Tổng thống Vladimir Putin mới đây đã cho biết việc cấm nhập khẩu dầu từ Nga sẽ là bất khả thi đối với một số quốc gia châu Âu. Phát biểu của ông được đưa ra trong bối cảnh các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thất bại trong việc đàm phán đề xuất cấm vận đối với dầu mỏ của Nga do một nhóm nhỏ các quốc gia tiếp tục phản đối kế hoạch này.
Đề xuất cấm vận là một phần trong những nỗ lực lớn hơn của phương Tây nhằm trừng phạt Moscow liên quan đến cuộc xung đột Ukraine.
"Rõ ràng, một số quốc gia EU mà cán cân năng lượng có tỷ trọng hydrocacbon của Nga đặc biệt cao sẽ không thể làm điều này trong một thời gian dài, vẫn phải khai thác dầu của chúng tôi", Tổng thống Putin nói.
Phát biểu trong một cuộc họp trên truyền hình với các nhà quản lý dầu mỏ trong nước và các quan chức chính phủ, Tổng thống Putin cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây và lệnh cấm vận có thể xảy ra đối với dầu mỏ Nga đã khiến giá dầu toàn cầu tăng lên.
Ông nhận định từ bỏ nguồn cung cấp năng lượng của Nga sẽ khiến châu Âu có nguy cơ phải trả giá năng lượng đắt nhất trên thế giới trong thời gian dài và khả năng cạnh tranh của ngành bị suy giảm.
Tổng thống Putin cho biết châu Âu sẽ chứng kiến giá năng lượng và lạm phát cao hơn do đề xuất cấm vận dầu mỏ từ Nga. Ông nói: “Tất nhiên, một vụ tự sát về kinh tế như vậy là vấn đề trong nước của các nước châu Âu”.
Ông Putin thừa nhận: “Đã có những thay đổi mang tính kiến tạo trên thị trường dầu mỏ và việc kinh doanh như trước đây theo mô hình cũ có vẻ trở nên khó hơn”. Ông cho biết thêm điều quan trọng là phải thiết lập một chuỗi hoàn chỉnh từ nhà sản xuất đến người mua cuối.
Tổng thống Nga cam kết sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất dầu trong nước, bao gồm tạo điều kiện tiếp cận các khoản vay và bảo hiểm.
Hôm 16/5, các bộ trưởng ngoại giao của 27 quốc gia thành viên EU đã họp để thảo luận đưa lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga vào gói trừng phạt Moscow thứ sáu. Để có hiệu lực, lệnh trừng phạt cần đạt được sự đồng thuận của tất cả quốc gia thành viên EU. Tuy nhiên, một nhóm các thành viên với sự dẫn đầu là Hungary đã phản đối biện pháp này.
EU đã đề nghị gia hạn cho Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia thêm thời gian để loại bỏ dần sự phụ thuộc nhiều vào dầu của Nga. Nhưng Budapest (thủ đô Hungary) vẫn chưa đồng ý, với việc chính phủ của họ cho rằng cần khoản tài trợ trị giá 800 triệu euro (830 triệu USD) từ quỹ của EU để trang bị lại một nhà máy lọc dầu và nâng công suất của một đường ống dẫn từ Croatia đến Hungary. Nước này cũng đang tìm cách để miễn áp dụng lệnh cấm vận được đề xuất trong ít nhất 4 năm.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã lên tiếng cảnh báo về sự chia rẽ giữa các nước EU: “Sự đoàn kết của chúng ta với tư cách là Liên minh châu Âu là sức mạnh của chúng ta cho đến nay”. Tuy nhiên, bà Baerbock cũng bày tỏ sự thông cảm đối với một số quốc gia thành viên EU đang gặp vấn đề trong việc loại bỏ dần năng lượng từ Nga. Bà cho rằng tất cả các quan điểm khác nhau cần phải được hòa giải: "Không có giải pháp "một kích thước phù hợp với tất cả".
Phạm Hà Thanh (theo DW, Reuters)