Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản

Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản

Lê Tuấn

Lê Tuấn

Thứ 3, 05/10/2021 08:00

Đã 4 năm kể từ khi EC áp đặt "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam, chúng ta đang nỗ lực để tháo gỡ lệnh cấm này.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa phát đi kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).

Thủ tướng đánh giá, ngành thủy sản đang dần trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào phát triển, kinh tế- xã hội của đất nước. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 8,5- 8,9 tỷ USD, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 5 triệu lao động. Hoạt động trên biển còn góp phần rất quan trọng trong công cuộc bảo vệ an ninh, chủ quyền biển- đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, kể từ khi ngành thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) áp thẻ vàng cảnh báo (tháng 10/2017) bởi các hành vi khai thác đánh bắt bất hợp pháp (IUU), gây khó khăn rất lớn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của cả nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, uy tín và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Kể từ đó tới nay, Việt Nam đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, sâu sát để gỡ thẻ vàng của EC, đặc biệt là đối với các tỉnh, thành phố ven biển.

Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận về những nỗ lực, biện pháp khắc phục của địa phương về vấn đề này.

Người Đưa Tin: Thưa ông, với 192km bờ biển, số lượng tàu cá lên đến hơn 7,5 nghìn chiếc, có thể nói, nghề khai thác thủy sản là nghề truyền thống của bà con ngư dân tỉnh. Việc EC áp "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam đã tác động ra sao đến đời sống của người dân?

Ông Nguyễn Văn Chiến: Năm 2016, sản lượng khai thác thủy sản biển toàn tỉnh đạt 203,4 nghìn tấn, xuất khẩu trực tiếp sang thị trường châu Âu đạt 57,6 triệu USD nhưng sau khi EC áp thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam, xuất khẩu sang thị trường này đã có sụt giảm, chỉ còn 53,65 triệu USD vào năm 2017. Điều này khiến người dân gặp khó khăn trong việc trả nợ nguồn vốn vay đóng mới tàu cá công suất lớn và duy trì hoạt động khai thác thủy sản xa bờ.

PV: Tỉnh đã có những biện pháp gì nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân?

Ông Nguyễn Văn Chiến: Chính sách hỗ trợ cho người dân được tỉnh thực hiện theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ. Tùy từng loại tàu thuyền đóng mới, nâng cấp, mức hỗ trợ cho vay từ nguồn vốn ngân sách tối đa lên đến 95%, lãi suất được giữ ổn định ở mức 7%/năm và chỉ có xu hướng giảm đi. Theo đó, ưu đãi lớn nhất là dành cho trường hợp đóng mới tàu vỏ thép khai thác hải sản xa bờ, chủ tàu chỉ phải trả 1%/năm, 6%/năm còn lại sẽ do ngân sách nhà nước cấp bù trong thời hạn 11 năm.

Người Đưa Tin: Về khắc phục gỡ "thẻ vàng" thủy sản của EC, tỉnh đã có những biện pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chiến: Chúng tôi kết hợp giữa tuyên truyền, kiểm tra, giám sát đối với bà con ngư dân nhưng cũng gắn trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và người đứng đầu. Chính quyền địa phương vùng biển phối hợp với lực lượng chức năng yêu cầu tất cả chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Lập danh sách nhóm tàu cá có nguy cơ cao, thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh để đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt. Kiểm tra công tác nhập bến, lên cá và thu nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác. Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình 100% đối với nhóm tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên, các nhóm tàu nhỏ hơn cũng đã lắp đặt được 94%...

Người Đưa Tin: Trường hợp mất tín hiệu của thiết bị giám sát (VMS) có thể có nhiều nguyên nhân như thiên tai, hỏng hóc, không loại trừ có cả yếu tố con người. Sở NN-PTNT tỉnh sẽ phân loại và xử lý ra sao?

Ông Nguyễn Văn Chiến: Khi phát hiện tàu cá mất tín hiệu, chúng tôi sẽ cố gắng liên lạc qua hệ thống thu phát thoại vô tuyến (HF; VHF- PV), đồng thời căn cứ vào vị trí cuối cùng thiết bị quản lý giám sát ghi nhận được để thông báo cho các tàu chức năng, các tàu cá khác hoạt động gần đó khẩn trương dò tìm, tiến hành tiếp cận để tìm hiểu nguyên nhân.

Trường hợp ngư dân cố tình tắt thiết bị giám sát sẽ bị xử lý rất nặng, thậm chí “cấm biển” trong khoảng thời gian nhất định hoặc phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng.

Người Đưa Tin: Người dân nên làm gì nếu thiết bị giám sát gặp trục trặc do sự cố kỹ thuật?

Ông Nguyễn Văn Chiến: Đối với những trường hợp thiết bị gặp sự cố kỹ thuật bất khả kháng, chủ tàu cần tìm mọi cách liên lạc với cơ quan chức năng hoặc nhờ các tàu bạn thông báo về. Việc làm này là rất cần thiết bởi liên quan đến nhiều quyền lợi của ngư dân như, hỗ trợ nhiên liệu theo quyết định 48/2010/QĐ-TTg, chứng minh nguồn gốc thủy hải sản, kịp thời triển khai các công tác cứu nạn cứu hộ…

Kinh tế vĩ mô - Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản

Người Đưa Tin: Quay trở lại với vấn đề tháo gỡ "thẻ vàng" EC, sau khi triển khai các biện pháp, tỉnh đã đạt được các hiệu quả ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chiến: Từ tháng 7/2019 cho đến nay, tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài trên địa bàn tỉnh đã giảm hẳn. Đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy hiệu quả của công tác tuyên truyền, kiểm soát. Ngư dân đã có nhận thức cao hơn trong việc chấp hành các quy định về chống khai thác IUU.

Người Đưa Tin: Ông đánh giá ra sao về tiến độ khắc phục gỡ thẻ vàng EC tại Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung?

Ông Nguyễn Văn Chiến: Sau khi thủy sản Việt Nam bị EC áp "thẻ vàng", Trung ương đã có nhiều chỉ đạo, quyết liệt, sâu sát để chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng” của EC. UBND tỉnh Bình Thuận đã triển khai đồng loạt các giải pháp cụ thể và quyết liệt. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục.

Tại Bình Thuận, nghề khai thác thủy hải sản thường mang tính chất kế thừa, “cha truyền con nối”. Ưu điểm là tận dụng được nguồn lao động trong gia đình, chia sẻ kinh nghiệm nhưng đồng thời cũng xuất hiện tình trạng chuẩn mực cũ - mới đan xen. Người dân nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm được truyền lại mà không kịp thời cập nhật các quy định mới sẽ rất dễ dẫn đến những sai phạm.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân hơn nữa, đồng thời bám sát khắc phục 4 nhóm khuyến nghị của EC để chống khai thác IUU như: tăng cường quản lý tàu cá hoạt động khai thác hải sản, nhất là đối với tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu cá trong tỉnh khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Việc triển khai các giải pháp để chống khai thác IUU không chỉ dừng lại ở mục đích tháo gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản mà quan trọng hơn là xây dựng nghề cá của Bình Thuận ngày càng bền vững, đáp ứng được yêu cầu hội nhập.

Người Đưa Tin: Xin cám ơn ông!

 

Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa là địa phương được đánh giá cao trong nỗ lực ngăn chặn hành vi khai thác trái phép. 6 tháng đầu năm nay, ngành Thủy sản của tỉnh sẽ tập trung tối đa cho việc khắc phục 4 nhóm khuyến nghị liên quan đến “thẻ vàng” của EC.

Kết luận số 245 ngày 24/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra những giải pháp hết sức cụ thể và quyết liệt nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC với thủy sản Việt Nam một cách sớm nhất. Tập trung vào nhóm 14 giải pháp cụ thể, Thủ tướng giao nhiệm vụ, phân công chi tiết đến từng bộ ngành, UBND các tỉnh ven biển, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và người dân, tương lai không xa, Việt Nam sẽ gỡ bỏ “thẻ vàng” của EC, đưa ngành xuất khẩu thủy hải sản trở lại hội nhập, giao thương vào thị trường châu Âu đầy tiềm năng.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.