Công bố mức hỗ trợ nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ
Công tác chi trả được cán bộ chức năng tiến hành
Sáng 5/11, tại Nhà văn hóa phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Ban vận động quận Thanh Xuân đã tổ chức chi trả kinh phí hỗ trợ các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini tại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình.
Căn cứ Tờ trình của Mặt trận Tổ quốc quận Thanh Xuân và văn bản phê duyệt số 2726/MTTQ-BTT ngày 3/11 của Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc thành phố, Ban Vận động quyết định hỗ trợ đợt 2 cho 144 nạn nhân vụ hỏa hoạn là những người sinh sống thường xuyên, có mặt tại chung cư mini tại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.
Cụ thể, 88 người còn sống sau vụ cháy trong tòa nhà, mỗi người được hỗ trợ 700 triệu đồng. Hỗ trợ thờ cúng với người tử vong (thân nhân người đứng ra thờ cúng), mỗi trường hợp tử vong là 500 triệu đồng.
Đối với 37 trường hợp bị thương, tổng mức hỗ trợ là 15 tỷ 100 triệu đồng. Trong đó, có 3 nạn nhân phải điều trị từ 3 đến 7 ngày được hỗ trợ 300 triệu đồng/người. 33 nạn nhân phải điều trị từ 7 ngày trở lên được hỗ trợ 400 triệu đồng/người. Một trường hợp bị thương nặng, hiểm nghèo được hỗ trợ 1 tỷ đồng. Trường hợp trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, thì cháu bé được hỗ trợ 2 tỷ đồng. 4 cháu mất cha hoặc mất mẹ, mỗi cháu được hỗ trợ 1tỷ đồng. 22 cháu dưới 16 tuổi (có cha mẹ còn sống), mỗi cháu được hỗ trợ 600 triệu đồng. Tổng số tiền hỗ trợ cho các nạn nhân trong cả hai đợt là 130 tỷ 120 triệu đồng.
Số tiền còn lại là 2 tỷ 221 triệu đồng, Ban vận động thống nhất dùng số tiền này để xử lý các vấn đề phát sinh, thực hiện vệ sinh môi trường, phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại khu vực xảy ra hỏa hoạn theo quy định.
Chốt phương án nghỉ Tết Giáp Thìn năm 2024
Người dân được nghỉ 7 ngày liên tục dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Ngày 3/11, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 8662 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc nghỉ Tết Âm lịch năm 2024.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý với đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc nghỉ Tết Âm lịch từ ngày 8/2/2024 đến hết ngày 14/2/2024.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp, người lao động về việc nghỉ Tết Âm lịch năm 2024.
Xe khách 16 chỗ tông liên hoàn, 5 người tử vong
Hiện trường vụ tai nạn
Ngày 2/11, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Lạng Sơn) đã ra quyết định khởi tố bị can đối với tài xế xe khách 16 chỗ Quách Đình Trọng (SN 1966, trú TP Hạ Long, Quảng Ninh) về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Ông Trọng là tài xế xe khách 16 chỗ gây tai nạn liên hoàn khiến 5 người tử vong, 10 người bị thương.
Trước đó, vào khoảng 2h10 ngày 31/10, tài xế Trọng điều khiển xe khách 16 chỗ mang BKS 14B-036.57 lưu thông theo hướng Lạng Sơn – Hà Nội. Thời điểm này trên xe có 16 người.
Khi đi đến xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), xe khách đâm vào ô tô đầu kéo chở xi măng đang bị hỏng máy, đỗ cùng chiều phía trước, có đặt cảnh báo cách đuôi xe 16m.
Sau đó, xe khách 16 chỗ tiếp tục va chạm với ô tô đầu kéo khác, đi ngược chiều theo hướng Hà Nội - Lạng Sơn.
Vụ tai nạn khiến 5 người tử vong, 10 người bị thương được đưa đi cấp cứu. Tại hiện trường, xe khách 16 chỗ bị vỡ nát, hư hỏng nặng.
Diễn biến vụ cô gái bị mất xe SH, chủ nói “hỗ trợ tình cảm” 2 triệu đồng
Liên quan đến vụ việc cô gái uống trà chanh bị mất xe SH, quán “hỗ trợ tình cảm” 2 triệu đồng, ngày 31/10, PV đã đến quán trà chanh Z.Z. trên phố Vũ Phạm Hàm (Cầu Giấy, Hà Nội). Tuy nhiên, chủ quán không có mặt tại đây.
Sau sự cố khách mất xe máy SH, quán trà chanh Z.Z. đã treo biển “quý khách vui lòng tự bảo quản tài sản và đồ cá nhân”, nhân viên quán cũng khuyến cáo khách khóa cổ xe hoặc bật thiết bị chống trộm nếu có.
Chiều cùng ngày, chị P.T (22 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, sau 10 ngày xảy ra sự cố mất xe máy, chị vẫn chưa nhận được thông tin về tài sản.
Quán trà chanh nơi xảy ra sự việc mất xe máy.
Trước đó, tối 20/10, chị T cùng bạn đến uống nước tại quán trà chanh Z.Z. Đến nơi, chị T được nhân viên quán hướng dẫn vị trí để xe.
Một tiếng sau, chị T ra về thì phát hiện chiếc xe SH của mình đã biến mất. Sau khi kiểm tra camera an ninh của quán, nữ khách hàng phát hiện 2 người lạ mặt đã dắt xe đi. Sau đó, chị T đến trình báo Công an phường Yên Hòa.
Theo chị T, sau 3 ngày chờ đợi, đến ngày 23/10, chị T gặp được chủ quán nước, nhưng nhận được câu trả lời “quán anh kinh doanh nước chứ không đăng ký dịch vụ trông giữ xe, khách hàng phải tự bảo quản xe của mình". Trong buổi gặp gỡ này, nhân viên cũng phủ nhận đã nói "quán trông xe cho khách hàng".
Sau cùng, quán nước hỏi chị T đưa ra con số bồi thường cụ thể và xin thời gian để bàn bạc. Chị T yêu cầu được đền bù 50% giá trị xe hiện tại (khoảng 35 triệu đồng). Tuy nhiên, đến trưa 25/10, chị T nhận được phản hồi của chủ quán, nói sẽ chỉ hỗ trợ 2 triệu đồng "về mặt tình cảm" nên chị không đồng ý.
Miền Trung mưa lớn, 3 người chết và mất tích
Mưa to liên tục trút xuống Trung Bộ những ngày qua. Ảnh minh họa TPO
Báo cáo nhanh của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình cho biết, từ chiều tối 29-30/10 mưa lớn đã khiến 3 người tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) chết và mất tích do lũ cuốn trôi.
Mưa lũ đã nhấn chìm 860 nhà và 95 hộ bị cô lập tại; hơn 22ha hoa màu bị hư hại tại Hà Tĩnh. Một số điểm dân cư của thôn Hà Môn và Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Bình) cũng bị ngập.
Bên cạnh đó, mưa lũ còn khiến đập thủy lợi Tắt (xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) bị vỡ thân đập dài 15m, rộng 7m, sâu xuống 4m; gây xói lở đường giao thông và vùi lấp diện tích đất lúa phía sau hạ du (không ảnh hưởng người).
Ngoài ra, mưa lũ mấy ngày qua ở Trung Bộ cũng làm sạt lở nhiều tuyến đường giao thông; nhiều ngầm tràn bị ngập, sạt lở khiến giao thông nhiều nơi bị ngưng trệ.
Trong đó, 100m tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn qua thôn Liên Châu, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh bị sạt lở làm ách tắc giao thông. Hiện tạm thời dùng xe khách vận chuyển hành khách qua đoạn sạt lở tiếp tục hành trình.
Thu giữ hàng trăm tỉ đồng của cựu chủ tịch FLC
Bị can Trịnh Văn Quyết thời điểm chưa bị khởi tố
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa đề nghị truy tố bị can Trịnh Văn Quyết, Cựu chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC); Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga (cùng là em gái ông Quyết) và Hương Trần Kiều Dung, cựu Phó chủ tịch Tập đoàn FLC, về tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, có 16 bị can khác bị đề nghị truy tố tội Thao túng thị trường chứng khoán.
Trong quá trình điều tra, Bộ Công an đã thu giữ hơn 187 tỉ đồng là số tiền mà bị can Trịnh Văn Quyết có được từ việc chuyển nhượng 40,59% cổ phần BAV; kê biên của bị can Quyết 3 thửa đất và tài sản gắn liền với đất tại Khu Đô thị mới Mỹ Đình II, Hà Nội.
Cơ quan điều tra cũng có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan tạm dừng biến động (giao dịch chuyển nhượng mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp…) đối với tài sản đứng tên bị can Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga.
Yến Ngọc (tổng hợp)