Sáng 17/12, lãnh đạo sở Nội vụ Hà Tĩnh đã chính thức có buổi làm việc với báo chí liên quan kỳ thi tuyển dụng lại công chức, viên chức sắp được tổ chức vào cuối tháng Mười Hai này.
Bà Phan Thị Tố Hoa, Giám đốc sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết, qua rà soát tại 20 sở ngành, 13 huyện thị, sở nào cũng có ít nhất 1 người sai phạm trong tuyển dụng. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh này có 199/24.795 viên chức, 308/1968 công chức, tổng là 507 viên chức, công chức phải thi tuyển lại công chức vào đợt sắp tới. Số viên chức, công chức này được xác định có sai phạm trong tuyển dụng vào giai đoạn từ 1998 – 2017.
507 viên, công chức nói trên phải thi 2 vòng với 30 câu trắc nghiệm ngoại ngữ và tin học; 60 câu kiến thức chung và 1 bài thi viết với thời gian 120 phút.
Trước câu hỏi của PV về thời gian kỳ thi tuyển lại công chức nói trên phải được tổ chức xong trước ngày 24/12/2020 theo yêu cầu của bộ Nội vụ, trong khi mới đây vào ngày 15/12, UBND tỉnh này mới có thông báo liệu có chậm trễ, ảnh hưởng đến chất lượng ôn tập và bài thi của các thí sinh hay không, bà Hoa cho biết, nội dung câu hỏi bài thi đều là lĩnh vực chuyên môn, ứng dụng trong công tác của các viên chức, công chức nên sẽ không ảnh hưởng. Tuy nhiên, bà Hoa cũng cho hay, thực tế thời gian từ ngày 16/12 đến 22/12 là hơi gấp, sở Nội vụ sẽ xin bộ Nội vụ điều chỉnh, lùi thời gian thi nhưng vẫn phải xong trước ngày 31/12. Trường hợp bộ Nội vụ không cho phép thì tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện vì đến nay mọi công tác cho kỳ thi này đã được chuẩn bị đầy đủ.
“Theo quy chế 03, thí sinh chỉ cần đạt điểm 15/30 câu hỏi (tức 50% tổng điểm) là sẽ đỗ. Ngày 15/12, UBND tỉnh mới có văn bản nhưng những trường hợp phải thi tuyển lại họ đã biết thông tin từ lâu rồi vì chúng tôi đã rà soát bắt đầu từ tháng 9/2020 đến nay”, bà Hoa nói.
Cũng theo bà Hoa, số lượng công chức phải thi lại đều thuộc diện thu hút nhân tài của tỉnh trước đó. Bản thân họ thời điểm đó không sai mà do chính sách của tỉnh.
Theo đó, từ giai đoạn 1998 – 2017, tỉnh Hà Tĩnh ban hành chính sách đặc cách xét công chức không qua thi tuyển nhằm nâng cao, củng cố chất lượng nhân lực, thu hút nhân tài về quê hương. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, tiêu chuẩn của tỉnh đưa ra thấp hơn theo tiêu chuẩn Chính phủ. Ngoài ra, 1 số quyết định, nghị quyết về tuyển dụng cán bộ của Hà Tĩnh mang tính đặc thù không phù hợp với quy định đặt ra tại thời điểm đó.
Cụ thể, những trường hợp được đặc cách lên công chức không qua thi tuyển theo tiêu chuẩn của Hà Tĩnh chỉ cần xếp loại giỏi, trong khi tiêu chuẩn của Chính phủ phải đạt loại xuất sắc. Riêng viên chức đặc cách lên công chức theo quy định phải qua 1 kỳ thi sát hạch nhưng tỉnh lại không tổ chức thi.
Về nội dung, số lượng viên chức, công chức giai đoạn 1998 – 2017 được xác định sai phạm trong tuyển dụng phải thi lại, đồng nghĩa 19 năm qua, họ được hưởng lương, chế độ của Nhà nước theo ngạch công chức, nếu không đỗ sẽ giải quyết như thế nào? Bà Hoa cho hay, theo quy định của bộ Nội vụ thì không có hướng dẫn thu hồi, đền bù. Nếu số lượng viên chức, công chức này đỗ trong đợt thi sắp tới thì họ sẽ được giữ nguyên các quyết định bổ nhiệm. Sau khi khắc phục tuyển dụng mới tính tiếp việc xử lý sai phạm trong tuyển dụng đối với các cá nhân, tập thể liên quan nhưng thực hiện xử lý như thế thì thuộc thẩm quyền của cơ quan nào thì cơ quan đó xử lý.
“Đây là chủ trương lớn không phải chỉ riêng Hà Tĩnh mà được triển khai trên cả nước. Nếu họ không tham gia kỳ thi thì sẽ không phải là công, viên chức nữa. Trường hợp thi không đạt cũng bị hủy quyết định, không còn là công chức, viên chức đồng nghĩa mất việc làm”, bà Hoa nói.