Chiều 14/2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế Tp.HCM họp báo thường kỳ. Tại đây, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM cho biết: “Hôm nay, có 151.325/228.262 trẻ mẫu giáo đến trường, tương đương 66,32%. Số học sinh tiểu học tới trường là 670.366/698.356 em, tương đương 95,99%. Số học sinh lớp 6 tới trường là 89.818/94.903 học sinh, tương đương 94,64%”.
Trong tuần đầu đi học trở lại, khối mầm non không tổ chức ăn sáng. Bảo mẫu, giáo viên tập trung đón trẻ từ đầu buổi học. Còn ở cấp tiểu học, nhiều cơ sở tổ chức học bán trú nhưng một số cơ sở chưa tổ chức lại hoạt động này do chưa đáp ứng đòi hỏi về quy định phòng chống dịch, cơ sở vật chất.
Về tầm soát dịch, ông Trọng cho biết, khối mầm non có 1 F0, khối tiểu học có 1 F0, lớp 6 có 1 F0. Các cơ sở giáo dục đã phối hợp cơ quan y tế địa phương xử lý theo quy định. Các F1 được phát hiện đều âm tính với SARS-CoV-2.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM (HCDC) cho biết, hiện nay, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn chi tiết về kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, Sở Y tế Tp.HCM đã tham mưu UBND Tp.HCM về kế hoạch tiêm ngay khi có thể.
Theo ông Tâm, trẻ sinh sống tại Tp.HCM từ 5 đến 11 tuổi có khoảng 970.000 em. Trong số này, 950.000 trẻ đã đi học, 20.000 trẻ chưa đi học.
Trong thời gian chờ triển khai, HCDC đã tập huấn, hướng dẫn địa phương giám sát công tác tiêm chủng, bảo quản vắc-xin và xử lý những trường hợp tai biến…
“Nếu gia đình trẻ không đồng thuận, về nguyên tắc, trẻ vẫn được đi học bình thường. Tuy nhiên, địa phương và ngành y tế cố gắng thuyết phục phụ huynh cho trẻ tiêm vắc-xin”, ông Tâm nói.
Cũng theo lãnh đạo HCDC, việc trẻ đi học lại sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Do đó, ngành giáo dục và y tế luôn cảnh giác, chuẩn bị tốt nhất về quy trình xử lý, giám sát khi có F0 và F1, cố gắng không để xảy ra lây lan dịch trong nhà trường.
Trước đó, tại buổi làm việc ở trường mầm non Bé Ngoan, quận 1 vào sáng 14/2, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM khẳng định: “Mong muốn của thành phố là tạo ra môi trường tốt nhất cho tất cả học sinh có thể đến trường và phát triển bình thường, vừa đảm bảo sức khỏe vừa phát triển các kỹ năng về văn hóa, ứng xử và giao tiếp”.
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, các trường học được phép mở cửa hoạt động theo tinh thần thích ứng linh hoạt và an toàn, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch nhưng không tạo ra không khí quá căng thẳng cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh.
“Để làm được điều đó, cần sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh và nhà trường cùng sự bắt tay của ngành giáo dục và y tế. Khi có trường hợp bất thường, nhà trường đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định hướng dẫn của liên ngành, đảm bảo dạy học diễn ra liên tục, ổn định, không gây xáo trộn quá trình học tập của học sinh”, ông Đức nhấn mạnh.