Hé lộ về tàu cổ trồi lên bờ biển Hội An
Xác chiếc tàu nghi tàu cổ trồi lên khiến nhiều người tò mò.
Sáng 27/12, các lực lượng đã có mặt tại hiện trường nơi phát hiện xác tàu nghi tàu cổ trồi lên thuộc bờ biển Tân Thành, Phường Cẩm An, TP. Hội An (Quảng Nam).
Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm An cho hay, xác tàu này được người dân phát hiện vào khoảng 9h sáng hôm qua (26/12), ở bờ biển ngay sau trụ sở ủy ban phường khoảng 400m.
Tàu dài khoảng 15m, rộng khoảng 3m. Phần khung gỗ ôm quanh thân nổi lên mặt cát tạo hình bao quanh thân tàu, nhìn giống kiểu tàu cổ.
Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, đã chỉ đạo lực lượng chuyên môn tới hiện trường để tìm hiểu thu thập thông tin. Ông Sơn nhận định, xác tàu gỗ được phát hiện là ghe bầu bị chìm hồi xưa. Loại ghe bầu là phương tiện thời xưa được dân buôn ở Hội An dùng để chở gạo, cá, các nhu yếu phẩm khác đi bán khắp nơi. Loại ghe này có tuổi đời cũng hơn 100 năm.
Thành phố giao Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An nghiên cứu, khảo sát cụ thể để có phương án trục vớt thân tàu này lên. Nếu cần thiết thì mời thêm Viện khảo cổ tham gia nghiên cứu.
Theo ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, chiếc tàu có giá trị và tuổi cũng khá xưa. Đơn vị xuống hiện trường ngay khi tiếp nhận thông tin lực lượng xuống hiện trường tìm hiểu, tuy nhiên sóng lớn chưa thể trục vớt tàu lên.
Bắt Cục phó Cục Quản lý giá Bộ Tài chính và Vụ phó Thị trường trong nước Bộ Công Thương
Đại tá Phan Bá Thành thông tin về việc bắt giữ Cục phó Cục Quản lý giá Bộ Tài chính
Chiều 27/12, tại buổi họp báo Bộ Công an, đại tá Phan Thành Bá, Cục phó Cục An ninh điều tra, Bộ Công an đã thông tin quá trình điều tra vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.
Theo đại tá Bá, cơ quan điều tra đã khởi tố 7 bị can, trong đó có ông Đặng Công Khôi (Cục phó Cục Quản lý giá Bộ Tài Chính) và Hoàng Anh Tuấn (Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương) bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Liên quan đến vụ án này, ông Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Trước đó, ngày 8/9, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) và Nguyễn Thị Như Phương (Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Giám đốc EVN Bình Thuận và 16 người bị bắt
17 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tuấn Ân, EVN Bình Thuận và các đơn vị liên quan
Ngày 26/12, Bộ công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân, Công ty Điện lực Bình Thuận và các đơn vị liên quan; khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 17 bị can gồm:
Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuấn Ân về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Đưa hối lộ", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Trần Ngọc Linh, nguyên Giám đốc; Nguyễn Thành Ngôn, Giám đốc; Trương Tấn Đạt, Phó Giám đốc, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch vật tư; Lê Quang Nghĩa, Trưởng phòng và Tạ Thúc Thông, Chuyên viên Phòng Kế hoạch vật tư, EVN Bình Thuận về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ”.
Ngoài ra, 11 bị can khác bị khởi tố về các tội: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.
Vệt sáng kỳ lạ xuất hiện trên bầu trời sáng 26/12 là gì?
Sáng 26/12, mạng xã hội chia sẻ rầm rộ về một "hiện tượng lạ trên bầu trời" miền Bắc khiến nhiều người tò mò. Theo đó, có một vật thể phát sáng trên bầu trời lúc rạng sáng. Khi di chuyển, vật thể tạo nên hình giống con sứa mờ ảo cũng như để lại một vệt sáng dài phía sau cùng.
Vệt sáng lạ trên bầu trời được nhiều người nhìn thấy sáng 26/12.
Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, đây không phải là hiện tượng tự nhiên. Vệt hình phễu trên bầu trời có thể do động cơ máy bay phản lực có thể đang thực hiện nhiệm vụ hoặc tập luyện vào sáng sớm hoặc tên lửa (tên lửa đẩy phóng vệ tinh) trong giai đoạn tăng tốc.
Còn theo một chuyên gia tại Đại học Quốc gia Hà Nội, đây có thể gọi là hiện tượng "sứa không gian". Sứa không gian (hay sứa UFO; còn gọi là sứa tên lửa) là một hiện tượng liên quan đến phóng tên lửa thường được xác định nhầm là UFO ngoài hành tinh. Hiện tượng này được gây ra bởi ánh sáng Mặt Trời phản chiếu các vệt khói tên lửa tầm cao phát ra từ tên lửa phóng, vào lúc chạng vạng sáng sớm trước Mặt Trời mọc hoặc chiều tối sau Mặt Trời lặn. Người quan sát bị che khuất trong bóng tối, trong khi ở độ cao lớn, ánh sáng Mặt Trời có thể phản xạ lại khí thải đang được thắp sáng trước khi bình minh lên đến độ cao thấp hơn hoặc sau khi hoàng hôn đã rời khỏi độ cao thấp hơn, do độ cong của Trái Đất và sự quay của nó gây ra chu kỳ ngày đêm. Sự xuất hiện phát sáng này trông giống hình ảnh một con sứa.
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cho rằng, đây là hiện tượng phá vỡ bức tường âm thanh - một hiện tượng khí động học xảy ra khi một vật thể di chuyển nhanh hơn vận tốc âm thanh (khoảng 343 m/s trong điều kiện khí quyển khô và nhiệt độ là 20 độ C). Khi một vật thể di chuyển rất nhanh, các đỉnh sóng âm do chính nó phát ra bị dồn lại theo hướng chuyển động, bởi chính nó liên tục đuổi theo sóng âm của chính mình. Nếu máy bay có vận tốc lớn hơn chính âm thanh, nó sẽ vượt qua đỉnh sóng mà tự nó tạo ra, khiến các đỉnh sóng bị chồng chéo đột ngột và gây ra một vụ nổ siêu thanh. Sự giảm áp suất đột ngột phía đuôi máy bay sau khi vụ nổ xảy ra thường tạo nên một đám mây trắng có hình dạng như trong hình lưu truyền trên mạng xã hội.
Yến Ngọc (tổng hợp)