Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Israel hôm 13/7 để bắt đầu chuyến công du cấp cao tới Trung Đông, nơi ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo khu vực.
Đây là chuyến thăm đầu tiên đến Trung Đông của ông Biden với tư cách Tổng thống Mỹ.
Ông Biden sẽ dành 2 ngày ở Jerusalem để hội đàm với các nhà lãnh đạo Israel trước khi gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vào ngày 15/7 tại Bờ Tây (West Bank).
Máy bay Không lực Một của Tổng thống Biden đã rời Mỹ và đến Tel Aviv vào đầu ngày 13/7. Đến ngày 15/7, chiếc chuyên cơ này sẽ bay thẳng từ Israel đến Jeddah ở Ả Rập Xê-út.
Tổng thống Biden dự kiến sẽ gặp Quốc vương Salman và Thái tử Mohammed bin Salman của Ả Rập Xê-út, đồng thời cuối tuần sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh cùng với Ai Cập, Iraq và Jordan, được gọi là GCC+3, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Chuyến thăm của ông Biden được cho là tập trung vào nỗ lực thuyết phục các đồng minh vùng Vịnh bơm thêm dầu và đưa Israel và Ả Rập Xê-út xích lại gần nhau hơn.
"Chuyến đi này sẽ củng cố vai trò quan trọng của Mỹ trong một khu vực mang tính chiến lược", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết hôm 11/7.
Ông Biden sẽ có bài phát biểu ngắn tại buổi lễ đón tiếp ở Israel ngày 13/7. Nhà lãnh đạo Mỹ sẽ nhận được bản thông báo tóm tắt từ các quan chức quốc phòng Israel về hệ thống phòng thủ Vòm Sắt (Iron Dome) do Mỹ tài trợ và một hệ thống vũ khí laser đánh chặn mới có tên là Tia Sắt (Iron Beam).
Ông Biden sẽ thăm Yad Vashem, đài tưởng niệm của Israel dành cho các nạn nhân của thảm họa Holocaust trong Thế chiến II. Ông cũng sẽ gặp cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, hiện là lãnh đạo phe đối lập.
Cuộc hội đàm giữa ông Biden với ông Abbas sẽ đánh dấu mức độ tiếp xúc trực diện cao nhất giữa Mỹ và người Palestine kể từ thời cựu Tổng thống Donald Trump, người đã có cách tiếp cận cứng rắn đối với mối quan hệ song phương từ năm 2017.
Israel khẳng định sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran, và kiên quyết phản đối việc khôi phục thỏa thuận năm 2015 (JPOCA) đã giúp Tehran được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Palestine gần đây đã trở nên căng thẳng sau vụ sát hại nhà báo nổi tiếng của Al Jazeera, Shireen Abu Akleh hồi tháng 5 trong khi cô đang đưa tin về một cuộc đột kích của quân đội Israel ở Bờ Tây.
Liên Hợp Quốc đã kết luận, nhà báo người Mỹ gốc Palestine đã thiệt mạng do hỏa lực của Israel, Washington cho rằng khả năng này có thể xảy ra nhưng cho biết không có bằng chứng cho thấy vụ việc là cố ý.
Minh Đức (Theo The National News, Reuters)