Khi dấu mốc 1 năm xung đột Nga-Ukraine đang đến gần, tiếp theo là thời tiết chuyển biến tốt hơn, các quan chức và nhà phân tích phương Tây cho rằng cuộc giao tranh có thể sắp đến giai đoạn then chốt khi cả 2 bên đều tìm cách tiến hành các cuộc tấn công.
Điện Kremlin đang cố gắng bảo vệ các khu vực ly khai Ukraine mà họ đã sáp nhập vào Liên bang Nga hồi tháng 9 năm ngoái – các vùng Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia. Lực lượng ly khai thân Moscow đã kiểm soát một phần Donetsk và tỉnh Luhansk lân cận kể từ năm 2014.
“Kẻ địch, đang cố gắng kiểm soát hoàn toàn khu vực Donetsk và Luhansk, tiếp tục tập trung nỗ lực vào việc tiến hành các hoạt động tấn công ở các khu vực Kupiansk, Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Shakhtarsk”, quân đội Ukraine cho biết, đề cập đến các thị trấn ở 2 khu vực này cũng như các khu vực ở rìa phía đông của vùng Kharkiv lân cận.
Các quan chức quân sự cảnh báo rằng, cuộc tấn công lớn mới của Nga sẽ bắt đầu mà không báo trước, từ nhiều hướng và có thể sử dụng các chiến thuật không giống như những chiến thuật mà Nga đã sử dụng cho đến nay – bao gồm cả vai trò lớn hơn của lực lượng không quân.
“Cuộc tấn công của Nga sẽ không giống như trận Somme (trong Thế chiến I)… Nó sẽ xảy ra theo những cách khác nhau, ở những phần khác nhau của chiến tuyến và vào những thời điểm khác nhau”, một quan chức quốc phòng cấp cao của phương Tây nói với tờ Financial Times (Anh).
Theo tình báo phương Tây, Nga đang bố trí các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay trực thăng để có khả năng hỗ trợ trên không cho một cuộc tấn công trên bộ.
Có tới 80% lực lượng không quân Nga được cho là vẫn ở trong tình trạng tốt. Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Lực lượng không quân Nga cho đến nay vẫn chưa được triển khai với tốc độ được mong đợi… và tôi dự đoán chúng ta sẽ thấy lực lượng không quân được sử dụng nhiều hơn trong những tháng tới”.
Moscow cũng đã thành lập các doanh trại quân đội mới tại các vùng Voronezh và Kursk của Nga, gần biên giới phía đông bắc Ukraine, chính xác là nơi họ đóng quân một năm trước khi phát động chiến dịch quân sự này.
Ông Konrad Muzyka, giám đốc công ty tư vấn Rochan và là nhà phân tích quốc phòng chuyên theo dõi cuộc xung đột Nga-Ukraine, cho biết: “Chúng tôi tin rằng những trại này chứa binh lính dự bị và đó là bằng chứng đầu tiên xác nhận việc triển khai của họ gần tiền tuyến hơn. Điều đó cho thấy rằng họ có thể sớm được chuyển đến Ukraine. Do đó, nhịp độ của các cuộc tấn công sẽ tăng lên”.
Các nhà phân tích cho biết, mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Nga Vladimir Putin có khả năng là để hàng chục nghìn lính dự bị đổ bộ xuống từ phía Bắc, hợp sức với các lực lượng Nga đang tấn công từ phía Nam và chiếm giữ toàn bộ khu vực Donbass ở miền Đông.
“Đó là nhiệm vụ mà ông Putin đã giao cho Tướng Gerasimov - Tổng tư lệnh các lực lượng Nga ở Ukraine”, ông Serhii Kuzan, chủ tịch nhóm chuyên gia cố vấn của Trung tâm An ninh và Hợp tác Ukraine ở Kiev, cho biết. “Nhiệm vụ của chúng tôi là giữ vững các tuyến phòng thủ và làm cạn kiệt tiềm năng tấn công của kẻ địch”.
Quả thực, các trận chiến đang làm cạn kiệt kho dự trữ vũ khí của cả 2 bên. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đầu tuần này đã cảnh báo rằng tốc độ Ukraine sử dụng đạn dược nhanh hơn nhiều so với khả năng cung cấp của các đồng minh.
Bộ Quốc phòng Anh hôm 15/2 cho rằng sản lượng công nghiệp quân sự của Nga “đang trở thành một điểm yếu nghiêm trọng”.
Các quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định Iran đang giúp Điện Kremlin duy trì các cuộc oanh tạc ở Ukraine bằng cách cung cấp cho nước này các máy bay không người lái (drone) tấn công.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho rằng việc Kiev tiếp tục bảo vệ Bakhmut, một thị trấn khai thác mỏ mà trong nhiều tháng là mục tiêu chính trong chiến dịch của Nga ở miền Đông, là “hợp lý về mặt chiến lược” vì nó làm giảm động lực của Moscow.
Theo ISW, hệ thống phòng thủ của Ukraine đã “làm suy yếu các lực lượng quan trọng của Nga”, bao gồm các đơn vị từ Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner.
Nhưng một số nhà phân tích cũng cho rằng việc Ukraine cầm cự ở Bakhmut có thể ảnh hưởng đến cơ hội của cuộc tấn công mùa xuân dự kiến của họ.
Trong khi đó, sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với việc cung cấp vũ khí và hỗ trợ kinh tế trực tiếp cho Ukraine đã suy yếu, theo một cuộc thăm dò mới từ Trung tâm nghiên cứu các vấn đề công cộng của AP-NORC.
Theo đó, 48% những người được hỏi cho biết họ ủng hộ việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong khi đó, vào tháng 5 năm ngoái, 60% người Mỹ trưởng thành cho biết họ ủng hộ việc gửi vũ khí cho Ukraine.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 15/2 tuyên bố rằng sự hỗ trợ của phương Tây cho nỗ lực chiến tranh của Kiev đã được sắp xếp trước, nói với Hạ viện (Duma Quốc gia) Nga rằng “Mỹ và các vệ tinh của họ đang tiến hành một cuộc chiến hỗn hợp toàn diện sau nhiều năm chuẩn bị”.
Ông Lavrov cho biết học thuyết chính sách đối ngoại sửa đổi của Nga sắp được công bố sẽ nhấn mạnh sự cần thiết phải “chấm dứt sự độc quyền của phương Tây trong việc định hình các khuôn khổ của đời sống quốc tế”.
Nga tuyên bố đạt bước tiến ở miền Đông
Trên thực địa, Bộ Quốc phòng Nga hôm 15/2 cho biết quân đội của họ đã phá vỡ 2 tuyến phòng thủ của Ukraine ở khu vực Luhansk (miền Đông) và đẩy lùi quân đội Ukraine khoảng 3 km (2 dặm), buộc họ phải rút lui và bỏ lại thiết bị.
“Trong cuộc tấn công... quân đội Ukraine đã rút lui một cách hỗn loạn ở khoảng cách lên tới 3 km (2 dặm) so với tiền tuyến trước đó”, Bộ Quốc phòng Nga viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram. “Ngay cả tuyến phòng thủ thứ hai kiên cố hơn của kẻ địch cũng không thể cản bước đột phá của quân đội Nga”.
Reuters không thể xác minh độc lập các báo cáo chiến trường.
Phía Nga không nêu rõ cuộc tấn công diễn ra ở phần nào của khu vực Luhansk. Ở bên kia chiến tuyến, hôm 15/2, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar cho biết các lực lượng Nga đang tiến hành các cuộc tấn công “suốt ngày đêm” vào các vị trí của chính phủ, nhưng không nêu rõ địa điểm.
“Tình hình căng thẳng. Vâng, thật khó khăn cho chúng tôi. Nhưng các chiến binh của chúng tôi không cho phép kẻ địch đạt được mục tiêu của chúng và đang gây ra những tổn thất rất nghiêm trọng cho đối phương”, bà Malyar viết trên Telegram.
Ở khu vực Donetsk lân cận, Nga cũng đang tiến hành một cuộc tấn công bằng pháo binh và bộ binh vào thành phố Bakhmut.
Gần Bakhmut, các lực lượng Nga đã khai hỏa vào hơn 15 thị trấn và làng mạc, bao gồm cả thành phố, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong báo cáo buổi tối hôm 15/2. Đối phương cũng nhắm hỏa lực vào các khu vực giáp ranh giữa Kharkiv và Lugansk.
Tại Kiev, cơ quan quản lý quân sự của thủ đô cho biết 6 quả khinh khí cầu – được cho là của Nga có thể chứa thiết bị trinh sát – đã bị bắn hạ trên bầu trời thành phố hôm 15/2 sau khi còi báo động không kích vang lên.
“Mục đích của việc phóng những quả khinh khí cầu có thể là để phát hiện và làm cạn kiệt hệ thống phòng không của chúng tôi”, cơ quan này cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram. Nga đã không bình luận ngay lập tức.
Ukraine tin cuối cùng sẽ nhận được máy bay phương Tây
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hôm 15/2 cho biết ông “hoàn toàn tin tưởng” các nước phương Tây sẽ cung cấp máy bay chiến đấu cho Kiev, mặc dù cho đến nay một số bên vẫn tỏ ra lạnh nhạt với ý tưởng này.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters tại Brussels hôm 15/2, ông Reznikov lưu ý rằng các đồng minh của Ukraine cuối cùng đã thực sự cung cấp một loạt hệ thống vũ khí phương Tây, sau khi ban đầu nói rằng họ sẽ không làm như vậy. Ông nói: “Điều không thể đã trở thành có thể”.
Ông Reznikov cho biết các máy bay chiến đấu là cần thiết như một phần của hệ thống phòng không rộng lớn hơn để bảo vệ Ukraine khỏi các cuộc tấn công của Nga.
“Chúng tôi cực kỳ cần máy bay làm nền tảng để bảo vệ bầu trời của chúng tôi. Chúng tôi phải chiếm ưu thế trên bầu trời Ukraine của mình. Trước hết, nó sẽ bảo vệ dân thường của chúng tôi, và sau đó chắc chắn là các lực lượng vũ trang của chúng tôi”.
Trong những tuần gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden Washington cho biết Washington sẽ không cung cấp máy bay phản lực F-16 cho Ukraine, và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng loại trừ việc gửi máy bay chiến đấu ra tiền tuyến.
Các quốc gia khác, chẳng hạn như Ba Lan, đã báo hiệu rằng họ cởi mở với ý tưởng này nhưng sẽ chỉ hành động khi có sự hỗ trợ rộng rãi của phương Tây. Vương quốc Anh cho biết sẽ cung cấp đào tạo cho các phi công chiến đấu Ukraine nhưng vẫn chưa biết liệu London có cung cấp máy bay phản lực hay không.
Một số quan chức phương Tây cũng lưu ý rằng có thể sẽ mất nhiều tháng để cung cấp máy bay chiến đấu và huấn luyện phi công Ukraine sử dụng chúng. Những người khác cũng bày tỏ lo ngại rằng việc cung cấp máy bay phản lực phương Tây có thể là một bước leo thang nguy hiểm trong cuộc xung đột hiện tại.
Phát biểu một ngày sau cuộc hội đàm tại Brussels với các Bộ trưởng Quốc phòng NATO và liên minh gồm hơn 50 quốc gia ủng hộ Kiev, ông Reznikov cho biết, vấn đề máy bay chiến đấu đã “được đặt lên bàn” và các đồng minh đang đánh giá mẫu nào sẽ tốt nhất cho Ukraine.
“Chúng ta phải chọn giải pháp tốt nhất”, ông nói, cho biết máy bay phản lực F-16 của Mỹ và máy bay Gripen của Thụy Điển là những lựa chọn hàng đầu.
Ông Reznikov cho biết, theo quan điểm cá nhân của ông, F-16 sẽ là lựa chọn tốt nhất vì chúng được nhiều quốc gia sử dụng. “Giấc mơ của tôi: Đó phải là F-16. Nhưng Gripen cũng rất tốt”, ông nói.
Ukraine đã được cung cấp nhiều loại vũ khí phương Tây bao gồm các hệ thống phòng không, tên lửa, pháo và xe tăng. Ông Reznikov cho biết, ông đã nói đùa với các Bộ trưởng phương Tây rằng máy bay chiến đấu là món đồ cuối cùng trong danh sách điều ước của ông với ông già Noel.
Khi được hỏi liệu ông có tự tin rằng cuối cùng Ukraine sẽ nhận được máy bay phản lực hay không, ông Reznikov trả lời: “Đương nhiên, tôi hoàn toàn tự tin”.
Ông Reznikov cho biết, phòng không vẫn là ưu tiên hàng đầu của Ukraine về viện trợ quân sự, mặc dù Kiev đã nhận được nhiều hệ thống tiên tiến. Ông cho rằng nếu Nga bắt đầu một cuộc tấn công lớn, thì họ sẽ đưa lực lượng không quân của mình vào cuộc nhiều hơn.
“Nếu họ bắt đầu một chiến dịch tấn công thực sự, chắc chắn họ sẽ sử dụng máy bay từ phía họ, cố gắng ngăn chặn lực lượng quốc phòng của chúng tôi. Điều đó có nghĩa đó là một mối đe dọa thực sự, vì vậy chúng tôi cần những máy bay tinh vi hơn, hiện đại hơn – để ngăn chặn họ, để đánh bại họ, để răn đe họ”.
Đức chỉ có “nửa tiểu đoàn” xe tăng đã hứa cho Ukraine
Đức hôm 15/2 thừa nhận rằng họ hiện chỉ có “nửa tiểu đoàn” xe tăng Leopard 2 để gửi tới Ukraine, trong bối cảnh các đồng minh NATO dường như đang gặp khó khăn trong việc tập hợp các phương tiện hạng nặng đã cam kết với Kiev.
Thông báo này được đưa ra sau cam kết của Berlin vào cuối tháng trước gửi một tiểu đoàn xe tăng gồm khoảng 30 chiếc để giúp các lực lượng Ukraine chống lại quân đội Nga, sau áp lực từ Kiev và các bên ủng hộ Ukraine.
Sau cuộc họp với các bên ủng hộ Ukraine tại Brussels hôm 15/2, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết, cho đến nay nước ông mới chỉ gom được 14 xe tăng Leopard loại A6 mới hơn và 3 chiếc từ Bồ Đào Nha.
“Chúng tôi chưa có đủ một tiểu đoàn. Sẽ là nửa tiểu đoàn xe tăng thôi”, ông Pistorius nói, đồng thời khẳng định Đức chắc chắn sẽ bàn giao xe tăng Leopard vào “tuần cuối cùng của tháng 3”.
Ngoài Đức, Ba Lan cũng đã cam kết gửi một tiểu đoàn xe tăng Leopard 2 tới Kiev và hiện đang huấn luyện quân đội Ukraine cách sử dụng chúng. Canada đã gửi một số xe tăng Leopard và Na Uy đã cam kết gửi thêm 8 chiếc nữa.
Nga nói Mỹ nên chứng minh không phá hoại Nord Stream
Đại sứ quán Nga tại Mỹ hôm 16/2 cho biết Washington nên cố gắng chứng minh rằng họ không đứng sau việc phá hủy các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 nối Nga với Tây Âu.
Moscow coi việc phá hủy các đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 vào tháng 9 năm ngoái là “một hành động khủng bố quốc tế” và sẽ không cho phép hành động này bị che giấu, Đại sứ quán Nga cho biết trong một tuyên bố.
Đại sứ quán Nga đề cập đến một bài đăng trên blog của nhà báo Seymour Hersh trích dẫn một nguồn không xác định nói rằng Hải quân Mỹ đã phá hủy các đường ống bằng chất nổ theo lệnh của Tổng thống Joe Biden.
Nhà Trắng đã bác bỏ các cáo buộc là “hoàn toàn sai sự thật và hoàn toàn hư cấu”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 15/2 cho biết “việc Mỹ đứng đằng sau những gì đã xảy ra” với Nord Stream hoàn toàn là thông tin sai lệch, kích động bình luận mới của Nga.
Minh Đức (Theo Reuters, Outlook India, The National News, Financial Times)