Sức nóng từ tâm dịch
Trong những ngày cận kề Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022, Người Đưa Tin đã được lắng nghe những chia sẻ của Đại úy, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Hiệp, Bộ môn trung tâm Nội dã chiến, Bệnh viện Quân y 103– người từng hai lần vào tâm dịch Bắc Giang và Tp.HCM.
BS. Nguyễn Hoàng Hiệp nhớ lại, 7 giờ sáng ngày 19/5, anh nhận được lệnh của thủ trưởng cấp trên, tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 2 của Bộ Quốc phòng tại tỉnh Bắc Giang. Từ lúc có thông báo đến khi lên xe tiến về tâm dịch chỉ vỏn vẹn 30 phút. Nhưng, từng ấy thời gian là đủ với người chiến sĩ cụ Hồ với tinh thần thép, sẵn sàng đi đầu vào những nơi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
Nhanh chóng sắp xếp tư trang cần thiết, vội vàng lên xe, anh không kịp chào bố mẹ mà tranh thủ gọi điện cho vợ để thông báo tình hình đi chống dịch.
“Là gia đình có truyền thống cách mạng nên khi biết tin tôi lên đường thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, gia đình rất ủng hộ và động viên tôi thực hiện công việc một cách tốt nhất. Hơn nữa, anh rể tôi cũng nhận nhiệm vụ ở Bệnh viện dã chiến số 2, nên thời điểm đó gia đình tôi có 2 người con đều tham gia chống dịch”, BS.Hiệp kể về ngày nhận lệnh lên Bắc Giang chống dịch.
Cứ thế BS.Hiệp đến với “chảo lửa” Bắc Giang và cùng chia lửa với các đồng nghiệp trong thời gian gần 90 ngày đêm. Một chuyến công tác đặc biệt, không biết ngày về, càng không biết điều gì chờ đón các y bác sĩ ở phía trước.
Bệnh viện dã chiến số 2, Bộ Quốc phòng khi đó làmột trong số các Bệnh viện dã chiến được thành lập sớm nhất, do Bệnh viện Quân y 103 chủ trì, nhằm đáp ứng yêu cầu thu dung điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Là một trong những bác sĩ đầu tiên ra trận chống dịch, chưa từng điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nên với anh, đây là đợt “thử lửa” đầu tiên của cuộc đời, trải nghiệm những khó khăn, vất vả chưa từng có.
Ở đây, hàng ngày công việc được chia thành 4 ca, 5 kíp, 6 tiếng đổi ca một lần. Nhiệm vụ của BS.Hiệp là khám bệnh, rà soát lại toàn bộ bệnh nhân trong ca của mình, xem lại bệnh nhân có những bất thường và kê đơn điều trị, theo dõi những diễn biến của bệnh nhân.
“Lúc đó dù đã có phác đồ điều trị của Bộ Y tế, tuy nhiên thực tế là chưa có một bác sĩ nào có kinh nghiệm điều trị Covid, nên chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Mặc dù, tôi được tập huấn, trang bị những kiến thức cơ bản và đầy đủ. Tuy nhiên, lần đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 bản thân cũng không tránh khỏi sự lo lắng. Vượt qua nỗi lo lắng đó, tôi trang bị bảo hộ đầy đủ, áp dụng những kiến thức đã được tập huấn nên hoàn thành được nhiệm vụ”, BS. Hiệp kể lại.
BS.Hiệp tự hào chia sẻ một trong những thành tựu của bệnh viện dã chiến số 2 đó là trong tổng số các bệnh nhân vào viện và ra viện thì không có ca nào tử vong.
Qua quá trình điều trị, các bác sĩ cũng đã tự đúc rút được những kinh nghiệm trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh như: phát hiện được những dấu hiệu chuyển biến nặng của bệnh nhân để sẵn sàng điều trị sớm, nhận biết hiện tượng “không triệu chứng - giả”, “thiếu oxy thầm lặng”. Đây đều là những thành quả của tâm huyết và những nỗ lực của tập thể y, bác sĩ.
Không chỉ đối mặt với nguy hiểm từ dịch bệnh, thời tiết và điều kiện sinh hoạt kham khổ cũng là một phép thử để thử thách lòng can trường, ý chí của người chiến sĩ bộ đội cụ Hồ.
Giữa tháng 5, tháng 6, miền Bắc bước vào đợt nắng nóng đỉnh điểm. Trung bình nhiệt độ ban ngày có thể lên đến 39-40 độ C. Thế nhưng, dưới cái nắng nóng gay gắt khắc nghiệt ấy, các nhân viên y tế nơi tâm dịch Bắc Giang vẫn phải "gồng" mình trong những bộ đồ bảo hộ kín mít suốt nhiều giờ đồng hồ để đảm bảo an toàn chống dịch.
“Mọi người cứ thử tưởng tượng mặc những bộ đồ bảo hộ nóng như vậy. Mồ hôi lúc đó không chỉ tính bằng giọt mà tính bằng cốc. Đi ủng, mồ hôi chảy xuống dâng đến mắt cá chân. Để vượt qua giai đoạn nắng nóng đó là cả một sự cố gắng”, BS. Hiệp chia sẻ.
Sau 3 tháng chiến đấu tại Bắc Giang, BS.Nguyễn Hoàng Hiệp lại tiếp tục xông pha vào Tp.HCM để chia lửa cho các y bác sĩ ở phía Nam. Chỉ cần có tiếng gọi của Tổ quốc thì dù là Bắc Giang hay Tp. HCM thì người chiến sĩ quân y luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Bác sĩ Hiệp xác định "chống dịch như chống giặc", các y bác sĩ chính là những người lính trên chiến trường đó.
Ước mơ giản đơn
Trong suốt 6 tháng xa nhà chống dịch ấy, bác sĩ Hiệp đã bỏ lỡ rất nhiều dịp lễ, tết được sum họp bên gia đình và bạn bè.Có lẽ niềm an ủi lớn nhất của người chiến sĩ là sống giữa lòng dân, kề vai sát cánh chiến đấu cùng đồng nghiệp trong suốt quá trình chống dịch căng thẳng và khó khăn.
“Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, chúng tôi tổ chức một buổi lễ trao quà và đồ chơi cho các em nhỏ đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2. Hoặc vào Tết Trung thu thì chúng tôi thắp những chiếc đèn ông sao cho các em nhỏ ở Tp.HCM”, BS Hiệp bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm khó phai, với vị bác sĩ này, một mua Trung thu không có trống, có lân, không có những cuộc rước đèn rực rỡ nhưng những phần quà nhỏ có thể giúp các em nhỏ có được niềm vui trong mùa Tết Trung thu đặc biệt.
Chia sẻ về kỷ niệm đón Tết trong năm trước, BS. Hiệp cho biết vào ngày cuối cùng làm việc trước khi đón Tết thì anh nhận nhiệm vụ đi khám sàng lọc Covid-19 tại bệnh viện. Ngày mùng 1 Tết chính là buổi trực đầu tiên của anh. Đây cũng là cái Tết khó quên nhất đối với BS.Hiệp.
Những ngày Tết đang gần cận kề, không chỉ BS.Hiệp mà ai ai cũng mong cầu hạnh phúc, sum họp gia đình, trở về bên người thân yêu của mình. Nhưng, đối với những người bác sĩ quân y như BS. Hiệp, họ sẵn sàng chấp nhận hy sinh, gác lại hạnh phúc riêng tư để làm tốt nhiệm vụ của mình, vì sự an toàn, bình yên của cộng đồng.
Khi hỏi về tình huống dịch bệnh đang căng thẳng, nếu có lệnh điều động lên đường chống dịch vào đúng ngày Tết bác sĩ sẽ làm thế nào? Không chút đắn đo, BS.Hiệp chia sẻ: “Hiện tại, dịch bệnh vẫn đang căng thẳng, số ca mắc tăng. Bản thân tôi vẫn luôn luôn trong tâm thế sẵn sàng, xác định tinh thần chống dịch như chống giặc. Dù rất muốn ở bên gia đình vào những ngày Tết, nhưng nhiệm vụ vẫn phải hoàn thành, sẵn sàng xung phong tham gia nếu có lệnh điều động lên đường chống dịch”.
Hương Thương