Tròn 5 năm tính từ ngày bộ ba công trình giao thông “Không – Thủy – Bộ” đi vào vận hành, Quảng Ninh đã bứt tốc với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế top đầu. Giao thương, đi lại thuận tiện cũng mở đường cho du lịch phát triển ấn tượng.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,03%, lần đầu tiên Quảng Ninh vươn lên vị trí quán quân của Vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 cả nước và tiếp tục giữ vững ngôi vị “liên tiếp trong nhiều năm đạt tăng trưởng kinh tế 2 con số”.
Động lực tạo nên bảng vàng thành tích ấn tượng nêu trên được Quảng Ninh nhìn nhận là do tỉnh luôn kiên định tư duy tái cấu trúc kinh tế, coi trọng lĩnh vực du lịch dịch vụ, đặc biệt là sự mạnh mẽ quyết liệt đi trước một bước đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Đưa Quảng Ninh từ vùng vàng đen của Tổ quốc thành trung tâm du lịch hàng đầu cả nước.
Từ hơn thập kỉ trước, nhận thấy vị thế là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, khu vực Đông Bắc Á và ASEAN, trung tâm kinh tế biển của phía Bắc, tỉnh Quảng Ninh không ngừng hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tạo đột phá mới để mở rộng cánh cửa liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc, khu vực Đông Bắc Bộ. Với sự chung tay của các nhà đầu tư lớn, Quảng Ninh đã kiến tạo được hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, quy mô, hiện đại top đầu cả nước, trở thành hình mẫu cho việc vận dụng thành công cơ chế “hợp tác công – tư”.
Thời điểm lịch sử cách đây 5 năm về trước, vào ngày 30/12/2018, cùng lúc Quảng Ninh khánh thành “bộ ba công trình Không – Thủy – Bộ”: Sân bay Quốc tế Vân Đồn; Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long; Đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn. Bốn năm sau đó, tỉnh tiếp tục đưa vào vận hành cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên trên cả nước có hệ thống đường cao tốc hiện đại, quy mô xuyên tỉnh.
Chỉ sau một năm đi vào hoạt động, sân bay Vân Đồn đã đón 258.000 lượt khách. Với định hướng mở thêm đường bay Quốc tế tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc trong thời gian tới, Vân Đồn hứa hẹn sẽ là cửa ngõ để Quảng Ninh đón thêm dòng khách quốc tế dồi dào. Bên cạnh đó, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã khẳng định vị thế là cảng tàu du lịch chuyên biệt đón những siêu tàu sang trọng cập cảng liên tiếp thời gian qua, đưa các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam.
Từng có thâm niên tư vấn cho các chiến lược phát triển của Quảng Ninh, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên khẳng định: “Nếu xem Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn như một “ngòi nổ”, là biểu tượng cho sự trỗi dậy của tỉnh thì tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái mở ra không gian phát triển rộng lớn cho Quảng Ninh, cho cả nước. Tôi vẫn mong muốn là phải có một sự tổng kết cho Quảng Ninh như hình mẫu phát triển quốc gia. Quốc gia phải căn cứ vào đó để tạo cảm hứng phát triển cho các địa phương khác”.
Sau 5 năm đi vào vận hành, “trái ngọt” của những tuyến giao thông Không – Thủy – Bộ quy mô ấy đã được chứng minh bằng con số tăng trưởng kinh tế top đầu Vùng Đồng bằng sông Hồng, bằng tỷ lệ thu hút khách du lịch năm sau luôn cao hơn năm trước, bằng việc thu hút ngày càng đông các nhà đầu tư khác đến với Quảng Ninh. Theo Sở KHĐT tỉnh Quảng Ninh, năm 2019 (tròn 1 năm sau khi các công trình giao thông mới đi vào hoạt động), lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đã tăng 14% so với cùng kỳ. Sân bay Vân Đồn cũng đã giúp Quảng Ninh hoàn thành sứ mệnh đón các công dân từ vùng dịch trên các chuyến bay giải cứu về Việt Nam thời kỳ cao điểm dịch covid 19 hoành hành.
Vai trò quan trọng của những dự án ấy được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đúc kết trong bài phát biểu tại sự kiện khánh thành cao tốc Vân Đồn – Móng Cái: “Phát triển giao thông có tính chất quan trọng, góp phần để tái cơ cấu, chuyển hướng phát triển kinh tế theo hướng nhanh và bền vững. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh đang chuyển hướng phát triển từ nâu sang xanh rất tốt”.
Thu Hà