Kết luận hội nghị đối thoại với doanh nghiệp ngày 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc đưa chính quyền gần dân hơn, gần doanh nghiệp hơn; doanh nghiệp, người dân đến với chính quyền gần hơn.
Thủ tướng tin tưởng rằng, với các giải pháp dựa trên cơ sở thực tiễn, khoa học, chúng ta có thể yên tâm, tự tin để chuyển đổi trạng thái, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế.
Chống dịch để sản xuất - sản xuất để phục vụ chống dịch tốt hơn
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá rất cao những đóng góp, chia sẻ của các doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân trong công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội từ đầu năm 2020 tới nay, giữ vững và phát huy thành quả của 35 năm đổi mới.
Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá rất cao sự chia sẻ và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp để công tác phòng chống dịch đạt kết quả trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hầu như tất cả các trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế, vắc-xin và thuốc điều trị… phục vụ chống dịch đều phải nhập khẩu.
Thời gian tới, chúng ta cần có giải pháp căn cơ, chiến lược hơn, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự cường, nâng cao năng lực ngành y tế và phát triển ngành công nghiệp dược.
Thủ tướng ghi nhận các ý kiến phát biểu thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn, tâm huyết, thể hiện rất rõ khát vọng, mong muốn đất nước bình an, phát triển. Đây là điểm tựa rất quan trọng để chiến thắng dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội.
Các đại biểu cũng đều thống nhất cao với chủ trương chuyển trạng thái từ “không Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới. Chống dịch để sản xuất và sản xuất để phục vụ chống dịch tốt hơn. Muốn vậy, các giải pháp phải dựa trên cơ sở thực tiễn, khoa học, kinh nghiệm thời gian qua và bài học của các nước.
Dành nhiều thời gian phân tích về các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, Thủ tướng nêu rõ, nếu phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, nếu chẳng may bị nhiễm bệnh thì việc điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở sẽ giúp chữa trị hiệu quả, giảm được tử vong.
“Có giải pháp phù hợp thì chúng ta yên tâm, tự tin chuyển đổi trạng thái, không quá lo lắng. Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh phải tránh hai khuynh hướng: chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và bi quan, lo lắng, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, đưa ra các giải pháp cực đoan”, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.
Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Bộ Y tế chủ trì nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thích ứng và sẽ sớm ban hành hướng dẫn tạm thời.
Trong gần 2 năm qua, chúng ta đã có thêm nhiều kinh nghiệm, hiểu rõ hơn về virus, về dịch bệnh. Song đây là việc chưa có tiền lệ, việc ban hành hướng dẫn mới phải thận trọng, lấy ý kiến nhiều bên, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần, cố gắng tránh tình trạng như nhiều nước là cứ “mở cửa” rồi lại “đóng cửa” ngay.
Thủ tướng cho rằng, một chính sách không thể phủ kín hết mọi góc cạnh của cuộc sống trên phạm vi cả nước, song hướng dẫn phải phù hợp tình hình, tăng tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể, của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trên từng địa bàn (như thôn, ấp, khu dân cư, xã, huyện, tỉnh, trong nhà máy, doanh nghiệp, khu công nghiệp…)
Việc phòng chống dịch vẫn phải dựa trên các trụ cột là xét nghiệm, cách ly, điều trị, vắc-xin, ý thức của người dân.
“Phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể nhưng phải quyết liệt, chặt chẽ, lãnh đạo, chỉ huy, chính sách tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tổ chức thực hiện phải phân cấp, linh hoạt, phù hợp tình hình cụ thể, có kiểm soát, nếu thay đổi khác với nguyên lý cơ bản thì phải báo cáo cấp trên trực tiếp”, Thủ tướng nêu rõ.
Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác công - tư
Nhiều ý kiến tại hội nghị đề cập vấn đề cải cách và hoàn thiện thể chế. Thủ tướng khẳng định đây là một trong 3 khâu đột phá chiến lược đang được Chính phủ, các bộ ngành hết sức quan tâm.
Quan điểm rất rõ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ: Người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm. Mọi chính sách và việc thực hiện chính sách phải hướng đến người dân và doanh nghiệp; người dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng chính sách và thực hiện các chính sách đó.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, chính sách tại văn bản nào, điều khoản nào để cùng tháo gỡ.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ phân cấp, phân quyền tối đa để chính quyền gần dân hơn, gần doanh nghiệp hơn và doanh nghiệp, doanh nhân, người dân đến với chính quyền gần hơn.
Chính phủ và các bộ ngành cũng đang tích cực cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đóng góp các ý tưởng, công nghệ và cả các sản phẩm cụ thể phục vụ công tác này.
Các cơ quan đang chủ động triển khai các nhiệm vụ theo Luật Đầu tư với phương thức đối tác công – tư, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc đề xuất các dự án hợp tác cụ thể. Theo Thủ tướng, về cơ bản, có thể triển khai hợp tác công tư trong tất cả các công việc, từ quản lý các tòa nhà, các công viên…
Ông nêu ra một số lĩnh vực đang rất cần đẩy mạnh hợp tác công tư như đầu tư hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon, nâng cao năng lực hệ thống y tế…
“Những gì người dân, doanh nghiệp làm được, làm tốt hơn thì Nhà nước không làm”, Thủ tướng nêu rõ.
Mong muốn cộng đồng doanh nghiệp thực sự là trung tâm
Về các chính sách với công nhân, Thủ tướng cho biết, dịch bệnh đã làm bộc lộ một số vấn đề như nhà ở cho công nhân, chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân... Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan quan dứt khoát phải quan tâm vấn đề nhà ở cho công nhân, thực hiện đồng bộ khi quy hoạch, triển khai các dự án.
Về một số kiến nghị chính sách khác, Chính phủ và Quốc hội đang hết sức tích cực giải quyết, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục cùng chia sẻ trong điều kiện đất nước còn khó khăn, phải phát huy tinh thần đại đoàn kết, chung sức chung lòng để vượt qua khó khăn, thách thức.
“Chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp thực sự là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội, góp ý về đột phá thể chế, chính sách, pháp luật, đầu tư tăng năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp, chuyển đổi số; tăng cường hợp tác công tư, nhất là xây dựng hạ tầng chiến lược.
Góp ý thẳng thắn để cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính; tham gia nhiều hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực y tế, nhất là phát triển công nghiệp dược để chủ động ứng phó với mọi tình huống”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề nghị các doanh nghiệp tái cấu trúc để phù hợp với tình hình mới, Thủ tướng cho hay, Chính phủ và Quốc hội cố gắng đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực sự, trên tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” khi giải quyết các kiến nghị, khó khăn.
Xem thêm:
Loạt kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp với Thủ tướng
“Doanh nghiệp có yêu cầu gì, Chính phủ cố gắng đáp ứng tốt nhất có thể”
Chủ tịch VCCI nêu "chìa khoá" để mở cửa nền kinh tế
Bộ trưởng KH&ĐT: Triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn cứng nhắc
4 nhóm nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19