Nếu xét “Tết” như một danh từ, ta sẽ có hàng loạt động từ đi kèm với nó để chỉ những hoạt động mà người ta thường/ luôn thực hiện vào dịp Tết (nguyên đán, theo lịch mặt trăng), trong những ngày Tết, như: đón Tết, nghỉ Tết, thưởng Tết, hưởng Tết, vui Tết, chơi Tết, sắm Tết v.v... Nhưng được sử dụng lặp đi lặp lại nhiều nhất, nghĩa là phổ biến nhất, với người Việt Nam, phải là từ “ăn”, tức “ăn Tết”. Tại sao lại là “ăn”? Tôi cứ nghĩ mãi về điều này.
Tôi không phải một nhà từ điển học hoặc một nhà từ nguyên học lịch sử tiếng Việt để khẳng định từ “ăn” có bao nhiêu nghĩa phái sinh, hoặc có thể được dùng với những nét nội dung ngữ nghĩa mang cảm xúc khác nhau như thế nào. Nhưng chắc chắn nghĩa gốc của từ “ăn” trong tiếng Việt cũng giống từ “thực” trong Hán Việt hay từ “to eat” trong tiếng Anh, dùng để chỉ hành động “ăn” của con người hoặc động vật: ăn lương thực hoặc thực phẩm, biến nó thành máu huyết, thành dưỡng chất để nuôi sống thân thể.
Các nghĩa phái sinh của từ “ăn”, như trong câu “con tàu cập cảng ăn hàng”, hay “Chúng tôi ăn rừng” – nhan đề một cuốn sách của nhà dân tộc học người Pháp Georges Codominas – có lẽ cũng từ cái nghĩa gốc “ăn” kia mà ra: con tàu được người ta bốc hàng hóa đưa vào bụng/ khoang hầm của nó; và người Thượng ở Tây Nguyên vào rừng khai thác sản vật của rừng, xét cho cùng, rồi cũng chỉ để biến chúng thành thức ăn nuôi miệng.
Nhưng “ăn Tết”, theo ý tôi, thì không phải nghĩa phái sinh nào hết. Mà “ăn” là ăn, “ăn” theo nghĩa đen, nghĩa tường minh của từ. Nó phản ánh, theo cách nào đó, sự rơi rớt một phần của cái tâm thức dân tộc trong suốt trường kỳ lịch sử chưa xa: đất nước nông nghiệp lạc hậu, lại chiến tranh liên miên, nhân dân chủ yếu là nghèo đói, thiếu thốn, cái ăn không đủ, cho nên thèm ăn, trước hết là được ăn cho no bụng, sau đấy mới là ăn ngon, “ăn một cách nghệ thuật” (chữ của cụ Nguyễn Tuân).
Mà dịp Tết nguyên đán – cái nhịp mạnh, cái thời đoạn tưng bừng sức sống hội lễ nhất của thời gian một năm – chính là dịp, ngoài những ý nghĩa thiêng của nó, cho phép người dân “có cớ” được ăn, ăn cho no, ăn cho ngon, ăn đến thích khẩu.
Tôi nói điều này là căn cứ vào những thống kê về lượng thực phẩm tiêu thụ và khẩu phần ăn hàng ngày của người dân Việt Nam mà các học giả đầy uy tín như Nguyễn Văn Huyên (Các lễ tết cổ truyền của người Việt), Pierre Gourou (Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ), Pierre Brocheux và Daniel Hemery (Đông Dương, một nền thuộc địa nhập nhằng) từng nêu trong các công trình của họ.
Theo những thống kê ấy thì dân ta cơ bản là thiếu lương thực, thực phẩm, đặc biệt là thiếu thịt đến mức thê thảm. Cho nên Tết là để ăn, là “ăn Tết”, nhất là ăn thịt. Bò, dê, lợn, gà gì cũng là thịt. Giò, chả, nem, mọc gì cũng là thịt.
Cái bánh chưng, ngoài ý nghĩa tượng trưng cho trời tròn đất vuông, cũng chẳng qua là cách chế biến gạo và thịt sao cho ngon miệng và có thể để lâu được mà thôi (ngày xưa, ở nhiều nơi, người ta bảo quản bánh chưng sau Tết bằng cách bọc bánh cho thật kín rồi ngâm xuống giếng sâu).
Mà không chỉ ở thời phong kiến thối nát hay thời thực dân đế quốc chuyên thói bóc lột tàn bạo mới thế, mà thời bao cấp kéo dài suốt mấy chục năm cũng chẳng khác thế là bao.
Rất nhiều hồi ức của rất nhiều người đã nói về cái đói và nỗi ám ảnh được ăn no ở thời này. Tôi thì nhớ đến hai chương đầu trong cuốn tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” của nhà văn lão thành Ma Văn Kháng, tả cảnh chuẩn bị đón Tết ở một gia đình Hà Nội gốc vào “đêm trước Đổi mới”.
Ma Văn Kháng không nói về cái nghèo cái thiếu, mà ông mô tả, rất sống động, sự tất bật hồ hởi của người phụ nữ đảm đang trong nhà khi chị bày ra trên nền nhà, trước mắt bố chồng, cơ man nào là thịt, cá, gạo, măng, miến, rau, củ... chói lòa màu sắc và vô cùng hấp dẫn.
Tất cả có được là do sự tháo vát, kỹ tính, và cả thói khôn lỏi giành giật của chị. Và tất cả cũng chỉ để phục vụ cho một việc thôi: ăn, “ăn Tết”, cho no và cho ngon. Cũng là một kiểu bị ám ảnh bởi sự ăn.
Đến bây giờ, rõ ràng là đời sống và sinh hoạt vật chất của xã hội ta đã khá lên rất nhiều, ít người còn phải lo việc đói, no của cái sự ăn như trước nữa. Nhưng người Việt Nam chúng ta vẫn... “ăn Tết”. Một phần, đó là do quán tính dụng ngữ.
Nhưng phần khác, có lẽ, do bây giờ cái việc ăn trong ngày Tết nó đã ám ảnh con người theo kiểu khác. Không còn là ăn no nữa, mà là ăn ngon, ăn sang, ăn lạ, ăn độc, ăn để thể hiện đẳng cấp cá nhân, ăn khiến cho thiên hạ phải trầm trồ... Nhưng đây lại là một câu chuyện khác rồi.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả