GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp: Sách Tiếng Việt của GS.Hồ Ngọc Đại chỉ là một sự lựa chọn

GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp: Sách Tiếng Việt của GS.Hồ Ngọc Đại chỉ là một sự lựa chọn

Hà Công Luân
Thứ 6, 07/09/2018 | 19:50
4
Những ngày qua câu chuyện về bộ tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận, trong đó có nhiều ý kiến gay gắt cho rằng bộ tài liệu này làm thay đổi chữ Quốc ngữ.

Liên quan đến việc này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với GS. TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng viện Ngôn ngữ học để giúp độc giả có thêm những kiến thức về bộ tài liệu đang triển khai ở nhiều địa phương này.

Thưa ông, thời gian vừa qua, có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề cách phát âm “lạ” đối với học sinh tiểu học xuất phát từ bộ tài liệu Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục. Từ góc độ chuyên môn, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp: Có nhiều ý kiến trái chiều về một vấn đề bao giờ cũng là điều tốt, thể hiện sự dân chủ trong tranh luận khoa học. Vấn đề đánh vần tưởng dễ phán xét và phần lớn dựa vào kinh nghiệm để phán xét, nhưng thật ra để đánh giá vấn đề này, cần có kiến thức và hiểu biết chuyên môn về bảng chữ cái, quan hệ giữa chữ và vần.

Trước khi trao đổi cách dạy học đánh vần của Tiếng Việt 1-Công nghệ Giáo dục (TV1-CNGD), tôi thấy cần khẳng định chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” sắp được triển khai là hoàn toàn đúng đắn.

Như vậy, chương trình chỉ nêu ra đích đến, cái mục tiêu cần đạt, còn đi đến đó bằng cách nào thì do các tác giả sách giáo khoa lựa chọn và thể hiện trong sách của mình. Theo quan điểm đó thì cách dạy đánh vần của TV1-CNGD chỉ là một lựa chọn, và nếu được chấp nhận, sẽ tồn tại song song với những cách dạy đánh vần khác trong các bộ sách khác.

Giáo dục - GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp: Sách Tiếng Việt của GS.Hồ Ngọc Đại chỉ là một sự lựa chọn

GS.Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng viện Ngôn ngữ học Việt Nam  (Ảnh: Phạm Thịnh).

Đi vào cụ thể hơn, để đánh giá cách học vần theo ngữ âm học của TV1-CNGD, cần nắm được một số khái niệm rất cơ bản, trong đó quan trọng nhất là phân biệt được tên của con chữ (hay chữ cái) và âm vị mà chữ cái ấy ghi lại. Chẳng hạn, chữ cái C trong hệ thống chữ viết tiếng Việt có tên gọi là “xê”, chữ cái K có tên gọi là “ca”, chữ cái Q có tên gọi là “cu” (hay “quy”). Tuy nhiên, trong tiếng Việt, cả 3 chữ cái này đều dùng để ghi âm vị /k/, đọc là “cờ”.

Đằng sau hệ thống chữ ghi âm bao giờ cũng có một giả thuyết âm vị học. Cũng cần phân biệt “âm vị” (hiểu nôm na là cái chung, cái trừu tượng được trừu xuất ra từ những biểu hiện ngữ âm cụ thể), với “âm tố” với tư cách là cái biểu hiện ngữ âm cụ thể. Chẳng hạn, với từ “mẹ” thì người Hà Nội và người Nam Định có thể phát âm khác nhau ở nguyên âm (âm tố khác nhau), nhưng đằng sau sự khác biệt đó, có một âm vị chung, cho phép ta phân biệt mẹ ≠ mạ ≠ mệ ≠ mộ. Tương tự, phụ âm đầu trong các từ “ca”, “kì”, “quê” khi phát âm thì có khác nhau đôi chút, nhưng trong cả ba trường hợp, xét ở phương diện âm vị học, chúng đều là âm vị /k/, và đây là giả thuyết âm vị học được đa số các nhà Việt ngữ học chấp nhận.

Trong tiếng Việt, cũng như trong các thứ tiếng dùng hệ thống chữ viết ghi âm khác, việc dạy tên các con chữ của bảng chữ cái là rất cần thiết (Trong tiếng Anh có bài hát mà trẻ em nói tiếng Anh nào cũng biết, dạy cách gọi tên các chữ cái trong bảng chữ cái của tiếng Anh). Điều này rất cần thiết để có thể, chẳng hạn, ghi đúng tên người, địa danh (thường không có nghĩa, tức không có cái cơ sở giúp cho việc suy đoán nên viết như thế nào cho đúng) hay đọc các tên gọi được viết tắt, ví dụ: đài VOV (đài “vê ô vê”, chứ không phải đài “vờ ô vờ”), đài BBC (đài “bê bê xê”, chứ không phải đài “bờ bờ cờ”).

Việc dạy tên con chữ khác với việc dạy đánh vần để đọc đúng âm do chữ biểu thị. Tuy nhiên, suy cho cùng, nhiệm vụ quan trọng nhất và cũng là nhiệm vụ hàng ngày mà chữ viết ghi âm thực hiện là mã hóa dưới dạng kí tự cái ý nghĩa của ngôn ngữ (trước hết là ý nghĩa của các từ trong kho từ vựng, theo đó tuy phát âm có thể giống nhau nhưng về mặt tự dạng cách viết “gia” trong “gia” đình” rõ ràng giúp phân biệt “da” trong “da thịt”) để phục vụ cho việc giao tiếp, lưu trữ thông tin.

Nhưng ngoài nhiệm vụ phục vụ cho đánh vần, các con chữ còn có thể dùng để gọi tên sự vật, thực hiện chức năng định danh. Chẳng hạn, khi nói “Hôm nay họp ở Hội trường B” thì con chữ B (“bê”) cho biết sẽ họp ở Hội trường nào. Và khi viết: “Cho tam giác ABC và CKQ” thì trong trường hợp này, các con chữ A, B, C, K, Q không hề được dùng để ghi âm của lời nói tiếng Việt, vì thế, không thể đọc chúng theo âm vị (tức không đọc: “Cho tam giác a (A), bờ (B), cờ (C) và tam giác cờ (C), cờ (K), cờ (Q)”) mà chỉ có thể đọc là “Cho tam giác a (A), bê (B), xê (C) và tam giác xê (C), ca (K), cu/quy (Q)”.

Có ý kiến cho rằng, cách dạy đánh vần Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại đang làm thay đổi chữ Quốc ngữ, ông có quan điểm thế nào?

GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp: Đọc các ý kiến trên mạng, tôi thấy rất nhiều người lên án cách dạy học đánh vần của TV1-CNGD, cho rằng cách dạy này làm thay đổi chữ Quốc ngữ. Đây là một điều oan cho TV1-CNGD, bởi vì cách dạy này đã được thực hiện 40 năm nay, nhưng không làm thay đổi gì chữ Quốc ngữ.

Tâm lý phê phán nặng nề, theo tôi, có lí do là xã hội đã quá nản lòng, “dị ứng” với những cải cách giáo dục, cải cách sách giáo khoa trong quá khứ, trong đó từng có những mong muốn rất ngớ ngẩn cải cách chữ Quốc ngữ và cải cách ký tự (chẳng hạn, muốn bỏ cách viết chữ truyền thống, thay bằng cách viết chữ theo móc câu).

Còn về dư luận cho rằng cách đánh vần của TV1-CNGD khiến học sinh viết sai chính tả, tôi cho rằng chưa có căn cứ nào để kết luận như vậy cả. Nguyên nhân viết sai chính tả thì có nhiều, trong đó đó nguyên nhân về sự khác biệt phương ngữ, chẳng hạn người miền Bắc thường sai chính tả các trường hợp viết S/X, CH/TR ở đầu từ, người miền Trung và miền Nam thường sai T/C và N/NG ở cuối từ. Việc làm sao viết đúng chính tả là việc đòi hỏi chúng ta phải cố gắng cả đời. Theo tôi, không có cách dạy đánh vần nào đảm bảo từ đó về sau con em chúng ta không viết sai chính tả.

Trong cuốn Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục, cách viết và cách đánh vần có gì khác so với chương trình trước đây? Những hạn chế của cuốn sách này là gì?

GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp: Tôi cho rằng nếu bỏ qua những cách đánh vần đã có từ đầu thế kỉ hoặc giai đoạn ngay sau 1945 (gắn với phong trào bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ, theo đó cách dạy đánh vần thường thấy là vừa dạy tên con chữ, vừa dạy âm mà con chữ ấy biểu thị), ta thấy cách dạy đánh vần trong TV1-CNGD không khác nhiều lắm so với cách đánh vần hiện nay, chủ yếu là dựa trên hệ thống âm vị mà con chữ biểu thị. Chỉ có một số ít khác biệt, trong đó có sự khác biệt quan trọng (mà mạng xã hội bàn rất nhiều trong những ngày qua), liên quan đến việc dạy đánh vần những từ có C, K, Q. Sự khác biệt này vừa cho thấy điểm mạnh và điểm không mạnh của TV1-CNGD, so với những cách dạy đánh vần khác.

Về cách dạy đánh vần những từ có C, K, Q, tôi cho rằng cách của TV1-CNGD là cách triệt để tuân theo phương pháp âm vị học, khi cho rằng cả 3 chữ cái này đều dùng để ghi âm vị /k/ trong tiếng Việt.

Trong khi đó, đối với những từ có C, K, Q, cách dạy phổ biến hiện nay của tiếng Việt, lớp 1 đại trà (khác với TV1-CNGD) là vừa dạy đánh vần, vừa phân biệt tên con chữ, để qua đó giúp phân biệt nghĩa.

Cụ thể, Tiếng Việt, lớp 1 đại trà, hướng dẫn học sinh, đối với từ “cá” phải đánh vần là “cờ-a-ca-sắc-cá”, đối với từ “kể” phải là “ca-ê-kê-hỏi-kể”, đối với từ “quê” phải là “quờ-ê-quê”. Như vậy, trong trường hợp này, tiếng Việt, lớp 1 đại trà vừa muốn dạy cách đọc từ (kết quả cuối cùng là học sinh phải đọc đúng âm mà các từ “cá”, “kể”, “quê” biểu thị), vừa muốn dạy tên con chữ, thay vì đọc âm là “cờ” thì tiếng Việt, lớp 1 đại trà hướng dẫn học sinh đọc tên chữ cái là “ca” (K). Đối với sự không nhất quán này, một số người cho rằng như thế là tốt, kiểu “2 trong 1”, vừa dạy học sinh đánh vần, vừa giúp các em phân biệt được chữ cái, và như vậy cũng có tác dụng giúp các em viết đúng chính tả. (Đối với trường hợp Q, do Q luôn đi với U, TV1 đại trà xử lí “QU” như là âm vị riêng và hướng dẫn học sinh đọc là “quờ”, đây là điểm tôi không bàn luận, vì có thể có nhiều giải pháp âm vị học khác nhau).

Tuy nhiên, như trên tôi đã nói, không có cách dạy đánh vần nào đảm bảo về sau con em chúng ta viết đúng chính tả, và việc viết đúng chính tả là việc phải cố gắng cả đời.

Theo ông, GS. Hồ Ngọc Đại có sử dụng nguyên tắc âm vị học nhất quán trong bộ tài liệu này?

GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp: Sách của Hồ Ngọc Đại đã cố gắng xử lí nhất quán. Chẳng hạn, liên quan đến xử lí cách đọc C, Q còn có vấn đề âm đệm. Ta biết rằng trong tiếng Việt, âm đệm /w/ được thể hiện trên chữ viết rất khác nhau, lúc thì là con chữ U (như trong từ “qua”), lúc thì là con chữ O (như trong từ “hoa”) (ngay cả một sinh viên Ngôn ngữ học cũng không đảm bảo nhận biết được âm đệm trong tiếng Việt).Trường hợp âm đệm /w/ đi sau âm vị /k/ gây rắc rối và đây là một điểm mà cách dạy đánh vần theo sách Hồ Ngọc Đại đã xử lý nhất quán. Lấy trường hợp dạy đánh vần từ “cua” và từ “qua”.

Hai từ này có âm đọc lên khác nhau, nếu cho rằng chúng đều có phụ âm đầu là /k/ thì sự phân biệt phải được thể hiện ở phần vần, tuy nhiên, trên chữ viết, bộ phận vần này được viết giống nhau, đều là “UA”.

Giả thuyết âm vị học được nhiều người chấp nhận của từ “cua” là: phụ âm /k/+ nguyên âm đôi /uo/, của từ “qua” là: phụ âm đầu /k/+ âm đệm /w/+ nguyên âm /a/.

Sách của Hồ Ngọc Đại hướng dẫn đánh vần từ “cua” là “cờ-ua-cua”, còn từ “qua” là “cờ -oa-qua” (như trường hợp đánh vần từ “hoa”). Như vậy, ở trường hợp này, sách của Hồ Ngọc Đại đã tuân thủ nguyên tắc âm vị học.

Sự tuân thủ nguyên tắc âm vị học là điểm thể hiện sự nhất quán, có thể xem là ưu điểm của TV1-CNGD. Dĩ nhiên, khi đã chọn lựa như thế, TV1-CNGD không thể kết hợp vừa dạy đánh vần, vừa dạy tên con chữ, và qua sự khác biệt của con chữ mà giúp phân biệt nghĩa.

Hiện nay, ở nước ta chưa có quy định về chính âm tiếng Việt (nói nôm na là chưa có quy định giọng miền nào là giọng chuẩn), nhưng có chính tả phải được thống nhất, tức cho dù phát âm theo giọng nào thì cũng phải viết đúng chính tả. Khi tính đến sự khác biệt ngữ âm của vùng miền thì cách dạy đánh vần theo ngữ âm học của TV1-CNGD gặp khó khăn, chẳng hạn, trong phương ngữ Nam không có nguyên âm đôi /uo/, /ie/ (tôi nhớ hồi còn nhỏ, tôi ở Đà Nẵng, người ta phát âm tên tôi “Hiệp” thành “Hịp”) thì cách dạy đánh vần theo âm vị học sẽ gặp khó khăn. Trong khi đó, cách đánh vần ngày trước (đánh vần theo tên chữ cái) lại vượt qua được khó khăn do sự khác biệt ngữ âm của phương ngữ vùng miền.

Nhiều chuyên gia cũng như mong muốn và nguyện vọng của nhà trường, phụ huynh học sinh là thống nhất một chương trình dạy cách phát âm tiếng việt tránh hai cách đọc như hiện nay. Vậy việc đưa Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục vào có hợp lý?

GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp: Như tôi đã nói Chương trình Ngữ văn mới chỉ quy định mục tiêu đầu ra, chứ không quy định phải chọn cách nào để đạt được mục tiêu đầu ra. Vì thế, nếu được lựa chọn, thì trong phạm vi dạy đánh vần để đạt được mục tiêu đầu ra của chương trình, cuốn Tiếng Việt-Công nghệ giáo dục lớp 1 của Hồ Ngọc Đại chỉ là một lựa chọn trong số các lựa chọn. Dĩ nhiên, việc lựa chọn bộ sách nào còn phụ thuộc vào những tiêu chí khoa học khác, không thuộc vào địa hạt ngôn ngữ học.

Trên mạng, có ý kiến phàn nàn là năm lớp 1, học sinh học Tiếng Việt lớp 1-CNGD nhưng lên lớp 2, lại học theo chương trình đại trà hiện nay, như vậy có sự xung đột. Tôi nghĩ điều này là ta lo xa quá, vì việc dạy và học đánh vần chỉ thực hiện ở năm lớp 1, còn lên lớp 2 thì chương trình hướng đến các mục tiêu khác. Năm lớp 2 thì các em đã đọc được tiếng Việt rồi, chẳng phải băn khoăn về việc đánh vần thế nào nữa. Chỉ khi nào các em ấy có gia đình, sinh con đẻ cái, lúc con cái các em ấy học lớp 1, thì việc chọn lựa học cách đánh vần nào mới được đặt ra.

Về mặt khoa học, tôi cho rằng cách dạy học vần của TV1-CNGD chỉ là một lựa chọn trong những cách dạy học đánh vần, nó có những ưu điểm và những nhược điểm để mọi người cân nhắc. Chủ trương có “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” là một chủ trương được ủng hộ rộng rãi. Nếu đã chấp nhận có nhiều bộ sách cùng hướng đến thực hiện các mục tiêu cần đạt của chương trình thì cũng phải chấp nhận có những lựa chọn khác nhau trong tổ chức thực hiện. Thực tế sẽ kiểm nghiệm và cho biết bộ sách nào là bộ sách tốt. 

Xin cảm ơn ông! 

Cách đánh vần tiếng Việt “lạ”: “Dạy như thế đẻ ra rất nhiều bất cập”

Thứ 3, 04/09/2018 | 18:45
Nhận xét về cách đánh vần “lạ” lan truyền trên mạng xã hội trong thời gian qua, GS. Nguyễn Văn Lợi cho rằng bộ tài liệu tiếng Việt – Công nghệ giáo dục còn nhiều bất cập.
Cùng tác giả

Sợ viễn cảnh độc quyền sách giáo khoa

Thứ 4, 20/07/2022 | 14:26
Độc quyền là nguyên nhân chính dẫn đến giá thành cao và chất lượng thấp của bất kỳ loại hàng hoá, dịch vụ nào, trong đó có sách giáo khoa.

Tướng Tô Ân Xô nói về việc "vây thầu" trong vụ bắt Chủ tịch Vimedimex

Thứ 5, 02/12/2021 | 20:19
Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Vimedimex, bị khởi tố do sai phạm liên quan tới đấu thầu đất đai.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Tăng thời hạn vắc-xin không ảnh hưởng chất lượng

Thứ 5, 02/12/2021 | 20:05
Ông Trần Văn Thuấn cho biết, việc tăng thời hạn vắc-xin thêm 3 tháng hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng.

Chuẩn bị cho nhân dân đón Tết an toàn, vui vẻ

Thứ 5, 02/12/2021 | 18:35
Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác dự báo, tính toán, cân đối để bảo đảm không để thiếu hàng hóa, nhất là trong dịp Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

“Một số địa phương lựa chọn SGK không quan tâm đến ý kiến của cơ sở”

Thứ 3, 09/11/2021 | 18:51
Bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý (Đoàn Đà Nẵng) đã có trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề xã hội hoá SGK.
Cùng chuyên mục

Tp.HCM giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập

Thứ 5, 18/04/2024 | 16:07
Tổng chỉ tiêu vào lớp 10 của 113 trường THPT công lập ở Tp.HCM là hơn 71.000 học sinh, giảm 6.000 chỉ tiêu so với năm học trước.

Đổ xô cho con đi học "tiền lớp 1": Lợi bất cập hại

Thứ 5, 18/04/2024 | 06:57
Theo chuyên gia đối với các con giai đoạn mẫu giáo lớn, chuẩn bị học lớp 1 thì quan trọng nhất là chuẩn bị sức khoẻ, thói quen tốt, sẵn sàng hoà nhập.

Sân chơi bổ ích cho các em học sinh đam mê tìm hiểu pháp luật

Thứ 4, 17/04/2024 | 16:56
Thông qua cuộc thi mang đến những góc nhìn đa dạng, hấp dẫn, giúp sinh học sinh được thử sức và trải nghiệm với ngành luật và giải quyết vấn đề thực tiễn.

Tuyển sinh 2024: Chi tiết các mốc thời gian tuyển sinh đại học, cao đẳng

Thứ 4, 17/04/2024 | 10:29
Bộ GD&ĐT vừa ban hành kế hoạch tuyển sinh đại học và tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024, với chi tiết các mốc thời gian xét tuyển.

Hà Nội công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 các trường THPT công lập

Thứ 4, 17/04/2024 | 10:02
Năm học 2024-2025, 127 trường THPT công lập và công lập tự chủ tuyển mới 1.742 lớp và 77.250 học sinh
     
Nổi bật trong ngày

Dự báo thời tiết ngày 18/4/2024: Gia tăng nắng nóng ở khu vực nào?

Thứ 5, 18/04/2024 | 05:00
Tin tức dự báo thời tiết mới nhất trong hôm nay (18/4). Cập nhật tin tức dự báo thời tiết nhanh và chính xác nhất trên Người Đưa Tin.

Bản tin 18/4: Chi tiết lịch nghỉ lễ 30/4 – 1/5 của học sinh cả nước

Thứ 5, 18/04/2024 | 06:00
Chi tiết lịch nghỉ lễ 30/4 – 1/5 của học sinh cả nước; Thiếu niên ở Đồng Nai tử vong do sốt xuất huyết...

Tp.HCM giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập

Thứ 5, 18/04/2024 | 16:07
Tổng chỉ tiêu vào lớp 10 của 113 trường THPT công lập ở Tp.HCM là hơn 71.000 học sinh, giảm 6.000 chỉ tiêu so với năm học trước.

Dự báo thời tiết ngày 19/4/2024: Nắng nóng gay gắt quay trở lại?

Thứ 6, 19/04/2024 | 05:00
Tin tức dự báo thời tiết mới nhất trong hôm nay (19/4). Cập nhật tin tức dự báo thời tiết nhanh và chính xác nhất trên Người Đưa Tin.

Miền Bắc chính thức đón "cơn mưa vàng" giải nhiệt, xua tan nắng nóng

Thứ 5, 18/04/2024 | 10:35
Đêm qua và sáng sớm nay (18/4), ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, cục bộ mưa vừa, mưa to.