Xuất thân là cựu sinh viên Đại học Ngoại thương nhưng lại ấp ủ đam mê kinh doanh sản phẩm công nghệ, Phan Anh Vũ - nhà sáng lập và điều hành thương hiệu máy chiếu Beecube tự hào khi đã ““đá đít” được một được một đối thủ Trung Quốc cực kỳ lớn tại thị trường Việt Nam”.
Phan Anh Vũ - nhà sáng lập và điều hành thương hiệu máy chiếu Beecube.
Chia sẻ về cơ duyên để anh đặt tâm huyết cho sản phẩm này, Anh Vũ cho biết, thời đi học khi còn đang quen với bảng phấn truyền thống. Trong một lần được cô giáo cho tham dự một lớp học có máy chiếu, anh đã cảm thấy vô cùng thích thú và nảy ra suy nghĩ “Tại sao một cái máy chiếu như thế này người ta không mang về xem phim? Chỉ để trình chiếu slide thế này nó phí quá”.
Tuy nhiên, ở thời điểm đó, anh cũng nhận thức được rằng chi phí cho một chiếc máy chiếu khá đắt đỏ và chúng khá thô kệch, cồng kềnh nên chỉ được dùng chủ yếu ở các cuộc họp, hội nghị,... Anh Vũ bắt đầu tập trung tìm tòi và nghiên cứu các sản phẩm máy chiếu mini từ năm 2019, và đến năm 2021 anh quyết định cho ra đời thương hiệu Beecube, thuộc công ty Savu.
Anh Vũ cho biết, Beecube là thương hiệu Việt đầu tiên phát triển và thương mại các sản phẩm máy chiếu mini thông minh, phục vụ nhu cầu trải nghiệm nghe, nhìn trên màn ảnh rộng cho người Việt. Theo founder Anh Vũ, điểm khác biệt so với các máy chiếu truyền thống là Beecube có ngoại hình nhỏ gọn, tiện lợi, dễ mang di chuyển và có tính decor (trang trí).
Tự hào có một cộng đồng lên đến 20.000 hội viên, Anh Vũ chia sẻ: Sau 2,5 năm hoạt động, Beecube đã đạt doanh thu 7 tỷ đồng vào năm 2021. Doanh thu năm 2022 đạt 25 tỷ đồng với lợi nhuận 15%. Tính đến hết quý III năm nay, Beecube đã đạt doanh thu 27 tỷ và 12% lợi nhuận, dự kiến hết năm 2023 doanh thu sẽ là 39 tỷ. Có mặt tại Shark Tank, founder Beecube mong muốn gọi 8 tỷ cho 10% cổ phần.
Các Shark trao đổi sôi nổi về startup này.
Trực tiếp lên trải nghiệm sản phẩm của startup, Shark Bình cho rằng máy chiếu mini không phải một sản phẩm mới và rất nhiều thương hiệu trên thị trường đã làm rồi. Anh Vũ cũng thừa nhận mình đang có nhiều đối thủ cạnh tranh, nhưng USPs (lợi điểm cạnh tranh) của Beecube là phân chia line (dòng) sản phẩm rất rõ ràng với mức giá từ 2 triệu, 4 triệu, 6 triệu, 16 triệu, giá thành sẽ tương ứng với cấu hình sản phẩm.
Hiện tại, doanh thu của Beecube đang phân theo tỷ trọng 70% online (trực tuyến) và 30% offline (trực tiếp) cho 6 showroom bán lẻ trực thuộc Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng và TP.HCM. Mục tiêu năm 2024 và 2025, Beecube sẽ nâng tỷ trọng B2C (Business to Customer - Doanh nghiệp bán hàng tới người tiêu dùng) lên, đánh giá lại tỷ trọng B2B, ổn định tỷ trọng B2B, và tìm kiếm thị trường mới là global (toàn cầu).
Sau khi tìm hiểu về startup, trong khi Shark Bình đánh giá “long mạch” của Beecube là sản phẩm thân thiện với người Việt, giá thành tốt và tối ưu sử dụng thì Shark Hưng cũng dành nhiều lời khen cho startup này. Ông cho biết: “Tôi đánh giá cao firmware (phần mềm) bạn có can thiệp, tức là làm chủ firmware. Cái thứ hai nữa là hệ thống chăm sóc. Tạo được cộng đồng 20.000 người sử dụng là cũng kinh khủng đấy”.
Tuy nhiên, cho rằng đây chưa phải một sản phẩm quá nổi bật và sáng tạo, đồng thời cũng lo ngại khi mở rộng vào thị trường mass (đại chúng) nên Shark Hưng quyết định không đầu tư. “Nếu em làm lớn là bắt đầu nhiều chuyện ngay. Margin sẽ bị bóp nghẹt ngay, nhiều ông lớn khác nhảy vào. Cho nên em cứ nhỏ nhỏ, cứ chơi trong cộng đồng mấy chục ngàn người, mỗi năm bán đâu đó khoảng 2 triệu USD doanh thu đổ lại thì em sẽ sống rất ổn chứ không cần đến các Shark. Bởi vì các Shark "boom" (bùng nổ) lên cái thì câu chuyện lại thành phức tạp”, Shark nói.
Shark Hùng Anh cũng có cùng quan điểm và không tham gia vào thương vụ.
Thích thú với sản phẩm là “mặt hàng affordable, nghĩa là mình tạo ra sản phẩm có mức chi phí phù hợp nhưng chất lượng tốt”, Shark Minh Beta là người đầu tiên đưa ra đề nghị đầu tư 8 tỷ cho 25% cổ phần. Chủ tịch Beta Group ví von: “Mình thấy máy chiếu rất giống tư duy của những người làm startup. Từ một chấm nhỏ thôi có thể phóng chiếu ra cả một giấc mơ rất đẹp. Cũng giống như thế, founder cũng chỉ là một ý tưởng phóng chiếu ra được cả một doanh nghiệp, một giấc mơ của cuộc đời mình”.
Với sự khẳng định đầy tự tin của Anh Vũ là 3 - 4 năm có thể thu hồi vốn, Shark Bình cũng đưa ra đề nghị cho vay 8 tỷ với điều kiện Beecube phải chia cổ tức và sau khi thu hồi vốn thì Chủ tịch NextTech sẽ nhận lãi 20%.
Về phía Shark Tuệ Lâm, cô bày tỏ sự ngưỡng mộ với sự nỗ lực của founder trẻ tuổi, đồng thời vị “cá mập” đến từ quỹ Nextrans cũng đưa ra một offer “làm khó các Shark khác”. Đó là cô đề nghị startup quyết định tiếp tục đàm phán với các Shark khác, hoặc chỉ đàm phán với Shark Tuệ Lâm thì khi đó cô chắc chắn sẽ ra deal.
Tấm vé vàng đầu tiên đã xuất hiện ở Shark Tank mùa 6.
Ngay lúc này, Shark Minh lập tức đứng dậy tiến về phía chiếc két và rút ra tấm vé vàng Golden Ticket. Chủ tịch Beta Group cũng không quên gửi lời xin lỗi đến Shark Tuệ Lâm vì đã giành deal với cô, nhưng vì “anh quá thích” sản phẩm này. Shark Minh chia sẻ: “Mình không chỉ làm máy chiếu. Mình có thể dùng cái tư duy này, cách làm này mình làm nhiều sản phẩm khác. Và anh muốn mình sẽ dùng tinh hoa, trí tuệ Việt Nam và cách chúng ta làm thương hiệu, cách chúng ta có thể tiết chế được chi phí nhưng tạo ra một sản phẩm tốt”.
Đây cũng là Golden Ticket đầu tiên trong mùa 6 được tung ra. Với tấm vé này, Shark sẽ “thưởng nóng” cho startup mệnh giá tối thiểu là 100 triệu để “độc quyền” ra deal. Các Shark khác muốn tham gia vào thương vụ có thể tiếp tục đấu giá. Startup có quyền từ chối Golden Ticket để đàm phán thêm với các Shark khác hoặc nhận ngay tấm vé vàng và tiếp tục thương lượng với Shark ra deal.
Cuối cùng, founder Beecube quyết định nhận tấm vé vàng và đồng ý với đề nghị đầu tư 8 tỷ cho 22,5% cổ phần của Shark Minh Beta, khép lại thương vụ đầy kịch tính của máy chiếu mini thương hiệu Việt.
An An