Tuần tới đón đợt không khí lạnh yếu tràn về
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ thứ Hai ngày 22/4, không khí lạnh sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến các tỉnh thành ở Đông Bắc Bắc Bộ như Lạng Sơn, Cao Bằng…, khiến thời tiết chuyển mát hơn hẳn và có thể có mưa.
Sang thứ Ba (23/4) không khí lạnh về đến Hà Nội và các khu vực lân cận, nhiệt độ giảm 5 - 6 độ C, nhiệt độ cao nhất trong ngày sẽ ở mức hơn 30 độ C.
Đến thứ Sáu (26/4), miền Bắc tiếp tục đón đợt không khí lạnh thứ 2. Nhờ đó nhiệt độ giảm nhẹ, trời đỡ nóng. Ở thời điểm này, những đợt không khí lạnh có đặc điểm là nhẹ và tan đi nhanh chỉ sau khoảng 1 - 2 ngày rồi nhiệt độ tăng mạnh trở lại.
Theo dự báo thời tiết của cơ quan khí tượng, xen giữa 2 đợt không khí lạnh nói trên, trong tuần sau vẫn có thể là 1 - 2 ngày khá nóng.
Như vậy, dự báo đầu tuần sau, thời tiết ở Đông Bắc Bộ sẽ dịu mát hơn do ảnh hưởng của 2 đợt không khí lạnh tràn về. Tại phía Tây Bắc Bộ vẫn duy trì nắng nóng do chịu tác động của gió phơn Tây Nam. Khoảng 22/4, không khí lạnh sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến các tỉnh miền núi phía Bắc. Từ ngày 23/4, Hà Nội có mưa, giảm 5-6 độ so với ngày hôm trước.
Theo báo Sức khỏe & Đời sống từ nay đến ngày 10/5, nhiệt độ trung bình trên cả nước cao hơn trung bình nhiều năm 1-2 độ C. Các khu vực Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có nơi cao hơn tới 2-3 độ C so với trung bình nhiều năm (cùng thời kỳ).
Thông thường tháng 4 và thậm chí là tháng 5 vẫn còn những đợt không khí lạnh yếu, nhiệt độ chỉ giảm nhẹ và thường gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông lốc, sét, mưa đá...
Diễn biến không khí lạnh và nắng nóng thời gian tới
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã phát hành bản tin dự báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa trên phạm vi toàn quốc (tức từ tháng 5-10/2024).
Nhận định về thời tiết sắp tới, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia chia sẻ với Lao Động dự báo, từ nay đến tháng 5 vẫn còn không khí lạnh hoạt động nhưng cường độ yếu và giảm dần về tần suất. Tuy nhiên điều đáng lưu ý là không khí lạnh trong thời kỳ giao mùa nguy cơ đi kèm các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.
Đặc biệt, giai đoạn vừa qua nắng nóng đã xuất hiện diện rộng ở cả ba miền. Nhiều nơi đã ghi nhận được nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày vượt giá trị lịch sử. Vậy dự báo diễn biến nắng nóng trong thời gian tới như thế nào thưa ông?
Nhận định thêm về xu thế nhiệt độ, từ nay đến tháng 10 nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm. Theo ông Lâm khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng gia tăng trong thời kỳ từ tháng 5 - 7/2024. Nắng nóng tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5.2024. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm trong tháng 8/2024. Đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt. Nắng nóng có xu hướng giảm dần từ nửa cuối tháng 8 ở Bắc Bộ và từ tháng 9 ở khu vực Trung Bộ.
Trong khi đó khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ khô hạn có khả năng kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5/2024. Ở khu vực Trung Bộ, khô hạn có khả năng xuất hiện và kéo dài trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 4-7/2024. Khô hạn tại khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có khả năng còn duy trì trong tháng 8/2024.
Trúc Chi (t/h)