Sau 3 ngày mất tích, bé 2 tuổi được tìm thấy ở khu đồi núi gần nhà
Sáng 02/12/2023, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã tìm thấy cháu Đoàn Phúc An (sinh năm 2021) trú tại khối 12, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai mất tích hôm 29/11/2023 tại khu vực đồi núi nhiều cây cối và bụi rậm cách nhà khoảng 300m trong tình trạng bị xước nhẹ vùng mặt, sức khỏe cơ bản ổn định.
Trước đó, ngày 29/11/2023, do bố mẹ đi làm nên cháu Đoàn Phúc An ở nhà với bà nội và anh trai. Đến khoảng 16h cùng ngày, bà nội không thấy cháu An nên đi tìm và hô hoán nhờ người dân tìm kiếm.
Bé trai 2 tuổi bị mất tích được tìm thấy. Ảnh: Page Nghệ An.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an thị xã Hoàng Mai đã báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo công an tỉnh huy động Phòng Cảnh sát hình sự và Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương huy động mọi lực lượng, nguồn lực cùng nhân dân tìm kiếm cháu bé.
Quốc hội thông qua Luật Căn cước
Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Căn cước.
Sáng 27/11, với 431/468 đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 Điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã trình bày báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật.
Quá trình thảo luận về dự án Luật Căn cước, một số đại biểu cho rằng, trong thời gian vừa qua đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung và tên gọi của thẻ căn cước, vì vậy, đề nghị cân nhắc về tên gọi của Luật; đề nghị không đổi tên Luật và tên thẻ thành thẻ căn cước.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, việc sử dụng tên gọi Luật căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.
Do đó, UBTVQH nhận thấy, việc điều chỉnh tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước là phù hợp với mục đích quản lý và phục vụ Nhân dân nên đề nghị Quốc hội cho giữ tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước.
Xét xử Cựu giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức và đồng phạm
Cựu giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức Nguyễn Minh Quân lãnh án 21 năm tù. Ảnh: Trần Linh
Sáng 1/12, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại BV Thủ Đức, TP.HCM và các đơn vị liên quan.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Quân - cựu giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức 16 năm tù về tội tham ô tài sản, 5 năm tù về tôi rửa tiền. Tổng hợp hình phạt mà bị cáo Quân phải chấp hành là 21 năm tù. Bị cáo Quân bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý đấu thầu trong 3 năm sau khi chấp hành án xong.
Các bị cáo khác bị tuyên phạt các mức án từ 3-15 năm.
Ăn cơm trưa hết 270 ngàn đồng, thực khách chuyển khoản nhầm 270 triệu đồng
Chiều 1/12, anh Hoàng Hiệp ở phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, gia đình anh đã bàn giao lại số tiền chuyển nhầm sau khi ăn bữa trưa tại nhà hàng anh cho chị H.T.T.T. (ở thị xã Nghi Sơn) hôm 24/11.
Nữ khách hàng (áo đen) đến nhận lại tiền.
Theo anh Hiệp, hóa đơn thanh toán buổi ăn trưa của chị T hết 270.000 đồng nhưng chị T đã chuyển nhầm 270 triệu đồng. Tại buổi làm việc, sau khi kiểm tra các thông tin của chị T là chính xác, đại diện nhà hàng anh đã chuyển khoản trả lại số tiền thừa 269.730.000 đồng cho chị T (đã trừ 270.000 đồng tiền ăn).
Anh Hiệp cho hay, buổi bàn giao tiền có sự chứng kiến của lực lượng công an. Đồng thời, chị T. đã làm cam kết nhận đủ số tiền nói trên và gửi lời cảm ơn gia đình anh Hiệp.
Bất ngờ danh tính người lan truyền thông tin thất thiệt "kẹo bán ở cổng trường chứa ma túy"
Chiều 1/12, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, thông tin lan truyền trên mạng cho rằng các gói kẹo được bày bán trước cổng trường có chứa chất ma túy là do nữ công an thuộc Công an TP Lạng Sơn chia sẻ.
Theo Công an tỉnh Lạng Sơn, do có con đang học cấp 1, quá lo lắng và nhận thức chưa đầy đủ nên nữ công an đã tự ý chia sẻ cho một phụ huynh khác. Sau đó, các phụ huynh gửi thông tin cho nhau, gây hoang mang lo lắng cho nhiều người. Công an tỉnh sẽ xem xét xử lý theo quy định.
Công an TP Lạng Sơn thu giữ những gọi kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, ngày 30/11, Công an TP Lạng Sơn đã kiểm tra một số cơ sở kinh doanh bán hàng tạp hóa trên địa bàn thành phố. Sau đó, Công an phát hiện, thu giữ một số loại kẹo không có chữ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Công an TP Lạng Sơn đã phối hợp với Viện khoa học hình sự - Bộ Công an lấy các mẫu kẹo trên để giám định. Kết quả, xác định các mẫu trên không chứa chất ma túy.
Lý Nguyễn (t/h)