Sau sự cố FLC, Tân Hoàng Minh, doanh nghiệp đang thực sự khát vốn

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 6, 28/10/2022 16:51

Theo ĐBQH, nhiều dự án đang đình trệ vì khó tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp đối mặt khó khăn.

Bảo đảm ổn định thị trường tài chính

Chiều 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thành Trung (đoàn Yên Bái) chia sẻ, nếu như tại Kỳ họp thứ 3 nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế phải đối mặt với áp lực lạm phát thì tại kỳ họp này báo cáo của Chính phủ cho thấy lạm phát được kiểm soát. Cùng với việc phối hợp hiệu quả với chính sách tài khóa đã góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính quốc gia.

Tuy nhiên theo phản ánh của doanh nghiệp hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay do ngân hàng thương mại hết room tín dụng, ngân hàng thiếu vốn cho vay chưa thu hồi được nợ đến hạn hoặc khó huy động tiền gửi. Những khó khăn này ảnh hưởng đến việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.

Tiêu điểm - Sau sự cố FLC, Tân Hoàng Minh, doanh nghiệp đang thực sự khát vốn

Đại biểu Nguyễn Thành Trung.

Đại biểu đoàn Yên Bái cho biết, chi phí vốn tăng cao do cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Chỉ tiêu dư nợ tín dụng ngân hàng trên GDP của Việt Nam ở mức khá cao, cao hơn mức trung bình của thế giới.

Trong khi hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều rủi ro, thiếu các công cụ giám sát an toàn hệ thống giao dịch thiếu lành mạnh.

Trước những vấn đề trên, để đảm bảo ổn định thị trường tài chính, ổn định thị trường vốn, góp phần phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đại biểu Nguyễn Thành Trung kiến nghị Chính phủ cần quan tâm đến việc tăng lãi suất cơ bản và điều chỉnh biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết.

Cần có các kịch bản chủ động trong điều hành lãi suất tỷ giá cùng với các biện pháp hữu hiệu để vừa đảm bảo huy động, khơi thông các nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh vừa kiểm soát lạm phát.

Khẩn trương rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập thời gian qua để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đại biểu cũng lưu ý cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

Đồng thời, khi thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát lượng tiền cung ứng đối với nền kinh tế, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ chính sách vay tài khóa quyết liệt trong việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình dự án, nhất là các công trình, dự án về cơ sở hạ tầng.

Không chủ quan với rủi ro lạm phát

Phát biểu góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) đề cập đến vấn đề “Khơi thông dòng vốn để phục hồi và phát triển kinh tế”, một trong những điểm nghẽn và là thách thức rất lớn đặt ra trong tình hình hiện nay.

Theo đại biểu, tại kỳ họp bất thường đầu năm nay, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Theo đó, Quốc hội thống nhất chủ trương dành khoảng 350.000 tỷ đồng để đầu tư cho các chương trình phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội.

Đồng thời, cho phép tăng bội chi Ngân sách Nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1-1,2%/năm, trong đó năm 2022 tăng khoảng 1,1% GDP nhằm hướng tới đạt mức tăng trưởng GDP cao hơn khoảng 2% mỗi năm. 

Như vậy, với gói kích thích kinh tế nêu trên, cùng với việc room tăng trưởng tín dụng ở mức 14% năm 2022 - trong bối cảnh lạm phát vẫn được duy trì ở mức thấp, các nhà đầu tư đã rất kỳ vọng dòng vốn trên thị trường dồi dào hơn, doanh nghiệp tiếp cận dễ hơn, các dự án đầu tư có đủ vốn để triển khai nhanh hơn. 

Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp đang thực sự khát vốn, nhiều dự án đang bị đình trệ vì không thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đối mặt rất nhiều khó khăn sau sự cố của FLC và Tân Hoàng Minh.

Tiêu điểm - Sau sự cố FLC, Tân Hoàng Minh, doanh nghiệp đang thực sự khát vốn (Hình 2).

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng.

Trong bối cảnh rất nhiều thách thức đặt ra hiện nay, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giải bài toán thiếu vốn cho nền kinh tế và không làm đứt gãy đà tăng trưởng đang được duy trì khá tốt từ đầu năm đến nay?.

Đại biểu Hùng cho rằng cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đặc biệt bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

Cần có cơ chế điều chỉnh dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ổn định và bền vững, các dự án cần được rà soát kỹ, có tính khả thi cao; cần hết sức tránh việc cung tiền chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao, gây các hệ lụy tiềm ẩn như nợ xấu, kéo lãi suất và tỷ giá tăng cao, tạo bất ổn cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục tăng lên, các tổ chức tín dụng cần chia sẻ với khó khăn chung của nền kinh tế, chấp nhận thu hẹp biên lãi ròng bằng cách nâng cao năng lực quản trị tài chính, đẩy mạnh đầu tư công nghệ thông tin và chuyển đối số, cắt giảm các chi phí trung gian để giữ ổn định lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực ưu tiên.

Đồng thời, sớm có giải pháp tập trung triển khai có hiệu quả các gói về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Và sớm có giải pháp để phục hồi và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.