Theo Bloomberg, kể từ đầu năm đến nay cổ phiếu Evergrande đã giảm khoảng 70%, trong khi cổ phiếu của Evergrande Property Services Group hiện thấp hơn 34% so với mức giá IPO.
Tính đến ngày 30/6, các khoản vay hoặc nợ phải trả lãi của tập đoàn bất động sản này đã giảm xuống còn 572 tỷ nhân dân tệ (883,5 triệu USD), mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Con số này đã giảm 20% so với mức 717 tỷ nhân dân tệ (1,1 tỷ USD) vào cuối năm ngoái và giảm 15% so với mức 674 tỷ nhân dân tệ (1,04 tỷ USD) vào tháng 3.
Đến nay tổng tiền nợ của Evergrande đã tăng lên mức kỷ lục gần 1,97 nghìn tỷ nhân dân tệ (305 tỷ USD).
Tập đoàn bất động sản Evergrande cho biết một số dự án của họ đã rơi vào trạng thái đình trệ, do chưa thể thanh toán cho các nhà cung cấp và nhà thầu. Tình trạng này cho thấy những vấn đề tài chính đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ như thế nào.
Hôm 31/8, công ty này lần đầu tiên cảnh báo rằng họ có thể vỡ nợ nếu các vấn đề thanh khoản không được giải quyết. Evergrande nói thêm, họ đã bán một số tài sản và các căn hộ để huy động tiền mặt. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của chính phủ, họ đang tích cực đàm phán với các nhà cung cấp và công ty xây dựng để các dự án được tiếp tục.
Mảng kinh doanh cốt lõi của Evergrande báo lỗ 634 triệu USD trong quý trước, sau khi bán nhiều căn hộ đắt đỏ với mức giá chiết khấu. Evergrande cho biết, giá bàn giao căn hộ trung bình của họ đã giảm 11,2% so với 1 năm trước, doanh thu từ mảng phát triển bất động sản giảm gần 19%.
Trong khi đó, mảng kinh doanh năng lượng mới của Evergrande lỗ 758 triệu USD và ghi nhận doanh số bán linh kiện ô tô điện gây thất vọng. Tập đoàn có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết họ có khoản nợ tương đương khoảng 88 tỷ USD tính đến cuối tháng 6, 42% trong số đó đến hạn trong chưa đầy 1 năm. Nửa đầu năm nay, họ đã bán 2,2 tỷ USD tài sản.
Theo các chuyên gia, Evergrande cần phải đẩy nhanh việc bán tài sản và tiếp tục giảm giá mạnh mẽ căn hộ để tích lũy tiền trang trải cho những khoản nợ.
Nhà phân tích tín dụng tại Lucror Analytics, ông Chuanyi Zhou, cho biết: "Đây là thời điểm then chốt của Evergrande. Nếu việc bán tài sản và giới thiệu các nhà đầu tư mới không tiến triển tốt đẹp và không đáp ứng kỳ vọng của chính phủ, một vụ vỡ nợ khổng lồ có khả năng xảy ra".
Theo dữ liệu của Bloomberg, hôm 1/9, trái phiếu bằng đồng USD đáo hạn vào tháng 3 của tập đoàn đã giảm 0,023 USD xuống còn 0,425 USD, mức thấp kỷ lục mới. Trong khi đó, giá cổ phiếu Evergrande trên sàn Hong Kong lao dốc tới 2,8%, nâng mức giảm từ đầu năm đến nay lên 71%.
Vào tháng 1, các nhà đầu tư đã chi 3,4 tỷ USD để mua cổ phần của China Evergrande New Energy Vehicle Group - startup xe điện của tỷ phú Hứa Gia Ấn. Tuy nhiên, giá trị khoản đầu tư lao dốc hơn 70% kể từ đó đến nay.
Cổ phiếu Evergrande Property Services Group Ltd. cũng sụt giá 34% so với giá IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng).
Chỉ 3 năm trước, đây là đế chế bất động sản có quy mô hoạt động lớn nhất thế giới. Thời điểm đó, theo Bloomberg Billionaires Index, Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn sở hữu khối tài sản lên tới 42 tỷ USD và là người giàu thứ 2 Trung Quốc sau tỷ phú Jack Ma.
Song, sau nhiều năm mở rộng chóng mặt và vay tiền ô ạt, ông Hứa và Evergrande đang phải hứng chịu “trái đắng” khổng lồ.
Hứa Gia Ấn sinh ngày 9/10/1958 tại một làng quê nghèo khó của thành phố Chu Khẩu (Hà Nam, Trung Quốc). Khi mới lên 1 tuổi, mẹ của ông đã qua đời vì bệnh nhiễm trùng máu và Hứa Gia Ấn lớn lên trong tình yêu thương của bà nội.
Năm 1978, Hứa Gia Ấn đỗ vào ngành Vật liệu kim loại và nhiệt luyện của Đại học Gang thép Vũ Hán. Sau khi tốt nghiệp, ông được phân công về làm việc tại Công ty Giang thép Vũ Dương với vai trò trợ lý giám đốc phân xưởng nhiệt luyện. Đến năm 1983, ông được đề bạt làm Giám đốc phân xưởng. Song, sau này vì kêu gọi cải thiện phúc lợi cho nhân viên trên một bài phỏng vấn nên Hứa Gia Ấn bị đuổi khỏi công ty Vũ Dương.
Sau đó, Hứa Gia Ấn gia nhập Tập đoàn Trung Đạt ở Thâm Quyến và trở thành Giám đốc. Tháng 10/1994, Hứa Gia Ấn thành lập Công ty Bất động sản Bằng Đạt – Công ty con của Tập đoàn Trung Đạt ở Quảng Châu. Chỉ với dự án đầu tiên, Hứa Gia Ấn đã “mát tay” mang về cho công ty mẹ lợi nhuận ròng 200 triệu nhân dân tệ. Tuy nhiên, vì mâu thuẫn phát sinh nên không lâu sau đó, Hứa Gia Ấn cũng rời bỏ tập đoàn Trung Đạt.
Năm 1996, Hứa Gia Ấn thành lập Tập đoàn Evergrande và xây dựng bất động sản Jinbi Garden ở Quảng Châu và trở thành một trong số 50 bất động sản nổi tiếng nhất Trung Quốc. Ngoài ra, Hứa Gia Ấn còn khiến cả Trung Quốc “sốc” khi lập kỷ lục phát triển 13 bất động sản cùng lúc.
Chỉ sau 3 năm, Evergrande đứng thứ 7 trong số 30 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hàng đầu Quảng Châu.
Đến năm 2017, Hứa Gia Ấn ghi tên mình vào danh sách 100 người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes với tổng tài sản là 290 tỷ nhân dân tệ.
Không chỉ có vậy, kể từ khi thành lập, Evergrande – một tập đoàn được điều hành bởi 1 ông chủ có xuất thân lam lũ còn được biết đến với hơn 100 lần quyên góp với tổng số tiền hơn 14,6 tỷ nhân dân tệ. Hằng năm, Evergrande giải quyết được 260 việc làm, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, Evergrande còn quyên góp 1,1 tỷ nhân dân tệ cho Đại học Thanh Hoa để phát triển, xây dựng trường học; tặng hơn 160 triệu nhân dân tệ cho Quỹ Xóa đói giảm nghèo Trung Quốc để giúp đỡ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; xây 100 trường tiểu học cho vùng dân tộc thiểu số. Vào năm 2008, Hứa Gia Ấn đã quyên góp 10 triệu nhân dân tệ cho những người dân bị ảnh hưởng vởi băng tuyết. Còn trong trận động đất ở Vấn Xuyên, ông trở thành doanh nhân đầu tiên đóng góp 10 triệu nhân dân tệ để giúp đỡ các nạn nhân.
Han (t/h từ Zing News, CafeF, Vietnam Finance)