Những chuyên gia sau song sắt
Vào những năm 1930, điều không tưởng đã xảy ra ở Liên Xô: Công việc thiết kế những vũ khí hiện đại nhất cho Hồng quân được giao cho những con người đang ngồi trong tù.
Ở thời kỳ này, có hàng trăm nhà khoa học, nhà thiết kế và kỹ sư vì nhiều lý do khác nhau mà phải ngồi sau song sắt. Nhiều trong số họ bị coi là “kẻ thù của nhân dân” và bị kết tội phản quốc, gián điệp hoặc phá hoại nhà nước Xô Viết.
Tuy nhiên các nhà khoa học bị kết án lại có quá nhiều kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn quý giá, việc trục xuất hoặc đưa họ đi lưu đày được coi là một sự phí phạm chất xám.
Chính vì vậy, Liên Xô đã cho xây dựng những “văn phòng thiết kế đặc biệt” trong nhà tù. Bên trong nhà tù cẩn mật đằng sau hàng rào dây thép gai và sự giám sát của lính canh là những nhân viên phản gián của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô (NKVD), các nhà khoa học bị kết án đã sửa sai lỗi lầm bằng cách cống hiến cho những thành tựu quốc phòng của đất nước.
Tuy nhiên, điều kiện sống ở những văn phòng này tốt hơn nhiều so với các nhà tù thông thường. Các tù nhân có khăn trải giường trắng, vòi hoa sen, thư viện, thuốc lá, bánh ngọt, bánh quy để uống trà, và dĩ nhiên, các công cụ cần thiết cho công việc.
Các nhà khoa học bị kết án cũng được miễn nhiệm vụ lao động như các tù nhân khác. Nhưng dù thế nào, nhà tù cũng không phải là khu nghỉ dưỡng, thường các nhân viên NKVD sẽ đối xử không khách khí với các nhà khoa học để họ không quên rằng bản thân vẫn là tù nhân.
Hàng chục chuyên gia giỏi nhất của đất nước đã từng làm việc tại các văn phòng thiết kế đặc biệt này, như Sergei Korolev, “cha đẻ của du hành vũ trụ Liên Xô”, người đã đưa Yuri Gagarin lên vũ trụ vào năm 1961; Vladimir Petlyakov, nhà thiết kế Pe-2, máy bay ném bom Liên Xô sản xuất nhiều nhất trong lịch sử; Nikolai Polikarpov, kỹ sư phát triển các máy bay chiến đấu chủ lực của Liên Xô, I-15bis, I-16 và I-153; và nhiều nhà thiết kế máy bay, xe tăng, hệ thống pháo và tàu ngầm khác, cũng như các nhà khoa học nghiên cứu về hóa học, kiến trúc sư, nhà toán học, kỹ sư khai thác mỏ, v.v.
Chính trong các văn phòng thiết kế đặc biệt tại nhà tù mà các máy bay ném bom chủ lực Pe-2 và Tu-2 của Liên Xô được phát triển, súng chống tăng 45 mm được nâng cấp và xe tăng lội nước T-37, pháo tự hành Su-152 và nhiều vũ khí khác ra đời.
Danh sách thành tích của họ không bị giới hạn trong lĩnh vực vũ khí. Các chuyên gia trong nhà tù cũng làm việc trong các dự án thiết kế nội thất cho các văn phòng của NKVD, các phòng hội nghị ở Điện Kremlin.
Từ tội đồ thành người hùng
Đôi khi, một máy bay chiến đấu mới cho không quân Liên Xô có thể được phát triển đồng thời bởi vài nhóm thiết kế khác nhau, nhóm bên ngoài và nhóm bên trong song sắt. Thông thường những nhóm tù tội lại đạt được nhiều thành công hơn so với các đồng nghiệp của họ ở bên ngoài.
Sau khi Thế chiến II kết thúc, các văn phòng thiết kế đặc biệt dành cho các chuyên gia Đức bắt đầu xuất hiện ở các khu vực mà Liên Xô chiếm đóng, cũng như bên trong lãnh thổ Liên Xô (phần lớn chuyên chế tạo động cơ, phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân).
Một số được tuyển dụng từ tù binh, trong khi những người khác đến làm việc một cách tự nguyện. Ở đó, họ tìm thấy điều kiện sống tốt (theo tiêu chuẩn của Liên Xô) và mức lương tốt. Tuy nhiên, quyền tự do của họ bị hạn chế khá nghiêm trọng và phải sống ở các khu chỉ định.
Một dự án thành công được phát triển trong nhà tù thường dẫn đến sự tha bổng và tấm vé tự do cho nhà khoa học và các đồng nghiệp của anh ta. Các chuyên gia khi ra tù sẽ được phục hồi hoàn toàn quyền công dân và được tìm kiếm công việc mới.
Thậm chí, một số người bị kết án đạt được thành tích cao còn nhận được một trong những giải thưởng cao quý nhất của Liên Xô - Giải thưởng Stalin, biến họ từ một kẻ tội đồ trở thành người hùng quốc gia.
Lịch sử của các văn phòng thiết kế đặc biệt trong tù kết thúc sau khi nhà lãnh đạo Stalin qua đời. Sau năm 1953, tất cả các văn phòng kiểu này đã ngừng hoạt động. Nhiều trong số đó đã được chuyển đổi thành các viện nghiên cứu khoa học thông thường vẫn còn tồn tại đến ngày nay.