Thông tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào hồi 13h ngày 21/7, tâm bão số 3 Wipha đang cách Quảng Ninh khoảng 120km, cách Hải Phòng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12.
Dự báo đến 1h ngày 22/7, bão tiếp tục mạnh thêm, đạt cấp 10-11, giật cấp 14 khi tiến vào khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ.

Khi Hà Nội có cơn mưa lớn, nhiều người dân vẫn "đội mưa" đi đến các siêu thị, chợ dân sinh để tích trữ thực phẩm.
Theo ghi nhận của phóng viên Người Đưa Tin, trước những thông tin về diễn biến của cơn bão, khoảng 17h ngày 21/7, khi Hà Nội có cơn mưa lớn, nhiều người dân vẫn "đội mưa" đi đến các siêu thị, chợ dân sinh để tích trữ thực phẩm. Tuy nhiên nhìn chung, nguồn cung vẫn ổn định, không có hiện tượng khan hàng hay tăng giá đột biến.
Vừa tan làm, chị Nguyễn Thị Như đã nhanh chóng ghé chợ Nam Trung Yên để mua thực phẩm cho gia đình, trên xe treo đầy những túi thịt, cá.
"Tôi tranh thủ qua chợ để mua đồ, tiện mua số lượng nhiều hơn để tích trữ được 2 hôm. Người đông nhưng vẫn mua được đồ tươi nếu nhanh chân," chị Như chia sẻ.

Không ít tiểu thương tại chợ đã chủ động tăng gấp đôi lượng hàng nhập về.
Theo đó, không ít tiểu thương tại đây đã chủ động tăng gấp đôi lượng hàng nhập về từ tối hôm trước.
"Biết mưa bão sắp đến, dân sẽ mua đông. Tôi gọi hàng sớm từ 3h sáng để có rau tươi bán," chị Nguyễn Lê Mai – một người bán rau lâu năm tại cho biết.

Mặc dù trước thông tin mưa bão, song giá cả tại chợ không có nhiều thay đổi.
Mặc dù trước thông tin mưa bão, song giá cả tại chợ không có nhiều thay đổi. Tại chợ Cốm (phường Từ Liêm), chị Nga – tiểu thương bán thịt lợn cho biết lượng khách tiêu thụ hôm nay tăng gấp rưỡi ngày bình thường.
"Bão gió thì ai cũng lo, tôi có bán đắt hàng hơn thì giá vẫn giữ như cũ, không tăng giá. Có nhiều người khách quen còn gọi điện cho tôi từ tối hôm qua để đặt sẵn hàng, sáng chỉ việc đến lấy", chị Nga nói.

Mặt hàng rau xanh ở một số điểm siêu thị như WinMart, Hà Đăng... được tiêu thụ rất nhanh.
Không chỉ các chợ dân sinh, loạt siêu cũng rơi vào tình trạng "quá tải nhẹ" khi người đi mua thực phẩm trước bão. Đặc biệt, mặt hàng rau xanh ở một số điểm siêu thị như WinMart, Hà Đăng... được tiêu thụ rất nhanh. Đến chiều, nhiều kệ rau đã trống trơn, chỉ còn sót lại các loại củ, hành lá, và rau thơm.

Đến chiều, nhiều kệ rau đã trống trơn, chỉ còn sót lại các loại củ, hành lá, và rau thơm.
Ở siêu thị lớn như Go! Thăng Long, quầy thực phẩm vẫn đầy ắp, nhân viên liên tục thêm mới hàng hóa, không có cảnh chen lấn tích trữ thực phẩm như trận bão Yagi năm ngoái.

Ở siêu thị lớn như Go! Thăng Long, quầy thực phẩm vẫn đầy ắp, nhân viên liên tục thêm mới hàng hóa.
Mặc dù không khí mua sắm sôi động hơn bình thường, phần lớn người dân đều cho biết họ chỉ mua đủ dùng trong 2–3 ngày tới, tránh tình trạng tích trữ quá đà.
"Tôi mua thêm chút cá, rau, đủ nấu ăn vài bữa khi trời mưa to, chứ không lấy nhiều. Biết siêu thị vẫn mở và hàng hóa vẫn có đều nên cũng yên tâm," chị Ngọc – cư dân sống gần siêu thị GO! Thăng Long cho biết.

Phần lớn người dân đều cho biết họ chỉ mua đủ dùng trong 2–3 ngày tới, tránh tình trạng tích trữ quá đà.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam cũng cho biết các siêu thị Go!, Tops Market sẽ đảm bảo đủ nguồn hàng lương thực thiết yếu với giá cả ổn định, nhất là các điểm bán ở miền Bắc, giúp người dân an tâm chống bão, không lo khan hàng sốt giá.
Nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai bất thường, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân, Sở Công Thương Thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân khi có sự cố, thiên tai xảy ra trên địa bàn thành phố trong năm 2025.
Theo đó, Thành phố Hà Nội sẽ thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Các địa phương chủ động chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu trong 7 ngày. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của địa phương, thành phố sẽ triển khai hỗ trợ khẩn cấp.
Dự kiến, các loại hàng hóa được chuẩn bị bao gồm: lương thực (gạo, mì ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô), nước sạch đóng chai, thực phẩm chế biến, sữa hộp, nến thắp sáng và các vật dụng thiết yếu khác. Tổng khối lượng hàng hóa đủ phục vụ cho khoảng 250.000 người trong 7 ngày, với tổng kinh phí tạm tính là 122,7 tỷ đồng.