Kể từ khi bắt đầu thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, câu chuyện về sách giáo khoa tưởng như chưa bao giờ lắng xuống. Chương trình đã có nhiều tính ưu việt, phù hợp với tình hình thực tiễn, phát huy trí lực cho học sinh…
Tuy nhiên, việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa cho tới thời điểm này chưa bao giờ kết thúc. Đặc biệt là dư luận chỉ ra những bất cập, lỗi sai, những tồn tại về phát hành có dấu hiệu bất thường ở Nhà xuất bản Giáo dục và các cơ sở giáo dục đã cho thấy sự lo lắng đó là có thật. Dư luận cho rằng, nếu như chọn sách kiểu như thời gian vừa qua dần dần sẽ dẫn đến câu chuyện quay trở lại thời kỳ độc quyền.
Đừng đánh mất những ưu việt của chương trình giáo dục phổ thông mới
Năm học 2022-2023, học sinh lớp 3; 7 và 10 sẽ bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới, thời điểm này dư luận và phụ huynh đặc biệt quan tâm đến viêc địa phương mình sẽ lựa chọn bộ sách của nhà xuất bản nào cho học sinh.
Là một trong những đơn vị đặc biệt quan tâm và đề cao việc lựa chọn sách giáo khoa chương trình mới, ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên đã có có một vài trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin về vấn đề này.
Theo ông Đức: “Trước đây mọi người có suy nghĩ, hội đồng của trường sẽ lựa chọn tài liệu phù hợp dù đúng hay sai thì tài liệu đó được thẩm định rồi, học sinh học tất cả các trường sẽ học đồng bộ theo tài liệu đó.
Và hiện nay, mọi người vẫn quan niệm là hội đồng của tỉnh lựa chọn một bộ sách nào đó phù hợp với địa bàn tỉnh để sau này thuận tiện cho việc quản lý, tập huấn, hướng dẫn giáo viên. Đồng thời, khi dạy học sinh, kiểm tra, đánh giá đồng bộ trên 1 bộ sách.
Tuy nhiên, mỗi một môn học là một đầu sách, lựa chọn từng đầu sách của từng bộ sách là việc làm quan trọng, nó phải được dựa trên sự phù hợp đối với địa phương.
Thế nhưng, sau khi chọn xong, có câu chuyện về quyền lợi, về tác động...".
Được biết, sau một năm thực hiện, thì năm học 2021-2022, đa số các tỉnh làm chậm lại nghe ngóng thăm dò các làm của các tỉnh khác, sau đó mới đưa lựa chọn theo phương án cho tỉnh mình.
Năm nay Bộ GD&ĐT cũng có quan điểm là tôn trọng cơ sở (ý kiến của giáo viên, của nhà trường). Thực tế cho thấy, nhiều người lo ngại rằng nếu mỗi tỉnh chỉ chọn có một bộ thì tính khách quan trong việc lựa chọn SGK sẽ bị mất đi.
Theo ông Đức: “Hội đồng của Sở như một khâu trung gian, tổng hợp và đưa lên Hội đồng chọn sách giáo khoa của tỉnh. Tỉnh quyết định khâu cuối cùng. Hội đồng của tỉnh chọn 2 thì về Sở chọn 1 trong 2. Các trường sẽ lựa chọn theo hướng đó. Mỗi một môn có khoảng độ 3 đầu sách, có môn thì nhiều hơn”.
Mỗi bộ có trên dưới 10 môn, tùy từng lớp và cấp học. Dẫn chứng về điều đó, ông Đức đưa ra ví dụ: Hai bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, và một bộ sách giáo khoa xã hội hóa Cánh Diều, thông thường một tỉnh có khoảng mấy trăm trường, mấy trăm trường như thế cũng có lác đác vài trường sẽ chọn một bộ là ít nhất. Cũng có nhóm khoảng 50-60 % chọn bộ chụm; nhóm khác 30-40 % chọn bộ sách còn lại”.
Vấn đề đặt ra là, theo tỉ lệ, nếu số trường chọn bộ sách giáo khoa nào tỉ lệ lớn hơn 50/0 thì bộ sách ấy sẽ được tỉnh duyệt cho địa phương. Trên thực tế, bộ sách giáo khoa không được chọn chưa đến 50/0 thì bị ...loại. Cho dù bộ sách giáo khoa ấy được thừa nhận là bộ sách có nhiều cuốn hay, có tỉ lệ giáo viên ủng hộ không nhỏ.
Đã có những tỉnh hô “biến” những tập sách ở các khối, lớp trong bộ sách giáo khoa mà thầy trò đang sử dụng với những đánh giá tích cực, như Phú Thọ, ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh và một số tỉnh ở miền Nam.
Câu hỏi đặt ra là, liệu có tác động tiêu cực bất thường nào đó, dẫn tới việc thay đổi ngoạn mục này không. Bởi khi thị trường sách giáo khoa không minh bạch về cách phát hành, thì việc cá lớn nuốt cá bé sẽ là nhãn tiền.
Mà năm qua, Công ty đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam ( trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) là một ví dụ, khi 9 tháng đầu năm, chi tới gần 54 tỷ đồng để giới thiệu sách và phát triển thị trường cũng khiến nhiều người giật mình về cách chiếm lĩnh thị trường có một không hai này.
Nếu không lựa chọn cẩn thận có thể quay về lối mòn cũ
Đó là ý kiến được nhiều chuyên gia nhận định. Trước đây, bộ nào ít ít lỗi nhất, có tính ưu việt, phù hợp với địa phương thì sẽ chọn một bộ. Với quan điểm chọn sách giáo khoa năm nay, phần lớn những bộ sách nào có tỉ lệ chọn thấp, chỉ một số ít trường chọn thì gần như là loại khỏi danh sách. Như thế lại quay lại ngày xưa... Còn những bộ vượt trội hẳn lên thành tốp trên 50% hoặc 30-40%, thì sau đó đẩy bài toán về các trường.
Theo nhiều chuyên gia, nếu như chọn kiểu như năm qua sẽ dẫn đến câu chuyện quay trở lại thời kỳ độc quyền một bộ sách, phá hỏng đi chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa - một chủ trương rất đúng đắn của Chính phủ .
“Ngày xưa làm theo kiểu “ăn chắc”, có nghĩa Bộ GD&ĐT phải chọn một bộ đưa hẳn vào trong nghị quyết từ Quốc hội. Tuy nhiên, giờ nếu như làm như thế thì 100% quay lại đúng cái cũ, những bộ sách khác sẽ chết ngay, không có cơ hội để tồn tại, dù có nhiều ưu điểm, và tính ưu việt. Nếu chỉ vì lý do này hoặc lý do khác trong việc chọn sách giáo khoa, thì vấn đề sẽ khác đi rồi. Nó mất đi sự cạnh tranh lành mạnh, tích cực, có nghĩa là chọn vì chất lượng bộ sách. Bởi vậy, việc tôn trọng ý kiến từ cơ sở giáo dục là rất cần thiết. Khi không có sự áp đặt nữa thì sẽ giải quyết được bài toán không quay về lối cũ”, ông Đức cho biết thêm.
Được biết, đến ngày 15/4, các Sở phải phải xong việc lựa chọn sách giáo khoa mới cho năm học mới. Theo đó, thời điểm này đã gần cuối tháng 3, các phòng đã phải gửi kết quả đánh giá về Sở rồi.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, việc lựa chọn vẫn tiếp tục vì Bộ GD&ĐT mới bổ sung một số vấn đề, giờ lại tiếp tục cho nghiên cứu, giới thiệu tiếp vì Bộ GD&ĐT vừa duyệt xong. Việc kế tiếp sau đó , là các nhà xuất bản lại tổ chức giới thiệu, tập huấn, để hội đồng thẩm định chọn sách giáo khoa so sánh sau đó bổ sung, lúc đó hội đồng của tỉnh ngồi lại quyết định .
Theo ông Đức: “Hội đồng của tỉnh nghiên cứu các quan điểm về bài nào, nội dung nào hay… cứ có quan điểm đi đã. Nếu khớp nhau rồi thì được chỉ cần đưa ra bản thảo, thảo luận rồi bỏ phiếu, theo nguyên tắc bỏ phiếu. Trên địa bàn một tỉnh không thể nói là 100 tính phù hợp giống nhau, cho nên là phải có nhiều bộ mới khách quan.
Quan điểm của tôi là, cần lựa chọn tính ưu việt, tinh túy của từng bộ sách để lựa chọn các môn học cho phù hợp với đặc thù địa phương. Mỗi bộ sách giáo khoa có những bộ môn hay, chuẩn, mà chúng ta phải công bằng, khách quan để lựa chọn cho đúng kẻo thiệt thòi cho giáo viên và học sinh. Đừng để sự lựa chọn cảm tính, hoặc vì lý do ngoài sách giáo khoa trong việc lựa chọn”.
Thời gian qua, và cho đến thời điểm hiện nay, việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có nhiều sách lỗi, thiếu khoa học và thiếu chuẩn xác rải rác ở các bộ SGK lớp 1,2, 6...thậm chí việc thu hồi những cuốn sách sai để in lại cho thầy trò được dạy và học sách đúng, nhiều cơ sở giáo dục cũng muốn Bộ GD&ĐT cũng như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần có hồi âm trên công luận, để xã hội được biết. Trước thềm năm học mới, sự minh bạch trong thông tin và thái độ cầu thị của Bộ GD&ĐT và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là cần thiết, càng sớm càng tốt.
Việc sửa đổi thông tư 25 là rất cần thiết . Hãy để cho giáo viên được quyền quyết định chọn bộ sách của địa phương mình. Bộ GD&ĐT cần giám sát quá trình chọn sách giáo khoa, nếu không việc chỉ đạo sẽ là vô ích. Tránh hiện tượng đánh trống bỏ dùi.
Linh Linh