Nhân viên đường sắt - nghề không nghỉ Tết
Vào buổi tối cuối năm, sân ga Hà Nội thường đông đúc, nhộn nhịp, khác hẳn với những ngày thường. Rất nhiều hành khách hối hả, tay xách nách mang đủ thứ như đào, quất, mai, bánh kẹo… để về quê đón Tết. Nhân viên nhà ga bận rộn thực hiện các công việc vận chuyển nhu yếu phẩm lên tàu để phục vụ hành khách và đón tiếp khách lên tàu. Chị Nhữ Thùy Dung, nhân viên khách vận đường sắt cũng như hàng trăm cán bộ công nhân viên trong ngành vẫn miệt mài trên những chuyến tàu cuối năm để đưa hành khách về quê ăn Tết như thế nhiều năm qua.
Kể về những chuyến tàu Tết mình đã đồng hành, chị Dung chia sẻ, đã có hơn 10 năm công tác gắn bó với nghề, những nhân viên đường sắt không có ngày nghỉ Tết. Trong khi mọi người được nghỉ theo lịch của Nhà nước, công nhân đường sắt vẫn làm việc như ngày bình thường, thậm chí phải xử lý nhiều công việc nhiều hơn, vì lượng hành khách rất đông. “Nhân viên trong ca trực Tết ở ga Long Biên như tôi vẫn đi làm từ sáng đến tối, từ 7h30 đến hết chuyến cuối cùng trong ngày là 18h21 mới xong nhiệm vụ, giờ giấc vẫn như ngày bình thường thôi”, chị Dung nói.
Để có ngày nghỉ về sum vầy với gia đình hai bên nội ngoại, các nhân viên sẽ bố trí thay phiên nhau mỗi người nghỉ 1 ngày. Tuy nhiên, do thời gian eo hẹp, chị Dung chỉ có thể về quê từ sáng rồi tối về Hà Nội để chuẩn bị cho công việc ngày hôm sau.
Nói thay nỗi lòng của nhiều đồng nghiệp, chị Dung cho hay, thời gian về quê ngày Tết còn khó nên nhân viên ngành đường sắt chẳng bao giờ nghĩ đến những chuyến du lịch dịp Tết cùng gia đình- Đó là điều xa vời. Cũng may có chồng và gia đình thông cảm, đỡ đần giúp phần nào.
Trong suy nghĩ của nhiều người, vị trí nhân viên phòng vé không nhiều áp lực nặng nề nhưng ít ai biết rằng, đằng sau công việc có vẻ nhẹ nhàng đó là những nỗi gian nan, nhọc nhằn. Việc kiểm soát này vô cùng vất vả bởi có những thời điểm như nghỉ lễ, dịp Tết, lượng khách đi tàu rất đông. Nếu nhân viên lơ là hoặc không chú ý theo dõi thì vẫn có những trường hợp trốn vé xảy ra. “Dịp lễ Tết, nhân viên thường xuyên tiếp xúc với nhiều khách hàng khác nhau. Không ít lần, nhân viên đường sắt bị hành khách gây sự, mắng mỏ khi đang thực hiện nhiệm”, chị Dung bộc bạch.
Nhiều nỗi niềm là vậy, nhưng công nhân viên đường sắt ai cũng hiểu đã chọn nghề là chọn cả những cái Tết không trọn vẹn. Đối với họ, được đóng góp một phần nhỏ để giúp nhà nhà đoàn tụ ngày Tết là niềm hạnh phúc và động lực lớn lao.
Đón giao thừa theo cách đặc biệt
Để đem tới sự an toàn trên mỗi chuyến tàu, áp lực và căng thẳng nhất vẫn luôn là lái tàu. Với nghề lái tàu, đêm Giao thừa cũng như ngày thường, đều không có giờ ăn, nghỉ cố định. Họ phải chờ khi tàu về đến ga mới có thể ăn cơm hoặc tranh thủ ăn luôn trên tàu. Khi Giao thừa sang, người lái tàu càng phải căng thẳng quan sát phía trước bởi mọi người đi chơi Xuân, đi lễ nhiều, nhiều người chếnh choáng hơi men, không chú ý đến đường ray, dễ xảy ra các sự cố.
Hơn nữa, xuân về là thời gian được mong chờ trong năm, khi mọi người được tạm gác lại công việc để nghỉ ngơi, sum họp bên gia đình sau một năm vất vả. Tuy nhiên, với nhiều người làm nghề lái tàu, thay vì ở bên gia đình vào thời khắc Giao thừa, khái niệm đón Tết cùng người thân đôi khi lại là ước mơ xa xỉ.
Thường xuyên nhận nhiệm vụ vào dịp Tết, anh Lại Hồng Phúc (công nhân lái tàu tại Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội, số 2D Khâm Thiên) đã có 21 năm trong nghề, đến nay anh Phúc cũng chẳng nhớ đã bao cái Tết đón Giao thừa trên tàu. “Trong hơn 20 năm làm nghề, chỉ có 2 – 3 năm anh được đón Giao thừa ở nhà cùng gia đình, còn đâu đi suốt”, anh Phúc bùi ngùi nói.
Không ai muốn xa gia đình, người thân vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới nhưng vì nhiệm vụ, tổ lái tàu sẽ đón giao thừa dọc đường. Các công nhân lái tàu cùng nhau bày biện lên trên cabin đầu máy những hộp mứt Tết, bánh chưng, cành đào, mâm ngũ quả để tạo không khí Tết ấm cúng như ở nhà. “Anh em lái tàu cũng có tí chuẩn bị, gọi là đêm 30 thôi, xong lại theo công việc. Bao nhiêu năm như vậy, các anh em cũng quen rồi em ạ”, anh Phúc chia sẻ.
Cũng theo anh Phúc, người lái tàu phải luôn sẵn sàng tâm lý được phân công chạy tàu Tết bất kỳ lúc nào, bởi trong trường hợp đột xuất thay đổi, lái tàu chỉ được biết kế hoạch chạy tàu trước giờ khởi hành vài tiếng, phụ thuộc vào vòng quay của đầu máy nhanh hay chậm.
Cứ như vậy, dưới sự điều khiển của các lái tàu, chuyến tàu cuối năm đã trở thành nơi chuyên chở bao thông điệp yêu thương cảm động. Chị Dung, anh Phúc, hay rất nhiều những nhân viên khác, chừng ấy cái Tết qua đi kể từ khi họ vào ngành, đã không biết có bao nhiêu đổi thay, nhưng những con tàu vẫn thế, tình cảm của họ giành cho ngành đường sắt vẫn vẹn nguyên như ngày đầu.
Vân Anh