Tìm giải pháp di chuyển thuận lợi cho lao động quay trở lại Tp.HCM làm việc

Tìm giải pháp di chuyển thuận lợi cho lao động quay trở lại Tp.HCM làm việc

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Thứ 7, 09/10/2021 16:06

Nhiều người lao động ngoại tỉnh muốn quay trở lại Tp.HCM sau khi nhận được thông báo công ty hoạt động trở lại nhưng vấn đề di chuyển vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Trong đợt dịch thứ tư của năm 2021, Tp.HCM được cho là địa điểm bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi phải thực hiện giãn cách toàn thành phố liên tiếp trong nhiều tháng. Song, với những nỗ lực và quyết tâm phòng chống dịch của ban lãnh đạo cũng như người dân, sau hơn 4 tháng kể từ khi phát hiện ổ dịch cộng đồng, Tp.HCM đang nỗ lực tìm kiếm các phương pháp phục hồi kinh tế, dần đưa nhịp sống xã hội trở lại trong điều kiện “bình thường mới”, và đặc biệt, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là về người lao động. 

Nóng lòng quay trở lại làm việc 

Trao đổi với Zing News, anh Phan Cường (Sóc Trăng) - một nhân viên của doanh nghiệp trong ngành F&B, hiện bị mắc kẹt tại Tp.Mỹ Tho (Tiền Giang) đang sốt sắng tìm cách quay lại Tp.HCM làm việc. Anh cho biết, công ty của anh tại quận 7 đã quay trở lại làm việc được nửa tháng nay và đến ngày 10/10 tới đây những người còn lại cũng sẽ đi làm việc.

"Một số người chuẩn bị đủ giấy tờ như vậy đã vào được Tp.HCM. Hiện tôi đã tiêm 1 mũi vắc xin Covid-19 được 7 tuần, cũng phải đánh liều thôi không thể nằm chờ chết đói được mặc dù nghỉ dịch công ty vẫn hỗ trợ", anh Cường chia sẻ. 

Kinh tế vĩ mô - Tìm giải pháp di chuyển thuận lợi cho lao động quay trở lại Tp.HCM làm việc

Vì miếng cơm manh áo, nhiều người lao động tự do nóng lòng tìm cách quay trở lại Tp.HCM làm việc. Ảnh: Zing News. 

Tương tự, mấy ngày nay, chị Thu Hằng ở Thị xã Tân Uyên (Bình Dương) - là lao động tự do cũng hỏi thăm nhiều người về cách di chuyển vào Tp.HCM.

"Nghe thông tin Tp.HCM sẽ đón công nhân nhưng không biết làm cách nào. Hỏi phường thì được hướng dẫn liên hệ công ty lập danh sách gửi cơ quan chức năng và chờ xe đưa vào thành phố nhưng là lao động tự do thì tôi không biết liên hệ ai", chị thắc mắc và cho biết đã tiêm vắc xin 1 mũi được hơn 30 ngày. 

May mắn hơn anh Cường, chị Hằng, chị Thảo (Bình Thuận) - nhân viên y tế đã vào thành phố làm việc được mấy ngày sau khi đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin và xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết. 

"Quyết định quay lại Tp.HCM làm việc khiến gia đình mình ai cũng lo lắng, nhưng đây là công việc, không làm thì không có tiền để nuôi con với gia đình", chị nói thêm. 

Không chỉ người lao động mà các chủ doanh nghiệp cũng cảm thấy sốt sắng không kém trước sự thiếu hụt nhân công. 

Kinh tế vĩ mô - Tìm giải pháp di chuyển thuận lợi cho lao động quay trở lại Tp.HCM làm việc  (Hình 2).

Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp khi tái hoạt động sản xuất, kinh doanh là thiếu hụt nhân công, chi phí xét nghiệm. Ảnh: Pháp luật Tp.HCM. 

Ông Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, cho hay hiện công ty đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, tùy chỉ thị ở các tỉnh khác nhau nên người lao động gặp không ít khó khăn. 

Theo ông Hồng, dù Tp.HCM đã có chủ trương cho phép người lao động được đi lại nhưng các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An vẫn còn hạn chế.

Điển hình như công nhân đi lại giữa Tp.HCM với Long An gần như bình thường, chỉ cần tiêm vắc xin hai mũi hoặc một mũi đủ 14 ngày. Trong khi đó Bình Dương lại yêu cầu phải xét nghiệm mỗi lần qua lại. Điều này dẫn đến lao động dù đang ở TP.HCM, sát ngay xí nghiệp tại Bình Dương, nhưng không thể đi làm được. Vì vậy, công ty vẫn đang chờ hướng dẫn mới về việc nới lỏng hơn trong đi lại của Bình Dương.

“Phần lớn các đơn hàng xuất khẩu của DN ngành dệt may vẫn còn tồn, có thể đủ sản xuất đến hết quý IV-2021. Nếu thuận lợi thì DN sẽ chào hàng mới cho khách hàng từ quý I-2022, tuy nhiên hiện nay khó dự báo trước tình hình thị trường” - ông Hồng thông tin thêm.

Doanh nghiệp hiến kế kéo người lao động về 

Theo ông Trần Quốc Mạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco) đề xuất, nên để các doanh tự xét nghiệm hằng tuần tùy tình hình hoạt động từng đơn vị, chi phí này được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn các cơ sở y tế chỉ nên xét nghiệm một tháng/lần hoặc nửa tháng/lần tùy tình hình dịch bệnh và chi phí này Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, hiểu rõ về tầm quan trọng của vắc xin trong việc di chuyển liên tỉnh, Tổng giám đốc Công ty Agrex Saigon Phạm Hải Long kiến nghị Tp.HCM cần phối hợp ngay với các tỉnh, thành về việc tiêm vắc xin cho lao động ở tỉnh muốn về thành phố làm việc.

Cụ thể, khi các doanh nghiệp tập hợp được lao động, kết nối với địa phương xét nghiệm âm tính thì vận chuyển họ về Tp.HCM. Tại cửa ngõ Tp.HCM sẽ có các lực lượng chức năng tiến hành tiêm vắc xin cho số lao động này. Sau đó đưa họ về chỗ ở, cách ly đủ 14 ngày sau tiêm theo sự giám sát của địa phương khu vực đó.

Kinh tế vĩ mô - Tìm giải pháp di chuyển thuận lợi cho lao động quay trở lại Tp.HCM làm việc  (Hình 3).

Vân đề di chuyển vẫn đang là nút thắt khiến người lao động ngoại tỉnh chưa thể quay về làm việc bình thường. Ảnh: Đảng bộ Tp.HCM. 

“Sau thời gian cách ly, họ được xét nghiệm PCR, nếu âm tính thì được vào sản xuất bình thường. Ngoài ra, các địa phương cũng cần có chính sách đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động thì doanh nghiệp mới có thể trở lại sản xuất ổn định được”, ông Long góp ý.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM, cũng cho rằng các tỉnh, thành và Tp.HCM cần thống nhất, đồng bộ về quản lý y tế, quản lý đi lại của người lao động. Chẳng hạn, công nhân có giấy xác nhận của công ty, cung đường di chuyển từ chỗ ở đến/về chỗ làm, được tiêm vaccine… là được lưu thông qua các tỉnh, thành Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

“Nếu không đủ lao động thì doanh nghiệp cũng khó phục hồi, đẩy nhanh sản xuất, cung ứng các đơn hàng cho khách hàng kịp trong quý IV này. Công suất tăng thì Doanh nghiệp mới có sức để tăng tốc, phục hồi hoàn toàn từ đầu năm sau”, ông Hồng chia sẻ.

Xây dựng phương án đón người lao động 

Trước đó ngày 1/10, UBND Tp.HCM cũng đã đưa ra 3 phương thức để đón người lao động quay trở lại thành phố làm việc. 

Phương thức 1: Đơn vị sử dụng lao động tại Tp.HCM tự tổ chức bằng cách gửi phương án đến các cơ quan đầu mối như chính quyền các quận, huyện; Ban quản lý Khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao...

Danh sách sau đó tổng hợp gửi Sở GTVT Tp.HCM để lên kế hoạch triển khai. Việc vận chuyển dự kiến bằng ôtô từ 10 chỗ trở lên và chi phí do các đơn vị chi trả hoặc thoả thuận với người lao động.

Xe sẽ trả khách tại Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây (Tp.HCM), sau đó, người lao động từ bến xe về nơi cư trú bằng xe taxi đã được Sở GTVT Tp.HCM cấp phép hoặc xe trung chuyển đã được doanh nghiệp đăng ký.

Phương thức 2: Ban quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp cùng Ban quản lý Khu Công nghệ cao làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các đơn vị đang quản lý, phối hợp đơn vị vận tải hành khách lên kế hoạch vận chuyển. Sở GTVT Tp.HCM sau đó sẽ xem xét cấp mã QR và thông báo cho các tỉnh thành để vận chuyển lao động.

Phương thức 3: Việc vận chuyển thực hiện theo tuyến cố định, với hành trình từ các bến xe khách của các tỉnh thành đến Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây của Tp.HCM. Mỗi ngày sẽ có 4 chuyến xe cho mỗi tuyến được hoạt động.

Việc đưa người lao động trở lại theo hai giai đoạn: Từ ngày 1/10 đến ngày 31/10 thực hiện theo các phương thức một và hai; từ tháng 11 triển khai theo cả 3 phương thức nói trên.

Riêng người lao động trở lại thành phố bằng đường sắt, hàng không sẽ thực hiện theo kế hoạch và phương án của Bộ GTVT.

Người lao động khi mua vé và lên xe phải xuất trình bản chính giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ; giấy xác nhận đã được tiêm vắc xin mũi 1 đã được 14 ngày hoặc giấy xác nhận là người khỏi bệnh Covid-19.

Hương Anh (t.h từ Pháp luật Tp.HCM, Zing News, Lao Động) 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.