Tránh trường hợp người mua mất niềm tin với doanh nghiệp bảo hiểm

Tránh trường hợp người mua mất niềm tin với doanh nghiệp bảo hiểm

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 6, 29/10/2021 12:21

ĐBQH Trần Văn Tuấn đề nghị cần bổ sung thêm nội dung “trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm”.

Sáng 29/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Thảo luận trực tuyến, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với các quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật và cho rằng bảo hiểm vi mô là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện giúp người nghèo có thói quen tích lũy tài chính.

Tránh thông tin mập mờ

Cho ý kiến về dự án luật, ĐBQH Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) đề nghị bổ sung vào khoản 1 điều 14 của dự thảo luật, nội dung trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.

Lý do đại biểu đưa ra là: Mặc dù, tại các điều 20, 34, 54 của dự thảo luật đã quy định cụ thể về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hậu quả đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Như tại khoản 2 điều 34 về đóng phí bảo hiểm nhân thọ có quy định “trường hợp phí bảo hiểm được đóng nhiều lần và bên mua bảo hiểm đã đóng một lần hoặc một số kỳ bảo hiểm nhưng không thể đóng được các khoản phí tiếp theo thì sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày gia hạn đóng phí, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đóng phí bảo hiểm dưới 2 năm”.

Song, việc thực hiện trong thực tế vẫn có những trường hợp người mua bảo hiểm không biết, không hiểu do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp thông tin, tư vấn cho người mua bảo hiểm chưa đầy đủ, chưa cặn kẽ. Do đó, khi xảy ra trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng người mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng, cụ thể như trong trường hợp đóng bảo hiểm nhân thọ dưới hai năm.

Hoặc được đòi lại khoản phí đã đóng nhưng không được như mong muốn sẽ cảm thấy bức xúc, thậm chí cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm lừa, từ đó dẫn tới khiếu nại, tố cáo.

Tiêu điểm - Tránh trường hợp người mua mất niềm tin với doanh nghiệp bảo hiểm

Đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng, ngoài 8 nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng bảo hiểm, cần bổ sung thêm nội dung “trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm”.

Từ thực tế nêu trên, đại biểu Tuấn cho rằng, ngoài 8 nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng bảo hiểm, cần bổ sung thêm nội dung “trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm”, để xác định rõ đây là điều khoản bắt buộc cần phải có trong hoạt động bảo hiểm.

“Qua đó, nhằm tăng cường trách nhiệm thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm đối với người mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng. Tránh việc doanh nghiệp cố tình không cung cấp thông tin hoặc thông tin mập mờ làm cho người mua hợp đồng khi ký hợp đồng thì háo hức, tin tưởng nhưng khi không có khả năng theo đuổi, định chấm dứt hợp đồng thì mới biết mình không có quyền đòi lại khoản phí đã đóng, hoặc phí được hoàn trả không được như mong muốn, thất vọng, bức xúc mất niềm tin với doanh nghiệp”, đại biểu Tuấn nhấn mạnh.

Thêm nữa, đại biểu Tuấn đề nghị bổ sung vào dự thảo luật điều khoản về trách nhiệm quản lý nhà nước, chính quyền địa phương trên lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Theo đại biểu, kinh doanh bảo hiểm là hoạt động liên quan tới đông đảo tổ chức và cá nhân, qua đó đã và đang huy động được nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế. Đồng thời, đóng góp tích cực cho việc bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, hoạt động này đòi hỏi cần có sự quản lý nhà nước chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương.

Cần có khung pháp lý để phát triển bảo hiểm vi mô

Bảo hiểm vi mô rất cần, đặc biệt là đối với các nhóm yếu thế, mang lại lợi ích rất lớn cho toàn xã hội, nhưng theo đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh), hiện vẫn chưa có luật nào quy định về vấn đề này. Thực tế cho thấy, việc thiếu hành lang pháp lý về bảo hiểm vi mô cũng là nguyên nhân khiến cho loại hình bảo hiểm này dù có thời gian dài thí điểm (10 năm) nhưng tỉ lệ người tham gia rất thấp. Đến nay, tỉ lệ tham gia bảo hiểm vi mô ở nước ta có khoảng 200.000 hợp đồng.

Cho rằng, việc dự thảo chỉ định khung 2 điều về bảo hiểm vi mô, khiến các nội dung để thực hiện còn chưa được đầy đủ, rõ ràng, sẽ gây khó khăn, vướng mắc khi triển khai trên thực tế, trong khi đây lại là loại hình bảo hiểm chứa đựng nhiều rủi ro, đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) đề nghị bổ sung cụ thể hóa các quy định bảo hiểm vi mô tại dự thảo, như quy định rõ khung pháp lý tổ chức điều kiện triển khai sản phẩm bảo hiểm, bổ sung các cơ cấu khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chuyên sâu thực hiện bảo hiểm vi mô.

Tiêu điểm - Tránh trường hợp người mua mất niềm tin với doanh nghiệp bảo hiểm (Hình 2).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc.

Góp ý về dự án luật, ĐBQH Lâm Văn Đoan (Đoàn Lâm Đồng), kỳ vọng việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm lần này sẽ tạo ra “cú hích” mạnh mẽ cho thị trường bảo hiểm thương mại nước ta.

Về bảo hiểm vi mô, đại biểu Đoan tán thành với sự cần thiết bảo hiểm các quy định về bảo hiểm vi mô, bởi luật hiện hành không có quy định riêng về bảo hiểm vi mô mà áp dụng chung với các sản phẩm thương mại thông thường.

“Với việc áp dụng chung như vậy thì bảo hiểm vi mô gần như không có sự phát triển, có 3 công ty được phê duyệt kinh doanh bảo hiểm vi mô là các công ty bảo hiểm nước ngoài: Prudential, Manulife và Dai-ichi Việt Nam. Đến nay, chỉ có Công ty Manulife có thực hiện loại hình kinh doanh bảo hiểm vi mô.

Mặc dù, các tập đoàn nước ngoài này đều có 14-22 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, sự tham gia bảo hiểm vi mô rất khó khăn, so với lợi nhuận của bảo hiểm thương mại mang lại, thì lợi nhuận của bảo hiểm vi mô chiếm một tỉ lệ rất nhỏ”, đại biểu Lâm Văn Đoan cho biết.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Chính phủ cũng cho phép 2 tổ chức tham gia bảo hiểm vi mô; đó là Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam và Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Sau 4 năm hoạt động thì bảo hiểm vi mô của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã dừng lại. Và sau 8 năm hoạt động, đến tháng 7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77 là dừng việc thí điểm kinh doanh bảo hiểm vi mô của Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam.

Nguyên nhân là do chưa có khung pháp lý phù hợp, thời điểm khi đến thúc bảo hiểm vi mô của Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam còn tới 130.000 hợp đồng còn hiệu lực và doanh thu bảo hiểm hàng tháng là 6,8 tỷ đồng.

“Tôi cũng cho rằng, do chưa có pháp lý phù hợp nên bảo hiểm vi mô chưa phát triển, mức chi phí cao và hiệu quả thấp. Việc kinh doanh bảo hiểm của các Tổ chức Chính trị xã hội, tuy góp phần mang lại thu nhập cho các hội viên. Tuy nhiên, chỉ mang tính chất tạm thời, tiềm ẩn nhiều rủi ro vì các có các quy định pháp lý tương ứng”, đại biểu Lâm Văn Đoan nêu.

Cùng với đó, Nhà nước chưa có các chính sách, cơ chế khuyến khích bảo hiểm vi mô. Trong khi mục đích an sinh xã hội lớn, khách hàng chủ yếu là người có thu nhập thấp, người nghèo, cận nghèo vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cho nên chưa phân tích được các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia.

Đại biểu Lâm Văn Đoan kiến nghị, cơ quan soạn thảo Luật cần phát triển chương trình dự án bảo hiểm vi mô, an toàn, hiệu quả, bền vững hướng tới người nghèo; đồng thời, cơ quan soạn thảo cần đối thoại trực tiếp với các công ty bảo hiểm, các tổ chức bảo hiểm nước ngoài, các tổ chức bảo hiểm Việt Nam… có nhu cầu tham gia bảo hiểm vi mô để tìm hiểu, phân tích nhu cầu, các khó khăn, rào cản trong việc thực hiện sản phẩm bảo hiểm vi mô.

Từ đó, xây dựng khung pháp lý sát với thực tiễn; đồng thời, cần nghiên cứu ban hành cơ chế khuyến khích, phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho người nghèo, người thu nhập thấp.

“Tôi kỳ vọng, Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi lần này sẽ mang lại mục đích mạnh mẽ cho thị trường bảo hiểm nước ta”, đại biểu Lâm Văn Đoan nhấn mạnh.

Đánh giá kỹ tác động của bảo hiểm vi mô

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) cho biết việc triển khai bảo hiểm vi mô tại Việt Nam chưa thật sự phát triển do bộ phận chủ yếu hướng đến của sản phẩm bảo hiểm vi mô thường ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận, chi phí triển khai thường lớn hơn các sản phẩm bảo hiểm thông thường nhưng rủi ro nhiều hơn nên đa số doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam cũng chưa muốn cung cấp bảo hiểm vi mô.

Ngoài ra, việc dự thảo luật quy định tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp phép thành lập và hoạt động để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho chính các thành viên của mình, nhưng về mặt pháp lý của các tổ chức tương hỗ quy định tại dự thảo luật chưa chặt chẽ, không cụ thể về ngăn ngừa rủi ro. Trong khi đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển, đối tượng tham gia rất đông và nếu có rủi ro thì tác động rất lớn đến xã hội.

Để đảm bảo tính khả thi của dự thảo luật, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo, làm rõ yêu cầu lợi nhuận, phi lợi nhuận của bảo hiểm vi mô, đồng thời đánh giá kỹ tác động về kinh tế, chi phí, lợi ích của loại hình bảo hiểm này, bổ sung đầy đủ các quy định về bảo hiểm vi mô và làm rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm vi mô với các bảo hiểm thông thường…

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.