Quá tải ở Trung ương, còn địa phương thì vắng
Thảo luận ở tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chiều 26/5, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội (Đoàn Hà Nội) cho biết, hệ thống y tế chưa bao giờ phải chịu áp lực và khối lượng công việc lớn như 3 năm qua. Dịch bệnh đã chỉ ra không ít những bất cấp, hạn chế, đặt ra tính cấp thiết phải hoàn thiện ngay hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế.
Trong đó, Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ là hành lang pháp lý quan trọng góp phần tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân.
Góp ý về một số nội dung cụ thể, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng chia thành 3 cấp (khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu) là phù hợp.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến để dự án Luật phù hợp hơn với thực tiễn, trong đó cần làm rõ khái niệm y tế cơ sở để có đầu tư cho phù hợp, bởi đây là cấp thực hiện khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân.
Theo đại biểu Nhị Hà, mặc dù, phân thành 3 cấp chuyên môn nhưng người bệnh không lựa chọn cấp cơ sở, chọn tuyến tỉnh, Trung ương vì được thông tuyến bảo hiểm. Điều này tạo ra tình trạng quá tải ở Trung ương, còn địa phương thì vắng.
Vì thế, việc sửa đổi cần hướng đến việc giảm quá tải tuyến trên trong khi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân lại chưa được quan tâm. Cùng với đó, cần chú trọng thực hiện mã định danh của cá nhân để thuận tiện trong theo dõi quá trình khám, chữa bệnh của người dân từ khi sinh ra đến khi chết đi, giúp chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn, phân tuyến tốt hơn.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường trách nhiệm của các phòng khám, chữa bệnh tư nhân.
Cùng với đó là dự thảo Luật mới cần có quy định cụ thể, ràng buộc để hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế, bởi thực tế các địa phương hiện nay tỉ lệ người dân đến khám, chưa bệnh còn ít nhưng ở tuyến trên luôn quá tải, rồi nhiều bất cập trong các phòng khám công – tư.
Bên cạnh đó, là những bất cập trong việc đầu tư xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh, dù cơ sở khang trang nhưng chất lượng khám, chữa bệnh tại các địa phương vùng sâu, vùng xa còn thấp, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Mỗi nơi một giá hoặc một nơi nhiều giá
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) góp ý, trong Điều 4 của Dự thảo có quy định 5 nhóm chính sách, trong đó có chính sách khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên, khuyến khích như nào, dự thảo lại không quy định rõ.
Đại biểu đề nghị bổ sung, cụ thể hoá các chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, thuế, đào tạo nhân lực, cơ chế tài chính, thu hút vốn đầu tư và trí thức từ nước ngoài… nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động khám, chữa bệnh.
Đối với quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh, đại biểu đoàn Bắc Ninh cho biết, cần xem xét sửa đổi quy định tại nội dung này nhằm thể hiện đẩy đủ các yếu tố cấu thành của giá dịch vụ khám chữa bệnh như: yếu tố về con người, khấu hao tài sản, cơ sở vật chất, tiền lương, công nghệ thông tin.
Lý giải cho đề xuất này, đại biểu nhận định, dự thảo quy định chưa đầy đủ, rõ ràng, chỉ quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm 3 nhóm yếu tố chi phí phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh, đó là: Hàng hóa phục vụ cho việc khám chữa bệnh, dịch vụ khám chữa bệnh và các chi phí khác có liên quan đến quá trình khám chữa bệnh.
Đối với quy định cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo quy định của Luật Giá, đại biểu Hà đề nghị, cần quy định khung giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.
Đại biểu đoàn Bắc Ninh nhấn mạnh: “Bởi, hiện nay tình trạng loạn giá tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân rất phổ biến, khó quản lý, mỗi nơi một giá hoặc một nơi nhiều giá. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người bệnh”.
Hoàng Bích – Thu Huyền