Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
"Miễn học phí tôi rất vui mừng"
Mở đầu góp ý tại tổ, ông Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ Tp.HCM, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: "Là một người có thời gian công tác lâu trong ngành giáo dục, cũng đã làm cha, làm ông, khi thấy Bộ Chính trị có chủ trương miễn học phí cho mầm non, học sinh phổ thông và những người học ở trình độ phổ thông thì tôi rất vui mừng. Đây là hạnh phúc đối với một dân tộc".
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, sau năm 1945 Bác Hồ nói phải diệt "giặc dốt" và "giặc đói". Ngày nay, chúng ta nhận thấy giáo dục ở lứa tuổi mầm non, đặc biệt là 3-5 tuổi, vô cùng quan trọng vì đây là giai đoạn cơ bản định hình hoạt động thần kinh của trẻ.
Việc hướng dẫn trẻ về nội dung, giao tiếp, nhận thức, tìm hiểu thiên nhiên và rèn luyện sức khỏe sẽ tạo tiền đề tốt cho sự phát triển toàn diện của các em khi bước vào lớp 1.
Năm 2010, sau khi hoàn thành phổ cập tiểu học và trung học cơ sở, chúng ta đã thảo luận về mục tiêu phổ cập tiếp theo. Thay vì phổ cập trung học phổ thông, ông Nhân cùng lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và đã đề xuất phổ cập mầm non 5 tuổi.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (Ảnh: Media Quốc hội).
"Trẻ em ở vùng nông thôn và miền núi không được học mầm non thì khi vào tiểu học sẽ rất thiệt thòi, không được chuẩn bị. Đặc biệt ở miền núi nếu không được học mầm non thì khi vào tiểu học không nói được tiếng Kinh", ông Nhân nói.
Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị cho hay, về lý thuyết, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi là tốt nhất, nhưng do hạn chế về kinh phí và giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó đã đề xuất phổ cập cho trẻ 5 tuổi trước năm 2015.
Ông cho biết, dù thực tế chúng ta đạt được mục tiêu này chậm hơn 2 năm, Việt Nam vẫn là nước duy nhất trong ASEAN đặt mục tiêu phổ cập mầm non 5 tuổi, coi đây là quyền công dân.
"Nước ta không phải nước giàu nhất trong ASEAN, nhiều nước trong khu vực có thu nhập đầu người cao hơn chúng ta nhưng họ không có mục tiêu đó, họ chỉ phổ cập từ tiểu học trở lên. Tôi thấy là kết quả của giai đoạn một là một tiền đề rất quan trọng", ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Ông cũng cho biết, trong giai đoạn đầu thực hiện phổ cập mầm non 5 tuổi, chúng ta gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên biên chế, thu nhập của giáo viên còn thấp.
Tuy nhiên, nhờ chủ trương này, khoảng 80 nghìn giáo viên mầm non cả nước giai đoạn 2010-2015 được đưa vào biên chế, giúp ổn định đội ngũ.
"Không bao giờ quên chuyện có phụ huynh đóng học phí bằng 2 con chó"
Hiện nay, điều kiện kinh tế của chúng ta đã tốt hơn. Bộ Giáo dục cũng đã chuẩn bị phương án phổ cập cho trẻ 3-4 tuổi. Chủ trương miễn học phí của Bộ Chính trị lần này, theo ông Nhân, là một quyết định hết sức đúng đắn.
"Tôi còn nhớ vào năm 2010, khi là đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, tôi đã đến thăm một trường mầm non, tôi hỏi đóng học phí ở đây có gì trở ngại không? Các cô giáo nói có lần phụ huynh đóng học phí bằng hai con chó bởi gia đình không có cái gì có thể bán và ra tiền được cả. Không bao giờ tôi quên được chuyện đó. Mà Bắc Giang thì có xa Hà Nội đâu", ông Nhân kể lại và nhấn mạnh điều này cho thấy sự khó khăn của người dân và tầm quan trọng của việc miễn học phí.

Miễn học phí không chỉ mang ý nghĩa xã hội mà còn giúp giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình.
Ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ tin tưởng, với chủ trương miễn học phí cho cả bậc mầm non và phổ thông, chúng ta sẽ có kế hoạch cân đối ngân sách hợp lý.
Theo ông, các địa phương nên chủ động tạm ứng kinh phí nếu Trung ương chưa kịp rót tiền về. Bên cạnh đó, cần khẩn trương bổ sung giáo viên cho các lớp 3-4 tuổi và tăng cường cơ sở vật chất cho các trường mầm non và các cấp học khác.
Nhắc lại nếu Quốc hội thông qua chủ trương này là một tin vui lớn, ông Nhân cho rằng thông tin này cần được công bố rộng rãi.
Chúng ta có quyền tự hào là nước duy nhất trong ASEAN miễn học phí từ mầm non đến phổ thông, thể hiện tính nhân văn của đất nước. Đây là sự đầu tư cho tương lai.
Theo ông, việc miễn học phí không chỉ mang ý nghĩa xã hội mà còn giúp giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình, khuyến khích các gia đình sinh đủ 2 con, góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trong tương lai.
"Một lần nữa, với tư cách là một công dân và người làm việc lâu năm trong ngành giáo dục, tôi xin cảm ơn sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Bộ Chính trị và sự chuẩn bị chu đáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ", ông Nhân bày tỏ.
Bổ sung thêm con của người lao động tự do
Tham gia góp ý kiến, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) bày tỏ hoan nghênh Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị và chuẩn bị Nghị quyết đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
"Đây là chính sách hết sức đúng đắn, nhân văn và cần thiết", ông Trí nói và cho rằng trẻ em là mầm non tương lai của đất nước nên cần tập trung nuôi dưỡng, dạy dỗ các cháu. Để có thế hệ thay thế vừa khỏe mạnh, vừa văn minh và vừa có trí tuệ.
Đi vào ý kiến cụ thể, về xác định đối tượng, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm con những người lao động tự do. Như phụ hồ, bán hàng rong, giúp việc, nhặt rác...
"Đó là những gia đình rất khó khăn, thu nhập thấp, bấp bênh", ông Trí nói và lưu ý khi tổ chức thực hiện cần phân công cho đơn vị thực hiện rất cụ thể và họ phải hết sức tận tụy.
Cùng với đó, chính quyền địa phương phải vào cuộc và phải làm công tác truyền thông thật tốt.
Ông cũng lưu ý phát triển mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và phải đảm bảo đội ngũ giáo viên mầm non như trong dự thảo Nghị quyết trình, đây là điều cần ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào, thiểu số, biên giới hải đảo...