Từ vụ bắt cóc trẻ em ở Long Biên: Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản bị xử lý thế nào?

Thứ 3, 15/08/2023 19:54

Sau vụ bắt cóc trẻ em tống tiền ở Long Biên, Hà Nội, nhiều độc giả thắc mắc, các đối tượng có hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý thế nào?

Công an TP.Hà Nội cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự công an thành phố đang điều tra, làm rõ vụ việc bắt cóc bé trai 7 tuổi tên P (con chị Đ.T.H) tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội. Nghi phạm gây ra vụ việc là Nguyễn Đức Trung (SN 1992, ở huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) đã bị cơ quan công an bắt giữ.

img

Đối tượng bắt cóc cháu bé trai 7 tuổi tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội

Thông tin ban đầu từ Công an TP.Hà Nội, tại cơ quan điều tra, bước đầu, Trung khai nhận do nợ nần nên nảy sinh ý định bắt cóc trẻ em để đòi tiền chuộc. Khoảng 19h ngày 14/8/2023, Trung điều khiển ô tô đi nhiều vòng quanh khu đô thị Việt Hưng thì phát hiện con trai chị H đang đạp xe nên đã khống chế, bắt cóc cháu.

Chị H. sau đó đã trình báo công an về sự việc con trai bị bắt cóc. Đối tượng bắt cóc gọi điện cho chị H. yêu cầu gia đình nộp 15 tỷ đồng để “chuộc” con.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Giám đốc Công an Thành phố đã triệu tập lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ về Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an Thành phố, trực tiếp chỉ đạo lực lượng điều tra nhanh chóng giải cứu, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cháu bé.

Sau gần 10 giờ điều tra, truy tìm xuyên đêm, khoảng 5h ngày 15/8/2023, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Công an quận Long Biên và các đơn vị nghiệp vụ đã bắt giữ nghi phạm gây án Nguyễn Đức Trung, giải cứu thành công cháu bé về với gia đình bảo đảm tuyệt đối an toàn.

img

Bé trai trở về trong vòng tay người thân sau khi được lực lượng công an TP.Hà Nội giải cứu an toàn

Sau vụ bắt cóc trẻ em tống tiền ở Long Biên, Hà Nội, nhiều độc giả thắc mắc, các đối tượng có hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV về thắc mắc của độc giả, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) có quy định xử lý với đối tượng phạm tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” tại Điều 169.

“Theo Khoản 1 Điều 169, người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Đây là khung hình phạt nhẹ nhất với đối tượng phạm tội.

Đối tượng phạm tội thuộc các trường hợp như “có tính chất chuyên nghiệp, “dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác”, “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” hay “đối với người dưới 16 tuổi” bao gồm trẻ em… thì bị phạt tù từ 5 năm tới 12 năm theo Khoản 2, Điều 169, Bộ luật Hình sự.

Đối tượng phạm tội thuộc các trường hợp như “chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên” hoặc “Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên sẽ bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu hành vi phạm tội, theo Khoản 4, Điều 169”- luật sư Kiên cho biết.

Theo luật sư Kiên, Điều 169 có điều khoản đáng chú ý là người chuẩn bị phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 0 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Xuân Lực

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.