“Háo hức và hụt hẫng”
Chiều 25/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) chia sẻ cảm xúc của mình: “Khi bắt đầu đọc cái tên về dự án luật sửa đổi Luật Thống kê tôi rất háo hức nhưng đọc xong thì hụt hẫng”.
Chia sẻ về lý do háo hức, đại biểu Cường cho hay, số liệu thống kê là số liệu vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay lại càng quan trọng hơn đối với tất cả các quyết sách phải kịp thời, cũng như các quyết định của các nhà kinh doanh.
Trong phòng, chống dịch vừa qua, chúng ta nhìn thấy rất rõ. Chúng ta không thể nào dùng những số liệu thống kê báo cáo trước đó một quý để đưa ra các quy định mà phải là những con số nóng, kịp thời, từng ngày từng giờ.
Trong kinh doanh cũng vậy, những bộ phận về quản trị khách hàng, chỉ cần nắm được thông tin của khách hàng, tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ Email, những thông tin đơn giản nhưng có thể bán những thông tin đấy cho những người làm tiếp thị, những người tiếp thị lại có thể khai thác rất nhiều tiền từ việc giới thiệu sản phẩm.
Như vậy, theo đại biểu Cường số liệu thống kê hiện nay không còn là những con số khô khan mà thực sự số liệu thống kê nó đang trở thành một cái nguồn lực, nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và đó là tiền, càng sử dụng càng sở hữu nhiều số liệu thống kê thì càng nhiều tiền. "Tôi cho rằng cơ quan thống kê phải là cơ quan giàu nhất, kiếm được nhiều tiền nhất", đại biểu Cường nói.
Đại biểu Cường kỳ vọng Luật sửa đổi Luật thống kê lần này sẽ phải luật hóa việc kê khai, cung cấp những thông tin thống kê bằng công nghệ số, từ đó hình thành nên kho dữ liệu quốc gia về tất cả những thông tin kinh tế -xã hội.
“Nếu chúng ta làm được việc đó thì đây chính là tiền đề của việc chuyển đổi số quốc gia và là điều kiện tiên quyết để phát triển nền kinh tế số”, đại biểu Cường nói.
Đại biểu Cường cho biết, nếu chuyển từ phương thức thống kê theo kiểu truyền thống trước đây sang phương thức thực hiện công nghệ số thì bất kể biến động hay thay đổi nào trên thực tế của kinh tế xã hội, ngay lập tức sẽ được cập nhật vào trong hệ thống thông tin quốc gia, hình thành nên các bộ dữ liệu số quốc gia.
“Khi đó, hầu hết các cuộc điều tra thống kê theo truyền thống từ trước đến nay mất rất nhiều công sức, tốn nhiều giấy mực, nhiều đầu tư thì có lẽ không cần thiết nữa”, đại biểu Cường nói.
Kho tài nguyên số như "mỏ vàng lộ thiên"
Với kho dữ liệu số như thế, bất kỳ một thời điểm nào, cơ quan thống kê cũng có thể chiết xuất được các chỉ tiêu thống kê mà các cơ quan nhà nước cần yêu cầu, thậm chí bất kể một cơ quan, một doanh nghiệp nào yêu cầu thì cơ quan thống kê cũng có thể cung cấp được ngay, chứ không phải chỉ giới hạn 222 chỉ tiêu thống kê mà như trong dự thảo này nêu lên. Chính vì giới hạn này, Bộ ngành nào cũng băn khoăn là tại sao ngành mình, bộ mình lại không có các chỉ tiêu thống kê đưa vào đây. Nếu chúng ta làm được thế thì nghĩa là cơ quan thống kê đang nắm giữ một kho tài nguyên số.
“Tôi ví kho dữ liệu tài nguyên số này nó như là “mỏ vàng lộ thiên”, bởi không cần phải gia công đào bới, chỉ cần kích chuột thì ngay lập tức các biểu mẫu thống kê, số liệu thống kê nó sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dùng và chuyển thành tiền. Khi đó, những người làm cán bộ thống kê sẽ là người đang có phần thu nhập nhiều nhất chứ không phải là cán bộ thống kê làm việc rất cặm cụi nhưng hưởng đồng lương rất thanh khiết, mà rất nhiều người nhìn nhận chia sẻ ái ngại như hiện nay”, đại biểu Cường bày tỏ.
Tuy nhiên, vị đại biểu này cũng bày tỏ sự hụt hẫng, khi chúng ta vẫn cứ thực hiện phương thức để thu thập thống kê như trước đây, chỉ tập trung vào thay đổi các chỉ tiêu thống kê nâng từ 186 chỉ tiêu đến 222 chỉ tiêu thống kê quốc gia.
“Việc nâng thêm các chỉ tiêu quả thật là sự dũng cảm của ngành thống kê. Bởi lẽ, chỉ cần thêm một chỉ tiêu thì việc tiêu tốn cho việc đó mất hàng nhiều tỷ đồng và công sức của cán bộ thống kê sẽ phải bỏ rất nhiều, nếu như chúng ta thực hiện các cách thống kê như từ trước đến nay. Vì vậy, nếu cứ thực hiện việc duy trì phương thức thống kê như cũ, chỉ thay đổi đầu ra chỉ tiêu thì với đòi hỏi của các bộ, ngành cơ quan thống kê sẽ không thể nào thực hiện được. Đến khi đó, cán bộ thống kê vẫn cứ cần mẫn phải làm việc cặm cụi”, đại biểu Cường chỉ ra sự hụt hẫng của mình.
Vì vậy, đại biểu mong rằng, thay đổi Luật thống kê thì phải sửa đổi ngay từ khâu phương thức thu thập các thông tin thống kê, sử dụng công nghệ số hóa để từ đó hình thành lên các kho dữ liệu thống kê.
“Nếu làm được như thế, đây chính là công việc khởi đầu của việc chuyển đổi số quốc gia”, đại biểu Cường nhắc lại.
Vị đại biểu này cũng bày tỏ, ngành thống kê mà không đi đầu trong chuyển đổi số thì không thể nào các lĩnh vực khác, các ngành khác chuyển đổi số được. Ngành thống kê không chuyển đổi số, không có được các khu kho dữ liệu tự động này thì chúng ta không thể nào có được cơ sở tiên quyết trong việc phát triển một nền kinh tế số như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.
Đề xuất bổ sung nhiều chỉ tiêu, quy định
Từ điểm cầu Bình Định, đại biểu Nguyễn Thu Thủy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần tiếp tục rà soát nhằm xây dựng hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê bao quát trên mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia đối với cả nước, đối với các vùng. Theo đại biểu, vấn đề này, Quốc hội cũng đã quy định trong Luật Quy hoạch, có quy hoạch phát triển vùng, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trong đó, cấp quy định thống nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà cụ thể là Tổng cục Thống kê là cơ quan duy nhất có thẩm quyền thực hiện và công bố kết quả thống kê đối với các chỉ tiêu thống kê quốc gia của vùng và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
“Để đảm bảo tính khách quan, thống nhất, chính xác, chính quyền các cấp xây dựng hệ thống về mục tiêu cũng như chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và trong triển khai thực hiện các mục tiêu chỉ tiêu này. Bên cạnh đó, các cơ quan thống kê cũng sẽ kiểm định và công bố, đánh giá kết quả cụ thể thực hiện các mục tiêu này qua hệ thống chỉ tiêu thống kê.,..”, đại biểu Nguyễn Thu Thủy cho biết.
Đại biểu Thủy cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với việc bổ sung quy định về việc định kỳ 5 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ trình Quốc hội. Đồng thời, kiến nghị cần quy định thống nhất thời điểm công bố số liệu thống kê hàng năm đối với quốc gia, vùng và các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, đề nghị cần nghiên cứu kỹ thời điểm cần công bố số liệu thống kê, giảm thời gian còn lại trong năm phải ước tính trong số liệu thống kê để đảm bảo số liệu thống kê được xác thực, chính xác nhất.
Từ điểm cầu Bắc Ninh, đại biểu Nguyễn Như So cho hay, trải qua đợt dịch Covid-19 vừa qua càng khẳng định vai trò quan trọng của thống kê trong định hướng chống dịch và trong công tác hỗ trợ sau dịch tại các địa phương. Bên cạnh đó, giai đoạn 2016 đến nay, chúng ta ban hành nhiều Nghị quyết, văn bản quy định với nhiều chủ trương, chính sách nhưng Luật Thống kê hiện hành chưa thể chế hóa được. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê là hoàn toàn phù hợp với giai đoạn mới.
Để dự thảo Luật hoàn thiện, nhanh chóng được áp dụng trên thực tế, đại biểu Nguyễn Như So đề xuất, tại nhóm chỉ tiêu về lao động, việc làm, bình đẳng giới, đề nghị cần rà soát để đảm bảo thống kê các chỉ tiêu quốc gia có tính bao quát, toàn diện hơn.
Dự thảo Luật đưa ra 4 chỉ tiêu về bình đẳng giới gồm: Tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy, tỉ lệ nữ đại biểu quốc hội, tỉ lệ nữ đại biểu hội dồng nhân dân, tỉ lệ cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tuy nhiên, theo đại biểu 4 chỉ tiêu này mới chỉ phản ánh bình đẳng giới ở vấn đề chính trị chưa có chỉ tiêu bình đẳng giới liên quan đến các lĩnh vực thiết thực của cuộc sống như giáo dục, y tế,…
Vì vậy, đề nghị bổ sung, cập nhật chỉ tiêu đầy đủ phù hợp với chỉ tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2021 -2030, đồng thời hài hòa với thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã ký kết liên quan đến bình đẳng giới.
Đối với chỉ tiêu dân số bị bạo lực (nhóm 19 trật tự an toàn xã hội và tư pháp), đại biểu Như So cho rằng cần phải rà soát, có đánh giá tính hiệu quả, chính xác của phương pháp thống kê này ngay từ khi đưa ra khái niệm bạo lực.
“Cần nghiên cứu quy định lại khái niệm thế nào là bạo lực để khi triển khai trên thực tế không lúng túng, không chồng chéo với các luật hiện hành như Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống bạo lực và gia đình”, đại biểu Như So đề xuất.
Tiếp thu giải trình ý kiến của các ĐBQH, trong đó có ý kiến của đại biểu Cường về tăng cường công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đã ý thức được và cố gắng ở mức độ cao nhất sử dụng triệt để công nghệ thông tin để đảm bảo thời gian rút ngắn, chính xác, chi phí thấp.
“Đến nay, chúng tôi đã không còn dùng giấy như mọi khi nữa mà đã cải tiến. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng ở mức độ cao nhất nâng cao chất lượng hiệu quả của Luật thống kê”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.