Một trong những nhà sản xuất cá ngừ đóng hộp lớn nhất thế giới, Thai Union Group PCL, đã thành lập một trung tâm đổi mới sáng tạo với hơn 100 nhà khoa học và kỹ sư làm việc để phát triển vô số các dạng thịt và hải sản nhân tạo khác nhau.
Tập đoàn này cũng đang hợp tác với một số công ty thông qua một quỹ đầu tư mạo hiểm để sản xuất hải sản nuôi trong phòng thí nghiệm (lab-grown seafood).
“Trong những năm qua, Thai Union đã đầu tư đáng kể để trở thành công ty đi đầu trong đổi mới sáng tạo và sản xuất bền vững trong lĩnh vực hải sản”, CEO Thai Union, Thiraphong Chansiri, cho biết. “Trong thập kỷ này, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác với các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực chiến lược thú vị. Điều này sẽ giúp bổ sung cho các hoạt động của chúng tôi khi mở rộng hoạt động kinh doanh sang các lĩnh vực khác”.
Ngành công nghiệp thực phẩm thay thế hải sản dự kiến sẽ đạt trị giá 1,3 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu trong 10 năm tới, tăng từ mức 30 triệu USD hiện tại lên 50 triệu USD, theo Maarten Geraets, Giám đốc điều hành Bộ phận Alternative Proteins tại Thai Union.
Các sản phẩm hải sản nhân tạo ra đời muộn hơn các sản phẩm thực phẩm thay thế thịt khoảng 8 năm, Geraets cho biết. Điều đó mang lại “cơ hội lớn” cho Thai Union vì tập đoàn này có trụ sở tại châu Á và hiện đang là nhà chế biến hải sản hàng đầu.
Doanh số bán các sản phẩm hải sản có nguồn gốc thực vật của công ty tại Mỹ đã tăng 23% lên 12 triệu USD vào năm 2020, so với thị trường hải sản truyền thống trị giá hàng chục tỷ USD, theo Good Food Institute, một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy phát triển các loại protein bền vững hơn.
“Ý tưởng của chúng tôi là đầu tư vào công nghệ sâu (deep tech) – công nghệ cho tương lai”, Geraets cho biết. "Tạo ra các sản phẩm thực phẩm dựa trên tế bào có thể là một bước tiếp theo rất hợp lý đối với chúng tôi".
Nhiều công ty khởi nghiệp mà Thai Union đang hỗ trợ thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm rất quan tâm đến thị trường châu Á, đặc biệt là Singapore, quốc gia tiên phong trong sản xuất bánh mì kẹp thịt nuôi trong phòng thí nghiệm (lab-grown burger meat), và công ty đang tìm cách tận dụng thế mạnh hiện có của mình trong khu vực.
Thai Union – Tập đoàn sở hữu các thương hiệu quốc tế như Chicken of the Sea, John West, Petit Navire, Parmentier, Mareblu, King Oscar, and Rügen Fisch – bắt đầu kinh doanh ngành hàng hải sản và thịt có nguồn gốc từ thực vật vào tháng 3/2021, tham gia cuộc đua cùng các công ty đối thủ lâu đời hơn như Tyson Foods Inc. (Mỹ) và Nestle SA (Thụy Sĩ) trong lĩnh vực hải sản nhân tạo.
Dòng sản phẩm OMG Meat của Thai Union bao gồm các món như chả cá, hamburger nhân hải sản, bánh bao thịt cua và dimsum. Công ty chủ yếu sử dụng protein đậu nành và đậu Hà Lan làm nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm này, và đang tìm kiếm các nguồn cung địa phương cho các loại nguyên liệu như đậu xanh, đậu lăng và đậu gà.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Thai Union website)