Xử phạt người đàn ông dạy Ngọc Trinh “thả dáng” mạo hiểm trên mô tô
Hình ảnh Ngọc Trinh "biểu diễn" các động tác quỳ, nằm trên yên khi mô tô đang di chuyển dẫn đến tai nạn
Trong ngày 10/10, người hướng dẫn và người giao mô tô cho bà Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu Ngọc Trinh) "biểu diễn" các động tác quỳ, nằm trên yên khi mô tô đang di chuyển, đã đến trụ sở Đội CSGT - Trật tự Công an TP Thủ Đức làm việc.
Cả hai thừa nhận hành vi vi phạm và bị CSGT lập biên bản xử phạt hành chính đối với các hành vi này.
Người dạy Ngọc Trinh "thả dáng" mạo hiểm (nằm trên yên xe khi mô tô đang di chuyển), cũng là người cùng thực hiện động tác tương tự khi cả hai lưu thông trên đường Võ Chí Công (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức). Vì hành động bất chấp quy định pháp luật này, Ngọc Trinh đã gặp tai nạn giao thông và nhập viện cấp cứu ngay sau đó.
Chủ của mô tô đang bị Đội CSGT - Trật tự Công an TP Thủ Đức tạm giữ thừa nhận, biết Ngọc Trinh không có bằng lái xe A2 nhưng vẫn giao mô tô phân khối lớn cho người mẫu này điều khiển.
Trước đó, Phòng CSGT TP HCM và Đội CSGT – Trật tự Công an TP Thủ Đức đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với Trần Thị Ngọc Trinh về các lỗi: Điều khiển phương tiện che lấp biển số, không có giấy đăng ký xe, không có giấy phép lái xe, nằm trên yên xe điều khiển xe.
Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh để xử lý đối với clip Ngọc Trinh có hành vi buông cả 2 tay khi điều khiển mô tô trên đường Trần Bạch Đằng (phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức).
Bắt 3 đối tượng trong đường dây mua bán thận ở TP.HCM
"Cò" Hải đưa người mua bán thận gặp mặt. Ảnh: Tự Sang
Ngày 10/10, Công an TP.HCM đã bắt giữ Bùi Tiến Lực, Trần Văn Phong và 1 người tên Hải để điều tra hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
3 người bị bắt là những thành viên trong đường dây mua bán thận mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trong tuyến bài điều tra.
Theo điều tra của PV, Lực, Phong là 2 người điều hành đường dây mua, bán thận, Hải là người giúp sức, trực tiếp đưa người có nhu cầu bán thận đi xét nghiệm, bố trí chỗ ăn, ở để chờ ngày cắt thận.
Trước đó, tối 8/10, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.HCM phối hợp với Công an huyện Bình Chánh kiểm tra các căn hộ ở chung cư HQ Plaza - nơi nhiều người chờ bán thận đang ở - và mời nhiều người liên quan về trụ sở công an làm việc.
Mối quan hệ giữa cựu Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh và chủ tịch NSJ Group
Cựu Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh tại phiên tòa.
Ngày 10/10, bị cáo Vũ Liên Oanh - cựu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Quảng Ninh cùng 16 đồng phạm bị đưa ra xét xử về các tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ”.
Trình bày trước Hội đồng xét xử (HĐXX), bị cáo Oanh khai nhận, bị cáo tin vào cấp dưới nên khi trình văn bản đã ký theo đúng chức năng. Quá trình làm việc, bị cáo nhận thấy cái sai lớn nhất là khi được đơn vị trúng thầu cho quà và bản thân đã nhận. Bị cáo cảm thấy xấu hổ.
Theo lời bị cáo Oanh, bị cáo chưa bao giờ bàn bạc với bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga - chủ tịch Công ty NSJ Group về dự án. Phòng chức năng có trình lên, bị cáo chỉ hỏi tại sao lại chọn đơn vị tư vấn này.
Bị cáo Oanh nói bản thân không có kiến thức cũng như thời gian kiểm tra, giám sát dự án để làm cho đúng. Bị cáo Oanh nhận cái sai và nhận trách nhiệm người đứng đầu Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh.
“Cái sai của tôi đến đâu tôi xin nhận đến đó, còn tôi chưa được bị cáo Nga bàn bạc với tôi một câu nào về dự án”, bị cáo Oanh nói.
Theo cáo trạng, đầu năm 2016 biết có dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục do Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, bị cáo Nga đến gặp bị cáo Oanh tại Sở để trao đổi về việc cho Công ty NSJ trúng thầu với giá được ấn định trước. Bị cáo Oanh đồng ý rồi giới thiệu, chỉ đạo cấp dưới phối hợp với bị cáo Nga.
Công ty bị cáo Nga và các cán bộ ở Sở GD-ĐT lập hồ sơ cho "quân xanh, quân đỏ" tham gia đấu thầu và liên hệ với các hãng sản xuất để nâng giá thiết bị giáo dục từ nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam. Để tránh bị phát hiện Công ty NSJ vừa là đơn vị tư vấn lập dự án vừa tham gia đấu thầu, bị cáo Nga và bị cáo Oanh chỉ định Công ty VNNew lập dự án, Công ty AIC và Gia Lộc thẩm định giá.
Từ đây, Công ty NSJ và các Liên danh NSJ - Toàn Thịnh trúng 6/6 gói thầu. Tài liệu điều tra đã chứng minh các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 80 tỷ đồng.
Từ cuối năm 2016 đến đầu 2020, bị cáo Nga tìm gặp bị cáo Oanh trong các dịp Tết. Mỗi lần gặp thường biếu từ 1-5 tỷ đồng, với tổng số tiền “cảm ơn" và "chúc Tết” là 14 tỷ đồng.
Tội ác của đôi nam nữ “số má” đầy mình
Lợi và Dung tại cơ quan công an.
Ngày 10/10, Công an quận Hai Bà trưng (Hà Nội) đang củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý Đoàn Văn Lợi (SN 1989) và Nguyễn Hồng Dung (SN 1987), cùng trú tại TP Hà Nội về hành vi cướp giật tài sản của người đi đường.
Trước đó, vào rạng sáng 4/10, bà V.T.T. (SN 1962, ở Hà Nội) điều khiển xe máy chở theo thùng xốp màu trắng phía sau, trước bụng có đeo một chiếc túi xách, lưu thông từ Tam Trinh – Kim Ngưu.
Lúc này, 2 đối tượng (1 nam, 1 nữ) đèo nhau vượt lên áp sát, cướp giật chiếc túi của bà T. Do không làm chủ được tay lái, bà T ngã ra đường. Nạn nhân sau đó được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu, nhưng do vết thương nặng, đến chiều 5/10 thì tử vong.
Ngay sau đó, Công an quận Hai Bà Trưng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội vào cuộc điều tra, làm rõ.
Đến ngày 7/10, cảnh sát đã truy bắt được 2 đối tượng thực hiện hành vi cướp giật tài sản dẫn đến hậu quả thương tâm cho bà T là Lợi và Dung.
Lợi và Dung là những đối tượng có “số má” khi Lợi có 4 tiền án và 1 tiền sự, Dung có 1 tiền án. Cả hai đều nghiện ma túy nặng, do cần tiền mua ma túy sử dụng nên rủ nhau đi cướp giật tài sản của người đi đường.
Hà Nội sẽ thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ điện
Khách hàng có thể đăng ký mua điện, thay đổi thông tin hợp đồng,… trên hệ sinh thái chăm sóc khách hàng của ngành điện. Ảnh: EVNHANOI
Ngày 10/10, Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) đã cung cấp thông tin về việc triển khai ghi chỉ số công tơ điện.
Theo đó, đến nay, toàn bộ khách hàng sử dụng điện trên địa bàn Hà Nội đã được lắp đặt công tơ điện tử có tính năng thu thập dữ liệu từ xa. Đây chính là yếu tố quan trọng để EVNHANOI triển khai lộ trình từng bước thống nhất lịch ghi chỉ số tiêu thụ điện năng của khách hàng vào ngày cuối cùng của tháng. EVNHANOI sẽ thực hiện lộ trình thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng cho khách hàng sử dụng điện trên địa bàn một số quận, huyện.
Bà Tô Lan Hương, Trưởng ban Kinh doanh EVNHANOI cho biết, thời gian ghi chỉ số tiêu thụ điện năng trên công tơ điện của khách hàng sẽ được dịch chuyển về cuối tháng nhằm để khách hàng thuận tiện trong việc giám sát và theo dõi lịch ghi chỉ số công tơ điện hằng tháng.
“Việc triển khai thay đổi lịch ghi chỉ số nhằm tăng tính minh bạch trong công tác quản lý hoạt động đo, đếm điện năng, ghi chỉ số và lập hoá đơn tiền điện. Bên cạnh đó, việc này còn giúp khách hàng dễ dàng giám sát, kiểm soát chỉ số, mức tiêu thụ điện của tháng”- Bà Hương nói.
Yến Ngọc (tổng hợp)