Với NSND Lan Hương, ngày Tết có ý nghĩa thế nào?
Không hiểu sao tôi thích Tết lắm. Với cá nhân tôi, không khí Tết ở Hà Nội rất riêng và thật khó có thể miêu tả chi tiết. Tết Hà Nội có chút gì đó bảng lảng và lãng mạn với mưa xuân và tiết trời lạnh. Không phải ngẫu nhiên mà Tết nơi này đã trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật của nhiều văn nhân, thi sĩ, họa sĩ. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đó là lý do khiến Tết Hà Nội trong tôi có gì đó đặc biệt và thiêng liêng lắm.
Vợ chồng đều là nghệ sĩ, Tết của gia đình bà có gì khác?
Nghệ sĩ thì cũng là những người bình thường thôi. Chỉ có điều cả hai vợ chồng đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nên có ít thời gian chuẩn bị cho Tết. Hiện tại, tôi đã nghỉ hưu nên thời gian dành cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc nhiều hơn. Bản thân tôi rất thích cách tổ chức Tết truyền thống. Chúng tôi không bao giờ đi du lịch vào những ngày này. Chúng tôi ăn Tết ở Hà Nội, năm nào cũng vậy, chưa bao giờ thay đổi.
Có nét đẹp truyền thống của Tết xưa nào mà nhà bà vẫn giữ?
Cứ dịp Tết cổ truyền là gia đình tôi lại tất bật gói bánh chưng, chuẩn bị cho ngày Tết. Hiện nay nhiều gia đình ở Hà Nội không còn gói bánh chưng, họ mua sẵn ở các cửa hàng. Đó cũng là một lựa chọn nhưng gia đình tôi thì không làm vậy. Năm nào tôi cũng gói bánh chưng, cảm giác đấy tuyệt lắm. Bánh chưng là hương vị của Tết Việt, không có cảm giác chờ đợi nồi bánh thì thật thiếu vắng. Bà ngoại tôi từng là một người gói bánh chưng rất giỏi nên tôi học từ bà.
Ngày Tết có thói quen gì mà vợ chồng bà không thể bỏ được?
Hiện tại, 2 con trai của tôi đã có gia đình, các thành viên nhí lần lượt ra đời nhưng nhiều năm nay, chúng tôi không bỏ thói quen là đêm 30 Tết đi xem pháo hoa ở Bờ Hồ. Gia đình tôi hiện vẫn ở 4 thế hệ, tứ đại đồng đường nên vui lắm, bà cháu, mẹ con đều háo hứng để đi xem pháo hoa và đón chào năm mới.
Ngoài ra, gia đình tôi còn về lễ ở chùa Đồng Quan cạnh nhà, năm nào mà đúng đêm Giao thừa chưa đi thì sáng mùng 1 sẽ đi lễ. Từ hồ Hoàn Kiếm trở về nhà, cả nhà quây quần bên nhau thụ lộc và dành cho nhau lời chúc tốt đẹp ngay trong đêm Giao thừa.
Những người phụ nữ trong gia đình tôi dù đêm Giao thừa có thể thức khuya đến đâu thì sáng mùng 1 vẫn luôn dậy sớm để làm cơm thắp hương tổ tiên. Sau đó đi chúc Tết hai bên nội, ngoại, đúng tính chất truyền thống của dân tộc. Ba ngày Tết, bao giờ nhà tôi cũng làm cỗ cúng sáng, cúng chiều và đến bao giờ hóa vàng thì mới hết Tết.
Đã trở thành bà nội, vậy bà dạy các cháu thế nào về việc nhận lì xì ngày Tết?
Với tôi, việc văn hoá mừng tuổi là đẹp, nhưng cần phải dạy trẻ, đó chỉ là việc tượng trưng chứ không nên chú trọng vào việc mệnh giá đồng tiền, cho dù, chỉ là lời chúc mừng năm mới, tuổi mới cũng là rất quý rồi. Không chỉ dạy trẻ về việc nhận mừng tuổi mà chúng tôi con dạy con cháu cần phải có những lời nói hoà nhã, văn hoá khi Tết đến Xuân về. Ngày xuân, chúng tôi không bao giờ mắng mỏ trẻ con, ngày Tết là những ngày vui nhất trong năm, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Bà và mẹ tôi dạy ngày Tết mà để trẻ con khóc thì sẽ không may mắn, thậm chí là dông cả năm. Ngày Tết phải để nụ cười luôn hiện hữu trên môi con trẻ và tất cả mọi người!
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà và chúc gia đình bà một năm mới an lành, hạnh phúc!
Gia đình tôi thường đi chợ hoa ngày Tết
Ngày Tết, ở Hà Nội, ngay cả sắc hoa cũng muôn màu, muôn vẻ. Người Hà Nội có thói quen đi chợ hoa những ngày giáp Tết để chọn cho gia đình mình những loại hoa đẹp nhất.
Hà Nội có hoa đào Nhật Tân với sắc màu không thể trộn lẫn với bất cứ loại hoa đào nào khác. Hà Nội có quất Nghi Tàm, nhìn lá cũng khác, quả cũng tròn đẹp hơn một số loại quất khác.
Gia đình tôi cũng giống như những gia đình Hà Nội. Giáp Tết, mọi người trong gia đình sẽ đi chợ hoa để chọn những loại hoa về trang trí Tết như violet, lay ơn, thược dược, đồng tiền đơn, hoa bướm. Đó đều là những loài hoa mảnh mai, nhẹ nhàng, bay bổng mà người Hà Nội chọn để trang trí cho căn nhà của mình trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.