Tại sao WinRAR cho bạn “dùng thử” mãi mãi?
Cứ 10 người dùng máy tính thì chắc chắn có 11 người biết đến WinRAR. Là phần mền quản lý tập tin nén phổ biến nhất trên Windows hiện nay, ngoài ra còn có phiên bản dành cho hệ điều hành di động Android.
Đây là phần mềm mà bất kỳ ai cũng tiếp xúc thường xuyên, từ người dùng phổ thông đến chuyên nghiệp, sử dụng máy tính để làm việc hay giải trí.
Có thể bạn chưa biết, WinRAR không phải là phần mềm miễn phí. Bạn chỉ có 40 ngày “dùng thử”, sau đó bạn sẽ nhận được thông báo yêu cầu mua bản quyền mỗi lần mở phần mềm. Nhưng bạn vẫn tiếp tục sử dụng đầy đủ tính năng của WinRAR nếu bỏ qua thông báo đó.
Thậm chí, do đa số các tác vụ của người dùng với WinRAR đều được tích hợp ở menu ngữ cảnh của Windows Explorer và cửa sổ thông báo trên còn không thèm hiện ra, nhiều người còn nghĩ rằng đây là một phần mềm miễn phí.
Vậy tại sao WinRar cho phép người dùng dùng thử mãi mãi mà không tốn xu nào và công ty này kiếm tiền bằng cách nào?
Vào năm 1993, Eugene Roshal - một lập trình viên người Nga đã cho ra mắt một định dạng mới tên Roshal Archieve (hay được gọi tắt là RAR) có khả tính năng nén, giải nén và khôi phục dữ liệu. Bản quyền định dạng này được đăng ký dưới tên Alex Eminent.
Chỉ sau hai năm ra mắt, phần mềm WinRAR với tính năng nén và giải nén tập tin trên hệ điều hành Window trở nên phổ biến.
Burak Canboy - CEO của WinRAR đã phát biểu tại hội thảo về Tình hình đánh cắp bản quyền vào năm 2013 rằng ngay cả khi hết thời gian dùng thử WinRAR vẫn luôn sẵn sàng cho phép người dùng tiếp tục sử dụng phần mềm. Rất nhiều người dùng lầm tưởng rằng WinRAR là một phần mềm hoàn toàn miễn phí nên khi muốn sử dụng họ truy cập vào thẳng trang web của công ty để tải về.
Điều này có nghĩa là WinRAR đã biết quá rõ về việc người dùng bỏ qua dòng cảnh báo hết hạn và vẫn tiếp tục sử dụng phần mềm của họ.
Thực tế đây là một kế hoạch kinh doanh cực kỳ thông minh của WinRAR, không chỉ giúp sản phẩm của họ chống lại việc vi phạm bản quyền, vừa giúp phần mềm này trở thành nên phổ biến có mặt trong hầu hết mọi máy tính.
WinRAR kiếm lợi nhuận như thế nào?
Winrar biết rằng hơn 90% người dùng của mình là những khách hàng thích sự miễn phí. Và họ sẵn sàng “chiều lòng thượng đế” của mình bởi thực tế doanh thu từ những khách hàng này vừa khó kiếm vừa ít.
Trong khi đa số người dùng bình dân không quan tâm đến các vấn đề pháp lý, nhưng các doanh nghiệp thì khác. Những công ty muốn giữ gìn danh tiếng của mình sẽ mua bản quyền của những phần mềm mà nhân viên của công ty đó sử dụng, trong đó có WinRAR, từ đó đem lại nguồn thu cho phần mềm “miễn phí” này.
Vì tại đây các quy định của luật pháp phải được tuân thủ một cách nghiêm ngặt, thì bản quyền dành cho WinRAR là một thứ rất cần thiết. Đó cũng là nguồn thu chính của WinRAR, đây là phần mềm phổ biến mọi máy tính đều phải có. Không khó để thấy nguồn thu khổng lồ của WinRAR khi nhân lên hàng chục, hàng trăm, hay thậm chí hàng ngàn máy tính trong một công ty.
Đồng thời, những người dùng bình thường vẫn sẽ đem lại lợi ích cho WinRAR. Đó là giữ cho phần mềm luôn được sử dụng, số lượt tải về luôn cao, các bài đánh giá luôn được đưa ra và quan trọng nhất là giữ cho cái tên WinRAR không đi vào “dĩ vãng”. Có thể nói, đây là một nước đi khá thông minh đến từ phần mềm “dùng thử” WinRAR.
Với mục tiêu đưa phần mềm WinRAR trở thành tên tuổi đại diện cho việc nén và giải nén dữ liệu, WinRAR đã tung ra một phiên bản hoàn toàn miễn phí tại Trung Quốc, quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền cao nhất thế giới vào năm 2015 và 2019.
Không những thế, WinRAR còn cho ra hẳn một ứng dụng hoàn toàn miễn phí dành riêng cho Android, nhưng có chèn quảng cáo vào trong giao diện.
Thế mới biết, trên đời này chả có cái gì miễn phí cả, bởi nếu sản phẩm miễn phí thì người dùng mới chính là sản phẩm.
Thế Hiệp (Tổng Hợp)