Xưởng gốm phù điêu của nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên (ở xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) đang trưng bày bộ tác phẩm độc đáo có tên “Vũ điệu Bách Long”
Những tác phẩm hình tượng rồng vừa uy dũng vừa uyển chuyển với các hình thái, tư thế, dáng vẻ khác nhau.
Nghệ nhân cho biết, để hoàn thành bộ tác phẩm độc đáo này, ông phải làm việc, sáng tạo trong 3 tháng để kịp đón xuân Giáp Thìn, mang ra Hà Nội triển lãm.Theo ông Tuyền, Bách Long có nghĩa là “100 con rồng”.
Vũ điệu Bách Long là 100 tác phẩm gốm, bao gồm 3 loại chính là Rồng đắp phù điêu trên các dáng bình khác nhau; “Rồng hoá” bằng việc cách điệu các sự vật tự nhiên (như tùng, cúc, trúc, mai); Điêu khắc rồng mang các thông điệp ý nghĩa.
“Tôi đã tìm tòi 100 tư thế, biểu hiện vân vũ của rồng gắn với các phối cảnh để không trùng lặp. Bộ tác phẩm độc bản này thể hiện tinh thần, khát vọng mãnh liệt với thiên nhiên, được chế tác hoàn toàn thủ công”, nghệ nhân Tuyên chia sẻ.
Mỗi tác phẩm trong bộ Vũ điệu Bách Long đều là độc bản, vừa tái hiện văn hoá truyền thống thuần Việt, vừa thể hiện khát vọng bình yên của con người trước sức mạnh của thiên nhiên.
Theo nghệ nhân, hình tượng rồng trên gốm không hiếm nhưng rồng trên gốm phù điêu lại có ấn tượng riêng. Đây là dòng gốm đắp nổi có từ thời Mạc, với nhiều loại men và hoa văn độc đáo, thuần Việt.
Gốm phù điêu dần mai một dần từ đầu thế kỷ XVII. Tuy nhiên, với tâm huyết của một nghệ nhân, sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên đã thành công trong việc khôi phục dòng gốm này với những dấu ấn nổi bật.
Nét đặc trưng khác biệt của gốm phù điêu không chỉ đơn thuần là vẽ mỏng men trên mặt vàng mà là nặn đất điêu khắc phối nổi rồi đưa đi nung.
Điều quan trọng là làm thế nào để sau khi qua nhiệt độ cao, các chi tiết đắp nổi không bị biến dạng, hư hỏng và có thể tồn tại hàng nghìn năm.
Hình ảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông cưỡi rồng.
“Tạo tác gốm phù điêu khó bởi phải giữ được sự tinh xảo của các chi tiết đắp nổi sau khi nung qua lửa với nhiệt độ cao”, nghệ nhân Tuyên cho hay
Dù đã thực hiện hàng nghìn tác phẩm gốm phù điêu nhưng bộ tác phẩm “Bách Long” vẫn là một thử thách đối với nghệ nhân Phạm Văn Tuyên về ý tưởng lẫn kỹ năng chế tác, kỹ thuật nung đốt.
Mỗi mẻ gốm ra lò là các màu men hoả biến có các sắc độ khác nhau, không trùng lặp.
Mỗi tác phẩm gốm chính là sự hòa quyện của đất, của nước, của lửa và trái tim, tâm sức người nghệ nhân. Nhờ đó chất đất vô tri trở thành những linh vật rồng đầy sinh khí.
Các sản phẩm gốm của nghệ nhân đã thể hiện đậm nét truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc. Bộ tác phẩm "Bách Long" sẽ được trưng bày vào đầu năm 2024 tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội).
Hồng Phú