Quảng Nam chạy đua chống bão

Quảng Nam chạy đua chống bão

Nguyễn Duy Cường

Nguyễn Duy Cường

Thứ 3, 27/10/2020 13:56

Bão số 9 với cường độ mạnh, hướng đi phức tạp, dự báo có thể vào tỉnh Quảng Nam nên địa phương này đang gấp rút thực hiện các biện pháp phòng chống.

Di dân gấp rút

Sáng 27/10, tại xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, 96 hộ dân với 250 nhân khẩu thôn Long Thạnh Tây được yêu cầu thu gom 1 số vật dụng sinh hoạt cần thiết để vào đất liền ngay trước bão số 9.

Tham gia hỗ trợ người dân là cán bộ xã, lực lượng quân đội, công an và dân quân tự vệ.

Lực lượng chức năng bố trí 2 ca nô, 1 phà, 4 xe ô tô, nhiều xe máy để đưa người dân qua sông đến nhà văn hoá đa năng xã Tam Giang tránh, trú bão.

Tin nhanh - Quảng Nam chạy đua chống bão

Người dân tại xã đảo Tam Hải được di dời khẩn cấp. 

Trong khi đó, 176 hộ với 589 người dân thôn Xuân Mỹ được đưa đến trường mẫu giáo Sao Biển, trạm kiểm soát biên phòng Cửa Lở, nhà văn hoá để tránh, trú bão.

Đồng thời, 35 người dân thôn Bình Trung cũng được đưa đến trường THCS Trần Quý Cáp tránh bão.

Theo ông Nguyễn Công Tiến, Chủ tịch UBND xã Tam Hải, việc di dời người dân sẽ hoàn thành vào 16h chiều nay.

Địa phương cũng chuẩn bị 115 thùng mì ăn liền, 70 bình nước uống loại 20 lít 1 bình, gần 200 lít xăng và 4 máy phát điện để phục vụ người dân trong 2 ngày trú bão.

Bà Phạm Thị Mỹ Hương, Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp, Cù Lao Chàm, TP.Hội An chia sẻ, trên đảo có gần 500 hộ dân.

Xã đã lên phương án di dời gần như toàn bộ dân trên đảo tới đồn biên phòng, trụ sở xã, các nhà bê tông kiên cố để đảm bảo an toàn.

Tin nhanh - Quảng Nam chạy đua chống bão (Hình 2).

Dân đã đến nơi an toàn. 

Tuyến đường phía đông của xã có nguy cơ sạt lở nên đơn vị đã cảnh báo và nghiêm cấm người dân đi lại trên tuyến đường này.

Ngoài ra, để đảm bảo cuộc sống của người dân, tàu hậu cần nghề cá đã đưa 10 tấn hàng gồm gạo cùng nhu yếu phẩm đủ phục vụ người dân, cán bộ chiến sĩ trên đảo hơn 10 ngày.

Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ thông tin, dự kiến tại địa phương này có 1.200 hộ với 6.000 nhân khẩu được di dời tập trung.

Người dân được di dời chủ yếu ở những khu dân cư các xã ven biển từ đường Võ Chí Công trở về phía biển được di dời tập trung về các điểm đã bố trí theo phương án trước đây.

Riêng xã Tam Thanh, là khu vực sát biển, 100% người dân được đưa đến nơi an toàn.

Lũ chồng lũ, khó khăn chồng khó khăn

Vùng biển đang gấp rút di dân thì tại miền Núi, khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Ông A Rất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, đơn vị đã sơ tán hơn 200 hộ dân vào ngày hôm qua và dự kiến 27/10, tiếp tục sơ tán hơn 100 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu.

Thời gian qua, việc mưa lụt kéo dài khiến tình trạng nhiều vùng tại địa phương sạt lở gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân.

Cũng vì mưa lũ, 21 chiếc cầu treo tại huyện Tây Giang bị hư, trong đó, có 9 cầu bị xé toạc hoàn toàn. Việc khắc phục lũ lụt chưa hoàn tất, thì cơn bão số 9 đã tới.

Để đưa thức ăn, thực phẩm vào cho người dân ở các vùng bị cô lập, chính quyền địa phương kết hợp lực lượng quân sự, bộ đội biên phòng huyện giăng dây, hoặc chặt tre dựng các cầu tạm tại vị trí các cầu treo hư hỏng.

Đến nay, tại thôn Tr’Le, thôn A Banh, xã A Tiêng, đã có 2 cầu được dựng lên.

Tin nhanh - Quảng Nam chạy đua chống bão (Hình 3).

Phía sau đồn biên phòng A Xan, 1 ngọn đồi sạt lở. 

Tại xã A Xan, huyện Tây Giang, tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng. Hơn 1 tháng qua, đường lên xã A Xan vẫn chưa thể thông tuyến, lương thực thực phẩm từ bên ngoài không thể đưa vào nên hàng hoá khan hiếm.

Trong khi đó, cũng vì mưa lũ, 1 ngọn đồi phía sau đồn biên phòng A Xan sạt lở, vùi lấp nơi làm việc, dãy hành lang của đồn.

Trụ sở đồn biên phòng này cũng xuất hiện nhiều vết nứt lớn, nguy cơ mất an toàn cao. Do đó, tất cả các chiến sĩ được di dời ra ngoài, tá túc nơi ở mới.

Tuy nhiên, do tình hình bão số 9 nguy cấp, toàn bộ chiến sĩ đã được huy động xuống di chuyển đồ đạc, đưa các hộ dân ra khỏi nơi sạt lở.

Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, địa phương đã yêu cầu 10 xã kiểm tra những khu dân cư có nguy cơ sạt lở, sẵn sàng di dời dân đến các điểm trường học, trụ sở kiên cố tránh trú, nhắc nhở người dân tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống.

Trước đó, chính quyền địa phương đã di dời hàng trăm hộ dân sinh sống dọc sông núi, trên đồi núi có nguy cơ lở cao vào khu dân cư an toàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, ông Hồ Quang Minh thông tin, thời gian qua, do tình trạng mưa lụt kéo dài, gây nên tình trạng sạc lở nhiều tuyến đường, khu vực, hộ gia đình, gây thiệt hại nặng về cơ sở hạ tầng, nhà ở, tài sản của nhân dân.

Đến nay, trên địa bàn, nhiều tuyến đường vẫn còn tình trạng sạt lở, chưa thể thông tuyến.

Tin nhanh - Quảng Nam chạy đua chống bão (Hình 4).

Lực lượng chức năng cùng người dân dựng cầu tạm tại các điểm cầu treo hư hỏng. 

Trước tình hình lụt bão, địa phương đã sơ tán 216 nhà tại các địa điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.

Các địa phương trên địa bàn cũng ghi nhận trên 2020 căn nhà bị ngập nước vào nhà do mưa lớn gây ra và đã kịp thời sơ tán và di dời tài sản đến nơi an toàn.

“Việc khắc phục các cơn lũ trước chưa hoàn thành thì nay dự báo bão số 9 sắp vào. Chắc chắn rằng, khó khăn sẽ càng khó khăn hơn”, vị này nói.

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Nam cho rằng, cơn bão số 9 có cường độ mạnh, hướng đi phức tạp nên người dân không được chủ quan, nhất là những vùng có ngy cơ cao khi bão đổ bộ. Ông yêu cầu huỷ tất cả các cuộc không cần thiết, tập trung toàn bộ nhân lực vào công tác phòng chống bão, buộc người dân di dời trước 17h ngày 27/10. Trường hợp người dân không chịu đi, lực lượng chức năng đến tận nhà vận động. Đặc biệt, nghiêm cấm người dân ra đường vào tối nay để tránh ảnh hưởng đến tính mạng.

Ông cũng yêu cầu các đơn vị chức năng bố trí lực lượng trực ban 24/24 giờ để chủ động xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn có thể xảy ra, đặc biệt là tình huống xả lũ khẩn cấp; Sẵn sàng và nghiêm túc tuân thủ các phương án ứng phó thiên tai cho công trình, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Phối hợp với chính quyền địa phương để chủ động triển khai thực hiện khi có sự cố…

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.