Bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao thế nào?
Ngày 9/3, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM ông Dương Anh Đức ký văn bản về việc triển khai đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.
Trước đó, ngày 18/2, UBND Tp.HCM, đã phát động “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ năm 2022”, nhằm giảm thiểu nguy cơ chuyển nặng khi mắc Covid-19 của nhóm người có nguy cơ cao, từ đó giảm số ca tử vong do dịch bệnh xuống mức thấp nhất.
Việc triển khai đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ được UBND Tp.HCM thông qua dựa trên đề nghị của Sở Y tế thành phố. Thời gian của đợt cao điểm từ nay đến ngày 31/3/2022; đối tượng là những người trên 65 tuổi, người có bệnh nền.
Đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ được triển khai trong bối cảnh, số lượng ca tử vong do Covid-19 duy trì ở mức thấp nhưng số ca mắc mới trên địa bàn tăng nhanh, tương ứng số ca nặng, số ca thở máy có xu hướng tăng.
Qua theo dõi và phân tích của ngành y tế Tp.HCM, phần lớn các trường hợp mắc Covid-19 chuyển nặng và tử vong trên địa bàn Tp.HCM hiện này có đặc điểm chung là người trên 65 tuổi và có bệnh lý nền; trong số này có nhiều người vẫn chưa được tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19. Không ít trường hợp mắc bệnh, đến khi chuyển biến nặng mới được phát hiện và đưa đến bệnh viện thì đã quá trễ. Do đó, việc bảo vệ nhóm nguy cơ là rất cần thiết, nhằm giảm thiểu số ca chuyển nặng và tử vong.
Để triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, UBND Tp.HCM chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường, xã, thị trấn tổ chức triển khai “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để cập nhật danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ cao, hoàn thành trước ngày 15/3 tới.
Từ danh sách trên, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường, xã, thị trấn tiến hành xét nghiệm nhanh cho từng đối tượng riêng lẻ, cập nhật và thông báo kết quả trước ngày 20/3.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, tiến hành theo dõi sức khỏe tại nhà và được tư vấn từ xa qua mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”.
Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, cấp phát thuốc kháng virus ngay và hướng dẫn sử dụng gói thuốc chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 theo hướng dẫn của Sở Y tế.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường, xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phấn đấu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho tất cả các đối tượng có nguy cơ theo danh sách, địa bàn mình quản lý, hoàn thành việc tiêm chủng trước ngày 29/3.
Tách F0 trong gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cao
Đặc biệt, nếu gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cao, mà trong gia đình ấy có người F0 thì phải tách riêng F0, giảm thiểu tiếp xúc và lây bệnh cho người có nguy cơ cao. Tiến hành điều trị F0 cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn mới cho sống chung với người có nguy cơ cao.
Nếu F0 trong gia đình là trẻ em, tuyệt đối cách ly trẻ khỏi người có nguy cơ cao. Trường hợp không đủ điều kiện cách ly, cần đưa trẻ đến các bệnh viện nhi để được chăm sóc.
UBND Tp.HCM giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các quận, huyện và Tp.Thủ Đức triển khai phổ biến đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các phường, xã, thị trấn để thực hiện. Báo cáo hàng ngày các nội dung triển khai đợt cao điểm trên phần mềm “Hệ thống hỗ trợ báo cáo tình hình Covid-19 Tp.HCM” về Sở Y tế tổng hợp.
Thường xuyên rà soát danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ cao chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 để tiếp tục vận động, thuyết phục, tạo điều kiện và tổ chức tiêm vắc-xin cho tất cả người thuộc nhóm nguy cơ.
Tăng cường truyền thông cho người dân biết, tuân thủ nhằm hạn chế lây lan từ những người trong gia đình sang những người thuộc nhóm nguy cơ cao cần được bảo vệ. Đảm bảo người thuộc nhóm nguy cơ cao khi được phát hiện là F0 phải được sử dụng ngay thuốc Molnupiravir.