Báo cáo về việc hoàn thiện phương án tổ chức thi cho năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2021.
Bên cạnh đó, các tỉnh/thành phố sẽ chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương theo khung thời gian tổ chức thi do Bộ GD&ĐT quy định. Về thời gian tổ chức kỳ thi tại các địa phương có thể được xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Đối với nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, không bao gồm các nội dung được tinh giản đi nhằm phục vụ dạy và học ứng phó dịch Covid-19 mà Bộ GD&ĐT đã công bố.
Đề thi được xây dựng đáp ứng yêu cầu của kỳ thi, bảo đảm độ phân hóa phù hợp và hạn chế học tủ, học lệch, khuyến khích sáng tạo của thí sinh.
Ngoài ra, sẽ xây dựng cấu trúc, định dạng đề thi, công bố đề thi tham khảo; hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để tổ hợp thành các đề thi bằng phần mềm chuyên dụng, cung cấp cho các địa phương tổ chức thi, bảo đảm cân bằng giữa các vùng miền, các tỉnh và giữa các đợt thi (nếu tổ chức nhiều đợt thi).
Đến thời điểm này, theo báo cáo, Bộ GD&ĐT đã thực hiện những nhiệm vụ cụ thể để chuẩn bị tổ chức kỳ thi, công bố đề thi tham khảo ngày 31/3/2022.
Việc rà soát hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi; rà soát và nâng cấp phần mềm quản lý thi tốt nghiệp THPT; tổ chức tập huấn công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT đã được thực hiện từ cuối tháng 4.
Sử dụng tối đa cơ sở dữ liệu ngành
Tuy nhiên, năm học này sẽ có một số nội dung dự kiến điều chỉnh áp dụng trong công tác tuyển sinh.
Theo đó, việc đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển Đại học, Cao đẳng phải thực hiện trên Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT và Cổng dịch vụ công quốc gia.
Năm nay các thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1, tất cả các nguyện vọng xét tuyển (theo các ngành, các phương thức, cơ sở đào tạo) được đăng ký xét tuyển trực tuyến sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT. Có thể thấy, thay đổi này sẽ giúp các em có thời gian cân nhắc việc chọn ngành sau khi thi.
Một điểm mới của kỳ thi này đó là tất cả các nguyện vọng ĐKXT của thí sinh vào các cơ sở đào tạo được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.
Ngoài ra, đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn này, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.
Nếu mỗi phương thức (hoặc mỗi tổ hợp môn thi) có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh của các trường phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân chỉ tiêu cho từng phương thức (hoặc tổ hợp môn thi).
Bên cạnh đó, các trường xác định chỉ tiêu cho phương thức, tổ hợp xét tuyển mới phải có căn cứ và lộ trình; các trường khi bỏ đi phương thức tuyển sinh cũng cũng cần có lộ trình, việc giảm chỉ tiêu hàng năm cần thông báo để không ảnh hưởng tới việc học tập, ôn tập của thí sinh.
Để giảm tải thủ tục, tránh nhầm lẫm các địa phương sẽ cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển phục vụ công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục.
Bộ GD&ĐT khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn.
Các đại học quốc gia, đại học vùng và các trường/nhóm trường đại học đã chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện có thể tổ chức các kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển Đại học, Cao đẳng và chia sẻ, hỗ trợ các trường khác có nhu cầu.