS. TS. Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, quy định này sẽ xảy ra hai luồng ý kiến khác nhau.

Theo PGS. TS. Trịnh Hòa Bình: "Những trường hợp không ủng hộ việc cấm cán bộ viên chức mặc quần bò có cái lý của họ, bởi quần bò không chỉ cho sự thoải mái, thể hiện tính cách mà còn tôn vẻ đẹp của cơ thể con người. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận môi trường làm việc công chức, viên chức Nhà nước thì đây là vấn đề nghiêm túc, bài bản, chính quy… Quy định này tôi nghĩ phải chấp nhận thôi cho dù ai đó không thấy thoải mái".

Văn hoá - Những ý kiến xung quanh quy định về trang phục đi làm của bộ Nội vụ (Hình 2).

PGS. TS. Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội học. (Ảnh: NVCC).

Ông Bình cũng đưa ra lý giải, không thể nói mặc quần áo bò thiếu nghiêm túc. Tuy nhiên, quy định môi trường làm việc cần đảm bảo tính thống nhất cao, sự nghiêm túc, đàng hoàng bài bản… thì rõ ràng quy định này cũng là điều thích đáng.

"Nếu như cấm mặc quần bò là quy định, quy tắc, quy chế thì khó hay mới mọi người vẫn thực hiện được. Nhưng rõ ràng mặc vest cũng rất đẹp, hoặc đồng phục ngành cũng rất đẹp và chuyên nghiệp”, ông Bình nói thêm.

Còn theo tìm hiểu của Vietnamnet, trước đó đã có nhiều bộ ngành, địa phương cũng ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nơi công sở, áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc đơn vị.

Cụ thể, ngày 6/2/2020, bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành quy tắc ứng xử với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc bộ.

Theo đó, một trong những nội dung được nêu trong quy tắc ứng xử của bộ Tài nguyên & Môi trường cũng nhắc đến yếu tố trang phục.

“Khi thực thi công vụ, nhiệm vụ, công chức, viên chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù của ngành và thuần phong, mỹ tục. Đối với những ngành, lĩnh vực có trang phục riêng thì thực hiện theo quy định riêng”, Bộ Quy tắc ứng xử của bộ Tài nguyên & Môi trường, nêu.

Với môi trường sư phạm, bộ Giáo dục & Đào tạo có quy định về trang phục để đảm bảo văn minh, lịch sự nhưng không sa vào từng mẫu, kiểu cách quần áo riêng.

Cụ thể, Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên được ban hành tháng 4/2019, bộ này yêu cầu: “Cán bộ quản lý, giáo viên phải sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp với môi trường và hoạt động giáo dục".

Chi tiết hơn nữa, bộ Giáo dục & Đào tạo quy định, nhân viên phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục và tính chất công việc.

Người học phải sử dụng trang phục sạch sẽ, gọn gàng phù hợp với lứa tuổi và hoạt động giáo dục. Cha mẹ người học và khách đến trường phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục. Không sử dụng trang phục gây phản cảm.

Tương tự, khi ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, bộ VHTT&DL muốn đưa ra những quy định mang tính chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch.

Bộ quy định một cách khái quát, không “kỳ thị” với bất kỳ một loại quần áo có chất liệu cụ thể: “Sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp khi đi du lịch; mặc trang phục nghiêm túc khi tham quan tại những nơi thờ tự tín ngưỡng tôn nghiêm, nghĩa trang liệt sỹ, lễ hội truyền thống”.

Ở các cơ sở lưu trú, bộ VHTT&DL quy định: “Nhân viên mặc trang phục lịch sự, gọn gàng, sạch sẽ, phù hợp với công việc; có đồng phục riêng cho từng bộ phận; khuyến khích mặc trang phục truyền thống dân tộc”.

Bộ Y tế thì “gọn gàng” hơn khi yêu cầu các nhân viên y tế phải “bảo đảm kín đáo, tôn trọng người bệnh khi khám bệnh”.

Độc giả có thể gửi ý kiến của mình về quy định trang phục đi làm của bộ Nội vụ về địa chỉ toasoan@nguoiduatin.vn.

Xin chân thành cảm ơn.

Quốc Tiệp (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.