Hội thảo này là một sự kiện trong chuỗi hội thảo khoa học liên ngành thường niên mang tên Diderot (Diderot Advanced Academic Seminars) do Viện Quốc tế Pháp ngữ khởi xướng và được Đại học Quốc gia Hà Nội bảo trợ.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục là gì ?
Bà Nguyễn Thị Mỹ Lộc, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN, đã đưa ra khái niệm về vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục: “Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo (GDĐT), chuyển đổi số sẽ hỗ trợ đổi mới GDĐT theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời.
Chuyển đổi số trong GDĐT tập trung vào 2 nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học”.
Ở đây, chuyên gia nhấn mạnh cách hiểu chuyển đổi số trong GDĐT cần mở rộng hơn về cách nhìn, không chỉ dừng lại với việc học và dạy online. Quan trọng hơn là vấn đề quản lý giáo dục cũng cần phải chuyển đổi số.
Tại sao các trường đại học phải chuyển đổi số ?
GS.Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đã chia sẽ những động lực chủ yếu của quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học.
Chuyên gia cho rằng dịch Covid-19 đã làm quá trình chuyển đổi số trong 2 năm nhanh chóng hơn cả 10 năm. Nó tạo động lực bên trong cho những người làm giáo dục. Tuy nhiên, ông Vinh cũng nhấn mạnh đây là cơ hội chuyển đổi số cho ngành giáo dục nhưng cần phải tiếp tục tiếp diễn quá trình này và phát triển nó về mặt lâu dài. Các trường cần xây dựng các mục tiêu và thực hiện những mục tiêu ưu tiên
Về nguyên nhân tại sao phải chuyển đổi số, ông Vinh cho biết: “Hiện nay, tính cạnh tranh giữa các trường đại học cả trong nước và ngoài nước rất lớn, nếu các trường không thay đổi, phát triển theo xu thế nó sẽ làm các trường không có năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, việc chuyển đổi số làm tối ưu hóa nguồn lực về tài chính và con người, giúp cả người dạy và người học phát triển hết khả năng của mình nhưng lại không mất quá nhiều chi phí cho việc dạy và học”.
Một động lực chuyển đổi số tiếp theo mà ông Vinh chia sẻ đó là không thể phủ nhận học bằng các hình thức chuyển đổi số, đặc biệt ở bậc đại học tạo trải nghiệm mới cho người học, tăng tính hấp dẫn, cách thức tiếp cận kiến thức, tạo sự chủ động trong nghiên cứu.
Động lực cuối cùng mà hiện nay ở Việt Nam còn thiếu, đó là văn hóa đưa ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu. Giáo sư cho biết: “Việc đánh giá chất lượng bài giảng, phản hồi của sinh viên, nhu cầu lao động, nhu cầu thị trường lao động, là những dữ liệu cần thiết cần được số hóa thành hệ thống, các nhà lãnh đạo cần dựa vào những số liệu này để đưa ra những quyết định phù hợp”.
GS.Lê Anh Vinh cũng đưa ra những giải pháp cho các trường đại học để từng bước chuyển đổi số, theo chuyên gia: “Ở cấp độ 1, cần số hóa tài liệu giảng dạy, sách tham khảo giáo trình. Điều này hầu hết các trường đại học đã thực hiện được. Cấp độ 2, tự động hóa các quy trình quản lý, đào tạo. Ở cấp độ 3, chuyển đổi số đồng bộ, cần kích hoạt hệ thống quản lý số, số hóa hệ thống nghiên cứu, giảng dạy, quản lý”.
GS.Lê Anh Vinh cũng bày tỏ: “Cản trở lớn nhất đối với chuyển đổi số giáo dục là chúng ta có sẵn sàng đón nhận sự thay đổi hay không. Các thầy cô và học sinh cần chấp nhận sự thay đổi, loại bỏ những cái lạc hậu, học tập những cái mới”. Ở đây, chuyên gia còn nhấn mạnh thêm trong giai đoạn hiện nay, không còn việc trò đợi thầy, mà chính học sinh là người chủ động thay đổi, tiếp cận với những công nghệ mới.
Giải pháp đảm bảo chất lượng giáo dục chuyển đổi số
Phó Giáo sư Ngô Minh Thủy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục - CLEF khẳng định tính tất yếu của chuyển đổi trong giáo dục, nhưng nhấn mạnh yêu cầu phải có những chính sách phù hợp để đảm bảo chất lượng giáo dục và sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Vị chuyên gia cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục trong quá trình chuyển đổi số.
Chuyên gia Nguyễn Minh Thủy chia sẻ cần: “Thực hiện lộ trình chuyển đổi số một cách đồng bộ trong giáo dục, đặc biệt về công tác quản trị, quản lý dữ liệu liên quan đến ngành giáo dục (học liệu, dữ liệu giáo viên, dữ liệu người học,…). Xây dựng chính sách, kế hoạch đồng bộ về hoạt động dạy-học trực tuyến”.
Chuyên gia cho rằng cần xây dựng hệ thống các chính sách như: “Chính sách đảm bảo về thiết bị học cho học sinh học online, chính sách quản lý và hỗ trợ các hoạt động giáo dục trực tuyến một cách phù hợp. Có chính sách phù hợp về số hóa học liệu, quản lý và bảo vệ học liệu online; có chế tài nghiêm khắc đối với việc vi phạm bản quyền”.
Đặc biệt, về vấn đề dạy và học cần có quy trình, hướng dẫn rõ ràng về việc học trực tuyến sao cho đảm bảo duy trì được sự tương tác giữa người dạy và người học. Giáo viên cần được tập huấn về kỹ năng, phương pháp dạy học online, không chỉ về mặt chuyên môn, mà còn là kỹ năng quản lý lớp học.
Trong buổi thảo luận, các chuyên gia đã đặt vấn đề tại sao không phổ biến những chương trình học bằng hình thức trực tuyến, công nhận những chứng chỉ được cấp từ những chương trình này.
Trả lời cho câu hỏi trên, nhiều chuyên gia cho rằng thực tế hiên nay các chương trình đào tạo bằng hình thức trực tuyến chưa thật sự đảm bảo chất lượng như đào tạo trực tiếp. Cần có sự chủ động, nỗ lực từ phía người học mới có thể có chất lượng tốt nhất.
Hồng Bích