Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson.
Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình địa phương P1 Morgon, ông Kristersson nói vũ khí hạt nhân không được triển khai ở Thụy Điển trong thời bình. Nhưng tình hình trong thời chiến có thể rất khác.
"Tình hình trong thời chiến sẽ hoàn toàn khác. Phụ thuộc vào những gì xảy ra trong thực tế", ông Kristersson nói. "Trong tình huống xấu nhất, các quốc gia dân chủ ở khu vực phải có khả năng tự bảo vệ trước những nước có thể đe dọa bằng vũ khí hạt nhân".
Thủ tướng Thụy Điển nhấn mạnh, "tất cả các nước thành viên NATO sẽ được hưởng lợi từ chiếc 'ô hạt nhân' của Mỹ. Điều này nên tồn tại chừng nào Nga còn sở hữu vũ khí hạt nhân".
Ông Kristersson đưa ra tuyên bố sau khi Tổng thống Andrzej Duda hồi tháng 4 cũng để ngỏ khả năng cho phép Mỹ đặt vũ khí hạt nhân trong lãnh thổ quốc gia. Ông Duda cho rằng, đây là giải pháp nếu NATO muốn củng cố an ninh ở sườn phía đông giáp với Nga.
Trong số các quốc gia thành viên NATO, chỉ có Mỹ, Anh và Pháp là tự sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhưng chỉ có Mỹ đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở 5 quốc gia thành viên khác theo thỏa thuận chia sẻ hạt nhân.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến nhiều nước thành viên NATO củng cố năng lực quân sự, hối thúc liên minh xây dựng mạng lưới phòng thủ để đối phó Nga.
Thụy Điển đã chính thức gia nhập NATO vào tháng 3/2024. Tháng 6 tới Quốc hội Thụy Điển sẽ bỏ phiếu thông qua Thỏa thuận Hợp tác Quân sự (DCA) mà chính phủ đã ký với Mỹ tháng 12/2023. Thỏa thuận cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của Thụy Điển cũng như cất vũ khí, thiết bị quân sự tại quốc gia Bắc Âu.
"Mỹ là đối tác an ninh và quốc phòng quan trọng nhất của Thụy Điển, cả trên phương diện song phương và trong khuôn khổ NATO", Bộ Quốc phòng Thụy Điển cho biết.
Ông Kristersson từng khẳng định Thụy Điển mới là bên quyết định có triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ hay không chứ không phải Mỹ. "Thụy Điển tự quyết định về vấn đề trên lãnh thổ của mình", ông nói.
Đăng Nguyễn - Newsweek