Tôm là loại hải sản được nhiều người yêu thích vì hương vị thơm ngon lại bổ dưỡng. Tôm rất giàu đạm, canxi, photpho, acid béo và các chất khoáng cần thiết cho cơ thể...
Ăn tôm thường xuyên sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và củng cố hệ xương khớp... Vì vậy để bổ sung tôm vào bữa cơm gia đình nhiều người có thói quen mua số lượng lớn rồi bảo quản trong ngăn đá ăn dần.
Tuy nhiên đa số thường cho tôm vào túi nilon rồi để trực tiếp vào tủ lạnh. Cách này có thể khiến tôm kém tươi ngon, mất đi vị ngọt tự nhiên sau khi rã đông.
Ngoài ra, khi đông lạnh tôm như vậy nếu không bọc kỹ sẽ khiến tủ lạnh ám mùi tanh, khó chịu, gây ảnh hưởng tới các thực phẩm khác.
Thực tế có 1 mẹo bảo quản tôm vô cùng đơn giản, dễ làm, giúp tôm tươi nguyên, không lo bị mùi. Cách làm cụ thể như sau:
Chuẩn bị:
-Tôm tươi
- Vỏ chai nước khoáng sạch
Cách làm:
-Tôm mua về rửa sạch, để riêng.
-Xếp từng con tôm vào chai nhựa. Mỗi chai chỉ nên cho số lượng tôm vừa đủ, không nên xếp quá dày. Đổ nước vào đầy các chai rồi đậy nắp lại cho vào ngăn đá tủ lạnh. Phương pháp này giúp cách ly tôm khỏi không khí nên tôm sẽ không có mùi tanh, không dễ nhiễm vi khuẩn và giữ được giá trị dinh dưỡng vốn có.
Khi cần chế biến hãy lấy ra một chai trước khi ăn, tháo nắp chai, cho vào nước lạnh. Dùng dao hoặc kéo để cắt chai và lấy tôm ra là xong.
Ngoài ra để tôm bảo quản được lâu thì ngay từ đầu bạn nên chọn những con tôm thật tươi, đảm bảo chất lượng. Sau đây là bí quyết chọn tôm tươi ngon bạn có thể tham khảo:
-Quan sát vỏ tôm: Bạn nên chọn những con tôm có vỏ ngoài bóng, trơn, sống giữa thân tôm sáng trong, còn hơi mùi của nước biển chứ không phải mùi tanh nồng. Không mua những loại tôm có mảng màu tối hay có màu sắc không đồng nhất.
-Tôm không chảy nhớt: Nếu nhấc lên mà thấy tôm có hiện tượng chảy nhớt, thân hình đã uốn cong thành hình tròn không còn thẳng như bình thường, nhấn ngón tay nhẹ và di chuyển trên vỏ tôm thấy cộm như có sạn trong vỏ hoặc tôm đã chảy nhớt thì không nên mua.
-Quan sát chân tôm, đầu tôm, đuôi tôm
Tôm tươi thường có phần đuôi xếp khít với nhau. Nếu đuôi tôm bị xòe thì có thể tôm đã bị bơm hóa chất hoặc tiêm nước.
Tôm tươi ngon sẽ có phần thân hơi cong, căng thịt nhưng không mập mạp bất thường, các khớp vỏ trên thân tôm linh hoạt nhưng không bị rời rạc, đầu tôm và thân tôm dính chặt với nhau.
Tôm tươi thường có phần chân bám chặt vào thân. Nếu thấy chân tôm không còn bám chặt vào phần thân hoặc chân tôm đã chuyển sang màu đen thì bạn không nên mua nữa vì tôm khi này không còn tươi.
Minh Hoa (t/h)