Tăng học phí đại học: Liệu có tăng chất lượng đào tạo?

Tăng học phí đại học: Liệu có tăng chất lượng đào tạo?

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 4, 17/05/2023 10:25

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, việc tăng học phí phải đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Sau 2 năm không tăng học phí, mùa tuyển sinh đại học năm nay, nhiều trường đại học thông báo sẽ tăng học phí trong năm học mới 2023-2024

Chia sẻ gánh nặng giữa đôi bên

Trao đổi với Người Đưa Tin, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV bày tỏ Nghị định 81 đã được ban hành 2 năm.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vì vậy thời điểm áp dụng mức tăng học phí đã được lùi lại đến năm học 2023 - 2024 thay vì năm học 2022 - 2023 như quy định. Điều này thể hiện sự chia sẻ khó khăn hết sức ý nghĩa của Nhà nước, Chính phủ và của ngành giáo dục với người dân.

“Nghị định 81 đã quy định rất rõ ràng mức tăng học phí hàng năm tương đối hợp lý. Mức tăng phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế mỗi năm ở điều kiện bình thường (mức trần không quá 15%/năm). Nếu chúng ta không tăng học phí thì gây khó cho hệ thống”, bà Nga bày tỏ.

Lý giải cái khó nếu không tăng học phí, nữ đại biểu cho rằng trong lúc ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, số ngân sách chi cho giáo dục chưa được đảm bảo ở một tỉ lệ tối ưu khiến các cơ sở giáo dục (nhất là bậc đại học) luôn gặp khó khăn trong việc vừa phải nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, vừa đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng ngày một cao hơn cho xã hội.

Giáo dục - Tăng học phí đại học: Liệu có tăng chất lượng đào tạo?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, nếu tăng theo đúng khung học phí quy định tại Nghị định 81 từ năm học 2023 - 2024 lại tạo áp lực khá lớn cho người học.

Bà Nga nói: “Bởi lẽ khi xây dựng nghị định, giả định về bài toán tăng học phí được đặt ra trong điều kiện bình thường. Trong khi đó, dịch bệnh cộng với khủng hoảng kinh tế thế giới khiến cho đời sống của nhân dân đều bị ảnh hưởng.

Chính bởi vậy, khi tăng học phí, các cơ sở đào tạo, các địa phương cần có những tính toán cụ thể, với mức tăng hợp lý để tiếp tục chia sẻ gánh nặng kinh tế với người dân và ngược lại người học cũng chia sẻ khó khăn với các cơ sở đào tạo”.

Bên cạnh việc tăng học phí, bà Nga cho rằng cũng cần nghiên cứu ban hành thêm những chính sách cải thiện học bổng và tín dụng cho sinh viên. Đặc biệt, việc tăng học phí phải đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Lựa chọn trường phù hợp khả năng tài chính

Vấn đề học phí cũng sẽ là những băn khoăn cho sinh viên khi chọn trường. Trao đổi với Người Đưa Tin, TS Lê Anh Đức - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra những yếu tố cân nhắc cho thí sinh: “Đối với Đại học Kinh tế Quốc dân có 3 nhóm chương trình đào tạo và học phí của từng nhóm là khác nhau nên các em cần cân nhắc kỹ lựa chọn phù hợp với tài chính của gia đình”.

Giáo dục - Tăng học phí đại học: Liệu có tăng chất lượng đào tạo? (Hình 2).

TS Lê Anh Đức cho rằng yếu tố tài chính cần được quan tâm khi chọn trường.

Tuy nhiên, ông Đức cũng cho rằng yếu tố tài chính chỉ là một trong những điều kiện phải quan tâm. Việc học trường nào, ngành nào sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều đến công việc sau này của các em, vì vậy cũng cần phải cân nhắc đến năng lực bản thân, sự yêu thích của thí sinh với ngành thông qua tìm hiểu kỹ về chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của từng ngành.

“Ngoài ra, với sự phát triển như hiện nay, các em cũng phải nắm được yêu cầu về ngôn ngữ học tập và giảng dạy của từng ngành. Với trường chúng tôi có 37 ngành học bằng tiếng Việt, nhưng yêu cầu chuẩn đầu ra IELTS 5.5. Nhưng có chương trình học một số môn bằng tiếng Anh và có ngành học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Vì vậy yếu tố ngôn ngữ cũng cần phải được tính đến”, ông Đức bày tỏ.

Thông tin được đưa ra tại cuộc họp của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chiều 10/5. Phó Thủ tướng đồng ý phương án cho các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng học phí theo lộ trình Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ.

Theo đó, từ năm tới, mức trần học phí đối với các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (chưa tự chủ) là 1,41-2,76 triệu đồng một tháng, tuỳ từng khối ngành. Mức thu cũ là 980.000 đồng đến 1,43 triệu đồng.

Những trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên được thu mức tối đa bằng hai lần mức trên (2,8-5,5 triệu đồng). Những trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được thu cao nhất gấp 2,5 lần (3,5-6,9 triệu đồng).

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.