Theo báo Tiền Phong, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận thăm khám, tiêm vắc-xin phòng bệnh dại, uốn ván cho bệnh nhi N.N.H. (SN 2019, trú xã Phú Dương, TP Huế) do bị chó dữ cắn, với nhiều vết thương sâu phức tạp.
Theo người nhà, ngày 29/10, cháu H. đã bị một con chó của nhà hàng xóm cắn trong khi ra đường chơi. Cháu bé sau đó được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế.
Do có nhiều vết thương sâu, phức tạp, trong đó có vết thương dài gần 20cm, nên bệnh nhi được các bác sĩ phẫu thuật, cắt lọc làm sạch các vết thương, loại bỏ da, cơ có nguy cơ hoại tử.
Sau đó, cháu bé được người nhà đưa đến CDC Thừa Thiên-Huế tiêm vắc-xin phòng bệnh dại, uốn ván.
Theo bác sĩ Phòng khám Đa khoa thuộc CDC Thừa Thiên-Huế, đây là một ca bệnh nặng do chó cắn với vết thương phức tạp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng trẻ em.
Bệnh nhân hiện vẫn còn bị sang chấn tâm lý, được theo dõi, điều trị tại bệnh viện và sẽ tiếp tục được tiêm chủng vắc-xin phòng dại theo phác đồ của ngành y tế.
Những cách phòng tránh chó cắn hiệu quả nhất
- Né chó khi chó đang ở chế độ "riêng tư"
Không được chọc ghẹo con chó khi nó đang ăn, đang ngủ, đang bị bệnh, đang bị buộc dây hoặc đang sinh hoạt với bạn tình. Con chó sẽ mất bình tĩnh khi có ai đó đụng chạm nó trong lúc này, nó có thể bất ngờ cắn, theo báo Tuổi Trẻ.
- Tránh xa những con chó đang tức giận hoặc sợ hãi. Vì chúng có thể tấn công bất ngờ người đối diện.
Dấu hiệu chó tức giận là sẽ nhe răng ra, gầm gừ, mắt nhiều lòng trắng, tai dẹt lại, liếm môi liên tục.
Dấu hiệu chó sợ hãi là cái đuôi của nó sẽ cụp xuống ở giữa hai chân sau, chảy nước dãi, thở hổn hển, run sợ, mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang, ị, tiểu bậy ra ngoài.
- Đừng di chuyển nếu con chó vừa sủa vừa chạy tới mình
Thường thì mọi người hay có hành vi bản năng là vung tay lên để dọa chó không cắn mình. Nhưng vung tay nhanh cũng kích thích chó cắn người.
Chó phản ứng rất nhanh với các chuyển động. Khi vung tay dễ bị tấn công vào ngực, vào cổ. Nên nắm chặt 2 bàn tay và duỗi thẳng, tuyệt đối không nhìn vào mắt chúng. Điều này sẽ làm cho chúng nghĩ chúng ta là một cái cây. Chó sẽ thấy chán nản, không cảm thấy bị đe dọa và bỏ đi.
Không nên bỏ chạy khi gặp chó dữ. Việc chúng ta cố chạy thoát sẽ làm đánh thức bản năng săn mồi của động vật. Tốc độ khi chạy của chó nhanh hơn con người rất nhiều. Mất bình tĩnh có thể bị chó cắn vì kích thích hành vi hung dữ của chúng.
Tuy nhiên nếu bị té ngã, nằm cuộn người lại và giữ nguyên tư thế, không nhúc nhích, lúc đó toàn bộ thân thể trông giống như một tảng đá. Chó sẽ bỏ đi nếu chúng ta không phản ứng đối kháng với nó.
- Bị chó cắn, cần chích ngừa
Nếu chẳng may bị chó cắn, bà con phải nhanh chóng rửa vết thương bằng xà phòng và nước rồi đi ngay đến cơ sở y tế để khám, điều trị vết thương và chích ngừa dại.
Xử lý vết thương khi bị chó cắn
Thông tin trên báo Lao Động, nếu bị chó cắn, bạn cần đảm bảo chăm sóc các vết thương ngay lập tức, vì thậm chí chỉ một vết cắn nhẹ cũng có thể gây nhiễm trùng. Thực hiện thủ thuật sơ cấp cứu cho vết cắn do chó tấn công.
- Nhẹ nhàng ép lên vết thương để cầm máu. Dùng mảnh vải sạch hoặc băng gạc vô trùng. Nếu vết thương chảy máu nghiêm trọng hoặc không cầm máu được sau khi đã được ép nhiều phút, bạn cần tìm sự chăm sóc y tế.
- Rửa kỹ vết thương. Dùng nước ấm và xà phòng để nhẹ nhàng rửa sạch vết thương.
- Băng vết thương. Dùng băng y tế cá nhân (cho mọi vết đứt nhỏ) hoặc băng gạc vô trùng cho các vết rách lớn.
- Xem xét kỹ các dấu hiệu nhiễm trùng như sưng đỏ, ấm, mềm hơn hoặc rỉ mủ. Đến bác sĩ nếu có bất cứ triệu chứng nào xuất hiện.
Phải xác định con chó tấn công bạn có bị bệnh dại hoặc có tiền sử hung hãn không. Gọi cho nhà chức trách ngay sau khi chó tấn công để ngăn chặn con chó đó khỏi làm hại thêm người khác, hơn nữa nó cũng được kiểm tra bệnh dịch.
Nếu bạn bị cắn bởi chó lang thang, chó được xác định có bệnh dại, hoặc chó chảy dãi, thì bạn bắt buộc phải đến bác sĩ ngay lập tức để điều trị phòng ngừa bệnh dại.
Trúc Chi (t/h)